Vẹn nghĩa tình

08/12/2013 - 14:54

PNO - PN - Bà gượng dậy, khó nhọc đưa tay lau bụi tấm di ảnh của mẹ chồng - việc bà vẫn làm mỗi ngày. Bà trầm giọng, thả từng tiếng vào hư không: “Cả đời con, xót xa, đau lòng nhất là không tổ chức được cho mẹ một đám tang đàng...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ven nghia tinh

Kim Ngân tìm việc làm theo giờ để có thể chăm sóc mẹ

Khánh kiệt vẫn không buông tay

Chồng bà Lệ tên Lưu Văn Mạnh, là con nuôi của bà Đãi. Bà Lệ về làm dâu, phụ mẹ chồng buôn gánh bán bưng. Ngày con gái chào đời, bà Lệ phát hiện chồng mê cờ bạc, nhiều lần có quan hệ bất chính cùng người phụ nữ khác. Từ đó, bà bị chồng bỏ mặc, thậm chí còn bị bạo hành. “Hôm nào ba ăn bài hay thấy vui thì thôi, còn thua hoặc buồn là về đánh mẹ. Bà nội can cũng bị ba đánh” - Kim Ngân, con gái bà Lệ nhớ lại. Năm Kim Ngân lên 10, một hôm ông Mạnh về lạy mẹ, xin bán nhà để trả nợ cờ bạc. Không nỡ nhìn con trai bị chủ nợ uy hiếp, bà Đãi đồng ý, sau đó cả nhà bốn người phải đi thuê trọ. Không lâu sau, ông Mạnh qua đời. Cuộc sống túng bấn khiến Kim Ngân phải nghỉ học, làm mọi việc để phụ mẹ, khi đi giúp việc, giữ em; lúc xin rửa chén, phục vụ trong quán cơm, tất cả đều làm theo giờ để còn về giúp mẹ chăm bà nội tuổi cao.

“Mọi sự cũng do tôi không cẩn thận, để mẹ phải vất vả mưu sinh” - bà Lệ kể: “Thấy tôi đi bán vé số, mẹ cũng đòi đi bán. Ba năm trước, trong lúc mẹ qua đường thì bị xe tông”. Lương con gái không đủ trang trải cho cả ba người, bà Lệ vay mượn tiền mua một chiếc xe lăn, mỗi ngày đẩy mẹ đi bán vé số. Cùng đi bán một thời gian, bà Lệ để ý thấy vết thương sau vụ tai nạn mãi không chịu lành, ngày càng loét to. Không tiền chữa trị, bà buộc lòng nghỉ bán, ở nhà chăm sóc mẹ chồng, mọi chi tiêu phó mặc cho con gái. “Nhờ mọi người thương tình gom góp tiền nên mấy tháng trước, tôi đưa được mẹ vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chữa trị. Bác sĩ cho biết bệnh của mẹ rất nặng, cần nhiều tiền chạy chữa. Tôi cùng con gái cật lực kiếm tiền nhưng mẹ cứ yếu dần rồi qua đời sau ba tháng nhập viện” - bà Lệ kể.

 Ven nghia tinh

Bà Lệ luôn day dứt bởi không tổ chức được cho mẹ chồng một đám tang đàng hoàng

Trọn nghĩa tình

Kể về đám tang của mẹ chồng, bà Lệ bật khóc: “Mẹ ra đi trong cảnh quá khổ sở, túng bấn. Chủ nhà trọ không cho đưa về nên mẹ mất buổi khuya thì sáng hôm sau phải đưa đi hỏa táng, tro cốt gửi ở chùa”. Tôi hỏi bà Lệ: “Động lực nào để bà sống trọn tình vẹn nghĩa với mẹ chồng, không bỏ rơi nhau lúc ngặt nghèo?”. Gạt nước mắt, bà Lệ chậm rãi: “Nhiều người nghĩ tôi sẽ bỏ mẹ sau khi chồng tôi mất, nhà cửa không còn. Nhưng tôi thương mẹ. Sinh thời mẹ cũng rất thương tôi. Khi khỏe mạnh hay lúc ốm đau, ai cho bát mì, tô phở, bà đều dành cho tôi và cháu Kim Ngân. Tình nghĩa, yêu thương, sự bảo bọc hơn hai chục năm chung sống với mẹ, tôi không sao quên được”.

Ngày ấy, thấy con dâu không sống nổi với con trai mình, bà Đãi đã nhiều lần khuyên bà Lệ… bỏ trốn, tìm cuộc sống tốt hơn. Thương mẹ chồng tuổi cao, không người bên cạnh, bà Lệ từ chối. “Một ngày làm dâu, trọn đời là dâu. Mẹ coi tôi như ruột thịt. Suốt đời tôi khắc dạ những lần mẹ đi chợ, lựa mua cho con dâu tấm vải, đôi dép; chỉ dạy, san sẻ với tôi mọi điều” - bà Lệ kể. “Nội mất rồi, mẹ lục tìm trong hành lý nhưng không thấy tấm hình nào của nội, cứ tự trách mình, không biết lấy gì để thờ. May chứng minh nhân dân của nội còn giữ được nên lúc ấy, dù trong túi chỉ có mấy trăm ngàn, mẹ cũng đi phóng to bức ảnh từ chứng minh nhân dân” - Kim Ngân kể.

Tôi ngược xe về P.Thống Nhất, nơi năm xưa bà Lệ sống cùng mẹ chồng trong ngôi nhà chưa bị ông Mạnh gán nợ, tìm những người từng quen biết gia đình bà. Có người ngỡ ngàng vì bao năm qua vẫn nghĩ là bà Lệ “đã nửa đường buông tay”, người biết chuyện thì thán phục tấm lòng thuận thảo của bà Lệ dành cho mẹ chồng trước sau như một. Chị Phạm Thị Kim Ngọc, ngụ P.Thống Nhất - người biết rõ gia cảnh của bà Lệ, kể: “Nhìn vào, khó ai nghĩ bà Đãi và bà Lệ là mẹ chồng - nàng dâu, vì sự chăm sóc của bà Lệ với mẹ chồng hơn cả tình thâm cốt nhục. Tôi cảm phục tấm lòng của người con dâu ấy”. Bà Đãi mất không lâu thì bà Lệ bị tai biến, đi đứng khó khăn. Cái nghèo cộng với bệnh tật, bà cùng con gái đi đến đâu cũng chỉ nhận cái lắc đầu, không cho thuê phòng trọ. Sẵn có căn nhà trống ở P.An Bình, chị Ngọc đưa họ về ở với tiền thuê… “khi nào có hẵng tính”. Tôi hỏi thêm chị Nguyễn Thị Khoa - điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (nơi bà Đãi nằm bệnh) thì được biết: “Dù bà Đãi có bảo hiểm, gia đình chỉ đóng thêm 5% viện phí nhưng bấy nhiêu cũng là quá sức với hai mẹ con bà Lệ. Mỗi ngày, họ phải ra ngoài kiếm tiền, con gái đi làm thuê, bà mẹ thì đi xin từng đồng, kiếm tiền chữa bệnh. Tuy nhiên, bà Đãi bị nhiễm trùng huyết nặng nên mất không lâu sau”.

Bà Lệ hiện chưa thể đi lại sau cơn tai biến và sống nhờ từng bữa cơm con gái xin ở quán mang về. Dù vậy, bà vẫn ước mơ có một chiếc xe lắc tay để mỗi ngày đi bán vé số. “Còn sống ngày nào, tôi còn muốn lao động, tự mưu sinh để đỡ đần con gái” - bà mong mỏi.

 YÊN NHẠN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI