Về Vòm Nao “đào” ấu

25/12/2020 - 17:31

PNO - Củ ấu thật ra là quả ấu nhưng do phát triển trong nước, khi già, trái rơi khỏi cây, vùi vào bùn đất nên "bị" gọi là củ.

Sông Vàm Nao chảy qua địa phận các xã Kiến An, Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), xã Tân Trung (huyện Phú Tân), xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) của tỉnh An Giang.

Chỉ dài hơn 7km nhưng Vàm Nao là con sông hết sức đặc biệt: đây là con sông duy nhất nối sông Tiền và sông Hậu, là con sông ngắn nhất, con sông có nhiều cá khổng lồ nhất... Cù lao Vàm Nao thuộc huyện Phú Tân và đầu cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới (An Giang). Lần này chúng tôi đến đây để đào củ ấu theo lời mời của Đoan - “nhà tài trợ” và cũng là thổ địa của nhóm.

Cây ấu chỉ sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước sạch.
Cây ấu chỉ sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước sạch - Ảnh: Khang Thái

Nghỉ ngơi và ăn cơm trưa ở nhà Đoan xong, chúng tôi được “điều” lên chiếc xuồng ba lá của anh Minh gần nhà. Xuồng chạy khoảng năm phút, xung quanh đã nước là nước, kênh nối kênh, lạch nối lạch. Tất cả chỉ được phân định bởi những bờ cỏ dại xanh ngát.

Xuồng đi thêm một đoạn nữa thì len vào một con rạch nhỏ, rồi tiếp đến một con lạch nhỏ hơn, anh Minh bảo: "Tới ruộng ấu  rồi". Anh nói xong, cả đám nhìn quanh rồi ngơ ngác bởi chúng tôi vẫn ở trên xuồng mà xuồng thì đang dừng giữa một đám ruộng đầy những cây dạng bụi hơi hơi giống cây lục bình và... chỉ có vậy.

Thấy vẻ mặt "hoang mang" của cả nhóm, Đoan cười xòa: "Nào nào, cây ấu đó, đào củ đi". Rồi trước những con mắt ngạc nhiên của chúng tôi, Đoan vươn tay khỏi xuồng, kéo một cây lên. Khi bụi cây được đưa lên cao ngang tầm mắt, tôi mới nhận thấy có gì đó là lạ, nhìn kỹ, thì bắt gặp những củ ấu có màu tím hồng. Lúc đó cả đám mới biết cái cây mọc xâm xấp mặt nước hơi giống cây lục bình kia là cây ấu.

Củ ấu thật ra là quả ấu.
Củ ấu thật ra là quả ấu - Ảnh: Khang Thái

Đoan bảo, gọi là củ ấu nhưng chính xác phải là "quả" ấu. Hoa ấu khi tàn sẽ hình thành quả, quả ấu vùi xuống nước, phát triển. Khi già, trái ấu rụng và vùi xuống bùn nên dân gian quen miệng gọi là củ ấu.

Củ ấu có hình sừng trâu, thịt củ có nhiều tinh bột. Số lượng củ của mỗi cây ấu khác nhau tùy thuộc vào thời gian trồng. Vào vụ, một bụi ấu có thể thu hoạch đến 20 củ, mỗi ruộng thu vài tạ. Ruộng ấu anh Minh đưa chúng tôi đến có thể do thời gian dưỡng còn ngắn nên bụi ấu đầu tiên, củ chỉ nhỉnh hơn ngón tay một chút, đủ để chúng tôi nhận biết đó là cây gì chứ không thể bứt trái. Sau khi cho chúng tôi xem xong Đoan thả cây xuống nước để củ ấu tiếp tục phát triển.

Thấy quy trình nhổ củ ấu không quá khó khăn, cả đám quơ tay ra ngoài xuồng để nhổ. Cây ấu nhiều nhưng củ thì ít nên phải mất một lúc cả nhóm mới gom được một túi ấu nho nhỏ. Khác với ấu đã luộc chín có màu đen đậm, củ ấu tươi có màu tím hồng, rất đẹp.

Củ ấu sống có màu khá đẹp mắt, khi cắn, phần thịt củ trắng ngà, giòn, ngọt.
Củ ấu sống có màu khá đẹp mắt, khi cắn, phần thịt củ trắng ngà, giòn, ngọt - Ảnh: An Huỳnh

Trong lúc chúng tôi vẫn nhao nhao "vớt" từng bụi ấu, bứt củ, cho vào túi, anh Minh lặng lẽ ngồi, nhai một thứ gì đó. Bắt gặp ánh mắt của tôi, anh cười và chìa ra thứ mình đang ăn - một củ ấu sống. Anh bảo, mọi người thường chỉ ăn củ ấu luộc, nhưng với người trồng hay thu hoạch củ ấu, họ thích cảm giác vừa bứt củ ấu khỏi bụi, cắn hay bẻ đôi rồi nhai phần thịt củ tươi.

Cũng nhờ anh Minh tôi mới biết, cây ấu dù sinh trưởng ở những vùng nước trũng, nhưng nước tại đó phải thật sạch. Nếu nước dơ, cây ấu hoặc sẽ chết hoặc không đậu củ. Có lẽ vì an tâm củ ấu chỉ sinh trưởng ở nước sạch, nên trong quá trình thu hoạch củ, nếu "buồn miệng" hay khát nước, người thu ấu cứ thế đưa vào miệng, cắn vỏ, nhấm nháp phần thịt mà không cần rửa.

Tôi không làm được như anh Minh. Tôi lấy chai nước lọc mang theo, rửa sơ củ ấu  rồi cắn nhẹ. Củ ấu gãy đôi, lộ ra phần thịt trắng ngần, bắt mắt. Củ ấu không có mủ, lại sống trong nước sạch và phần "thịt ấu" sống trông vừa ngon vừa lành, tôi an tâm, lại cắn lần nữa.

Nếu củ ấu chín có độ bùi của tinh bột thì thịt củ ấu sống có vị ngọt, giòn, thanh mát vừa giống củ năng. Lại cắn, lại nhai, trong đầu tôi hình dung đến khoai lang, thường người ta luộc hay nướng nhưng ít ai biết, củ lang khi ăn sống cũng có cái thú.

Thấy tôi ăn ngon miệng, cả đám cũng bắt chước theo. Vừa nhổ ấu, vừa rửa sơ, cắn, nhai và đều thỏa mãn thấy rõ. Nhưng Đoan không cho phép chúng tôi ăn nhiều, cậu bảo: "Từ từ, về nhà, mẹ tớ sẽ đãi các cậu món cá linh bông điên điển chiên giòn và giò heo hầm củ ấu". Chỉ mới nghe thôi đã thấy thèm...

An Huỳnh
Ảnh: Khang Thái

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thủy già 26-12-2020 13:51:51

    Củ ấu tươi ăn nhiều sẽ có làm cho răng có màu màu xám . Những năm trước 1970, khi có giờ nghĩ không học, chúng tôi thuê ghe đi trộm vài củ ấu ăn chơi ở cồn trồng ấu gần bến Ninh Kiều, Cần Thơ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI