PNO - Hội Phụ nữ Công an TP.HCM phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM về xã Thạnh An, huyện Cần Giờ làm thủ tục cấp, đổi căn cước công dân miễn phí.
Mới đây, người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã có một ngày vô cùng phấn khởi, xúc động khi Hội Phụ nữ (PN) Công an TP.HCM phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM về đây làm thủ tục cấp, đổi căn cước công dân (CCCD) miễn phí.
Trung tá Cao Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội PN Công an TP.HCM hướng dẫn người dân điền thông tin trong phiếu khai hồ sơ làm căn cước công dân
NGÀY VUI
Dẫn đường cho cả đoàn từ trung tâm TP.HCM về xã Thạnh An, chị Trần Vân Giác - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh An phấn khởi: “Khi chúng tôi thông báo Hội PN Công an TP.HCM hỗ trợ cấp, đổi thẻ CCCD miễn phí ngay tại xã đảo, bà con mừng lắm. Có những trường hợp đau bệnh, già yếu, chúng tôi nói đoàn sẽ đến tận nhà làm, nhưng các dì, chị kêu còn đi được thì phải ra xã đặng các cô, chú công an đỡ cực. Đây là hoạt động ý nghĩa bởi người dân xã đảo vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế về đi lại”.
Tại trụ sở UBND xã đảo Thạnh An, nhiều cụ đã 80, 90 tuổi chống gậy, móm mém cười đón đoàn. Bị đau thận, phải đi vệ sinh liên miên, nhưng khi nghe hỏi sao không ở nhà chờ đoàn tới, cụ Trần Thị Năng (SN 1923, ngụ ấp Thạnh Hòa) xua tay: “Ưng ra đây cho các cô chú công an làm thôi. Tui già quá, tính bỏ luôn cái thẻ chứng minh, chớ bệnh tật hoài, ngồi đò đâu có được”. Ông Nguyễn Văn Đực (SN 1940, ngụ ấp Thạnh Bình) hào hứng: “Nghe chị Tươi (trung tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội PN Công an TP.HCM) nói chi phí làm căn cước 30.000đ/người sẽ do Hội lo, rồi khi có thẻ, Hội cũng cử người mang tới tận nhà cho dân, tôi mừng lắm. Không phải vì tiền bạc gì, mà quý cái tình. Cán bộ vượt đường sá xa xôi tới đây, lại còn làm miễn phí mọi thứ, không thương sao được”.
Ngồi cạnh đó, cụ Võ Thị Quẩy (SN 1932, ngụ ấp Thạnh Hòa) góp chuyện: “Chứng minh nhân dân (CMND) của tui làm từ thời xưa lắm rồi, giờ có nhớ năm nào đâu. Trước, tui đi kiếm củi bán, còn bốn đứa con theo nghề biển, năm thì mười họa mới ra huyện, rồi cũng quên béng cái chứng minh. Cán bộ về xã nói làm thẻ mới miễn phí cho, tui mừng dữ”.
Không để người dân phải đợi lâu, Đội cấp, quản lý CMND và các giấy tờ đi lại khác, thuộc PC64 Công an TP.HCM nhanh chóng chia thành hai tổ, chuẩn bị máy móc, điểm chụp hình thẻ ngoài hành lang. Trong hội trường, cán bộ Hội PN Công an TP.HCM ân cần giải thích, tỉ mỉ rà soát thông tin và hỗ trợ các cụ già mắt đã kém, những người không biết chữ điền vào tờ khai. Có cụ khi nghe trung tá Cao Thị Hồng Tươi hỏi tên vợ/chồng/con, năm sinh để điền giúp vào hồ sơ thì cười cười: “Để coi, quên mất tiêu rồi”. Cũng có trường hợp, tổ lấy vân tay “vật vã” vuốt thằng ngón tay các cụ nhiều lần nhưng máy vẫn… không nhận dạng.
Nhiều em học sinh đủ 15 tuổi lần đầu đi làm thẻ CCCD hồi hộp quá, cứ đứng xớ rớ bên ngoài, len lén ngó vô. Cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị phải ra động viên, cười nói xởi lởi một hồi, các em mới mạnh dạn hơn. Em Quảng Thị Kim Châu (SN 2002, ngụ ấp Thạnh Hòa) bộc bạch: “Khi ra đây, em mặc bộ đồ đẹp nhất để lên hình coi cho được”.
CẦN LẮM NHỮNG CHUYẾN ĐI
Tại xã đảo Thạnh An lần này, ngoài 30 trường hợp người già, học sinh đủ 15 tuổi được làm thủ tục cấp, đổi CCCD tại trụ sở UBND xã, đoàn đã đến tận nhà hai cụ Nguyễn Thị Lượm (SN 1929, ngụ ấp Thạnh Bình) và Trần Thị Lắng (SN 1931, ngụ ấp Thạnh Bình) để chụp ảnh, lấy dấu vân tay cho hai cụ. CMND hiện có của cụ Lắng được làm năm 1993, còn cụ Lượm thì tận năm 1979.
Cháu gái cụ Lắng kể, cách đây mấy tháng, gia đình mang thẻ bảo hiểm y tế lên trạm xá nhận thuốc cho cụ nhưng không được do CMND đã quá cũ. Chỉ đi lại trong nhà, cụ Lắng cũng phải chống gậy và cần hai người dìu. Khi đoàn đến, cụ Lắng cười hoài, thỉnh thoảng lại siết chặt tay từng cán bộ, chiến sĩ công an, nhắc đi nhắc lại một câu: “Thấy mình được quan tâm nên rất mát dạ. Cảm ơn các cháu”.
Trung tá Cao Thị Hồng Tươi cho biết, từ tháng 7/2016, Hội PN Công an TP.HCM phối hợp PC64 và công an các quận, huyện triển khai công trình “Cấp thẻ CCCD cho người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM”. Dự kiến, hoạt động này sẽ kéo dài đến năm 2020 tại 24 quận, huyện, nhưng ưu tiên các huyện ngoại thành trước. Tính đến nay, đã có 145 trường hợp là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nữ thương binh, người già, người khuyết tật, học sinh đủ 15 tuổi, người lao động nghèo tại các quận 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Cần Giờ… được cấp, đổi CCCD mới.
“Có trường hợp, chúng tôi phải chụp ảnh từ trên xuống vì các cụ bị bệnh, nằm liệt giường. Có nhà, mấy thành viên đều là người khuyết tật, đi lại khó khăn nên 30, 40 tuổi vẫn không có CCCD. Một số nơi, bà con chưa hiểu hết tầm quan trọng của CCCD, chúng tôi chủ động giải thích, động viên và thuyết phục dữ lắm. Bởi vậy, trong mỗi chuyến đi, chữ “thương” là trên hết” - trung tá Tươi bộc bạch.
Đi dưới nắng chang chang, trung tá Trần Đình Long - Đội trưởng Đội cấp, quản lý CMND và các giấy tờ đi lại khác, thuộc PC64 Công an TP.HCM chia sẻ: “Theo tôi, hoạt động cấp, đổi CCCD ngay tại nhà không chỉ rút ngắn thời gian, bớt phiền hà cho dân mà còn xây dựng được hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân. Thực tế, vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, không tự đi làm CCCD được, nên tôi nghĩ rất cần có những chuyến đi như thế này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội PN Công an TP.HCM đến với dân, hỗ trợ hết mình để bà con có tờ giấy tùy thân cần thiết này”.
Ngày 21/1, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam quận 3 tổ chức họp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).