Về vườn Nhà nội gặp lại kỷ niệm

10/08/2022 - 16:19

PNO - “Có ai về ăn mì Quảng với Phương không?”. Lời mời gọi “đánh gục” bao người. Tôi và nhóm bạn sinh năm 1974 sắp xếp ngay công việc để về quê.

Uyên Phương (bìa phải) tự tay nấu món mì quảng mời bạn (tác giả)
Uyên Phương (bìa phải) tự tay nấu món mì Quảng mời bạn (tác giả)

Đầu năm 2022, chị Lê Thị Uyên Phương (ở làng Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cải tạo lại khu vườn đã nhiều năm vắng chủ. Khi đưa hình ảnh lên Facebook, khu vườn lập tức “đốn tim” bạn “Phây”. 

Con cháu nội ngoại của tộc Lê Phước, làng Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang sinh sống và làm việc xa quê là những người bị “đốn tim” nhiều nhất, bởi khu vườn không chỉ nên thơ, mà còn đầy hoài niệm. Sau khi được cải tạo, khu vườn đã đón những người bà con phương xa trở về. 

Uyên Phương là cháu nội tộc Lê Phước. Chị sinh ra và lớn lên ở làng, từng có thời gian xa quê, nên hiểu những thổn thức của người xa xứ. Uyên Phương rất biết cách đánh thức ký ức bao người, bằng việc khoe những món ăn xứ Quảng do chính tay chị làm. Hôm thì bánh đúc, bánh bèo, bánh gói. Hôm bắp nấu, đậu phụng luộc. Hôm thì mì Quảng với rổ rau sống mà nhìn vào, biết ngay của người Quảng. 

Phương đặt tên khu vườn của mình là vườn Nhà nội. Phương thích tên gọi này vì từ khi mới sinh ra chị đã sống trong vòng tay ông bà. 

Vườn Nhà nội sát đường, gần con dốc. Phía bên kia là cánh đồng lúa bát ngát. Làng Hoán Mỹ thời xưa nhà nào cũng làm nông. Người đi cấy, đi cày, đi gặt lúa, nhổ mạ, làm cỏ, bón phân đều ngang Nhà nội. Bếp củi của bà nội Uyên Phương nằm cách biệt ngôi nhà, người đi ngang qua cũng thấy khi thì đỏ lửa, khi thì có khói bay lên. 

Tôi còn nhớ lời giải thích khá dễ thương của Phương về căn bếp: Nhà nội gần đường, khách hay ghé vào uống nước chè với ông nội, nên bà nội luôn giữ cho bếp ấm, chỉ cần cúi xuống thổi, lửa sẽ đỏ, và mau chóng có  ấm nước mời khách. Bây giờ, Uyên Phương nhen lại tinh thần đón khách ấy.

Tuổi thơ không cha mẹ là một thiệt thòi, nhưng những ký ức tốt đẹp, Uyên Phương đều nhớ. Chị nhớ cả những trận đòn của ông nội mỗi khi ông say rượu, để rồi sau cơn say, ông ôm Phương vào lòng hối hận. Sống với ông bà từ nhỏ, Phương được nghe nhiều câu chuyện cũ kỹ, thú vị về làng xóm, con người... 

Về vườn Nhà nội, khách cùng Uyên Phương thưởng thức trái bắp hái bên kia bàu, hay bữa mì Quảng có bắp chuối chát xắt sợi. Đặc biệt, trên bàn ăn bao giờ cũng có cây ớt kiểng trĩu quả, đúng chất Quảng Nam. Khách và chủ còn kể cho nhau bao câu chuyện xưa, bên cô chủ biết lắng nghe, hiếu khách, biết hát, biết làm thơ…

Để có một nơi đẹp như thế, mỗi ngày cô chủ mất 5 giờ đồng hồ để bắt sâu, thay đất cho cây, bón phân, tưới nước, nên hoa lá đua nhau khoe sắc, ong bướm cũng theo về. 

Phương là chủ shop quần áo online. Mỗi món hàng Phương rao bán, mỗi bộ quần áo Phương diện cho ma-nơ-canh, cũng tinh tế và ấn tượng. Bôn ba, xa xứ nhiều năm, việc Uyên Phương trở về làng được nhiều người ủng hộ, một sự ủng hộ đầy... mục đích, mà mục đích cụ thể nhất là có một nơi để người ta quay về. 

Đến vườn Nhà nội, ai cũng có thể tự tay pha cho mình ly cà phê, không tốn phí. Khi cô chủ vắng nhà, khách có thể tự bày ăn uống, tự dọn rửa. Khách chủ yếu bà con, bạn bè thân quen, nên không có cảnh bát nháo, ngược lại rất lịch sự, vì khách hiểu cô chủ không khó tính nhưng nguyên tắc và chỉn chu trong từng lời ăn tiếng nói. 

Vườn Nhà nội đang rộn ràng cho việc lập nhà sách cộng đồng và trang bị giá vẽ cho trẻ em. Chị Uyên Phương muốn các con được đọc sách, được vẽ, để buông điện thoại ra. Đã có vài nhà thơ nổi tiếng xứ Quảng chọn vườn Nhà nội là nơi giới thiệu tác phẩm, ký tặng sách. Những bữa tiệc thơ, nhạc cũng đã diễn ra ở đây...  

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI