Vén màn những trang sách xưa

21/05/2023 - 19:52

PNO - Về vai trò báo chí lẫn công việc làm báo trước năm 1945, đã có nhiều người chú tâm nghiên cứu chuyên sâu. Đáng chú ý nhất, trong thời gian gần đây có lẽ là Trần Đình Ba.

Sau tập Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945, anh tiếp tục có Những con chữ ngoài trang sách. Có thể nói, cả 2 tập sách này đã góp phần tích cực giúp bạn đọc phần nào hình dung ra cách làm báo, làm xuất bản không chỉ của một thời. 

Trước đây, qua các hồi ký của những nhà báo, nhà văn lừng danh như Vũ Ngọc Phan, Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Bằng, Nhất Linh, Tô Hoài…, chúng ta có thể phần nào tìm thấy phương thức hoạt động của nền xuất bản sách báo thời ấy. Tuy nhiên, các tài liệu đó chỉ mới dừng lại là những sắc màu đậm nhạt khác nhau bởi còn tùy thuộc hồi ức, cách kể chuyện của người trong cuộc mà họ đã chứng kiến, trải qua. Nay, trên cơ sở thu thập lại nhiều nguồn tài liệu, kể cả tìm kiếm các ấn bản còn lưu giữ tại thư viện trong và ngoài nước, tác giả Trần Đình Ba đã cố gắng tái hiện một cách sinh động, hệ thống lại trong khả năng có thể.

Với tập Những con chữ ngoài trang sách (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM - 2023), Trần Đình Ba chia làm 3 phần: phần 1 và phần 2 điểm lược về lịch sử hoạt động xuất bản ở Việt Nam từ xưa đến năm 1945 theo những chủ đề khác nhau như in ấn, quảng cáo, phát hành…; phần 3 tập trung vào câu chuyện của nhiều văn sĩ liên quan đến sách và văn hóa đọc. 

Tác giả đã “thâm nhập” vào đời sống của ngành xuất bản thông qua những nhà văn, nhà báo cụ thể. Từ đó, chúng ta có thể biết được khá nhiều thông tin thú vị. Thí dụ, về bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, anh cho biết: “Nếu như lâu nay ta quen thuộc với câu thơ:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

thì trong Sách chơi xuân năm Đinh Sửu, “ngày mai” được in là “đến mai”. Và câu thơ cuối:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Tính từ “chang chang” được in là “chan chan”. Những dị biệt ấy cũng là điểm lý thú khi tìm về nguyên gốc của bản thơ ở bản in đầu. Bên cạnh đó còn là những bài viết không kém phần hấp dẫn như Văn thi sĩ… kiện nhau vì sách - kể về trường hợp nhà thơ Quách Tấn kiện nhà phê bình Trần Thanh Mại. Năm 1942, ông Mại viết quyển sách về Hàn Mặc Tử nhưng lại trích dẫn thơ quá nhiều mà “không có sự đồng ý của người được quyền bảo thủ” là ông Tấn. Hoặc trường hợp Vệ Thạch Đào Duy Anh, một trong ba người có tủ sách lớn ở Huế, Sách bản đặc biệt, một thú chơi sách sang…

Tất cả thông tin này được hệ thống lại, dần dà mở ra cho người đọc biết được nhiều sinh hoạt kỳ thú liên quan đến sách. Từ đó, ta thấy người xưa yêu sách biết bao nhiêu, chẳng hạn: “Có những bản đặc biệt xét ra thật kỳ công và… đặc biệt. Thi phẩm Mây của Vũ Hoàng Chương do Đời Nay xuất bản năm 1943. Trong số bản đặc biệt của thi phẩm này, có bản đặc biệt sẽ có phụ bản tranh của Đinh Hùng, Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Đỗ Cung. Mỗi bản đặc biệt có tranh của một trong những người trên, chỉ có một bản duy nhất”.

Nhìn chung, với Những con chữ ngoài trang sách, chúng ta có thể đọc nhẩn nha để thấy rằng trong thế giới sách trước năm 1945 của người Việt còn có bao điều hấp dẫn mà không phải ai cũng tường tận.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI