Về với người cũ - Gian nan ru lại câu hò

01/12/2018 - 17:00

PNO - Đừng chờ đợi, sẽ không thất vọng. Hãy kết hôn và tái hôn bằng mong muốn khâu vá đời nhau, để giúp người ấy tốt hơn, để yêu thương và chăm sóc; ta sẽ không đau đớn khi đời không được như mơ.

Trong hôn lễ của nhiều đôi lứa, người dẫn chương trình nói một câu khá sáo, đại loại: “Trải qua bao khó khăn, thử thách, hôm nay họ đã đến được với nhau”. Vẫn biết đó là thực tế (đôi nào chẳng từng có lúc giận hờn, muốn “bỏ quách cho xong” hay thấy tủi thân sao chuyện tình mình chẳng được “như người ta”), nhưng nghe mãi cũng nhàm.

Và nếu các đôi yêu nhau phải trải trăm ngàn thử thách để đến với nhau thì những đôi muốn ru lại câu hò (tái hôn) gặp nhiều gian nan gấp bội, mà một phần cực lớn trong số họ thất bại ngay từ lúc bắt đầu.

Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Sòng phẳng mà nói, những đôi có ý định tái hôn có xuất phát điểm khá thuận lợi so với các đôi tình nhân: họ đã có nhiều thời gian để tìm hiểu và chấp nhận nhau. Họ đã từng trải qua những vất vả của đời sống hôn nhân. Họ đã biết những va chạm là như thế nào so với các cặp vợ chồng son nhiều bỡ ngỡ. Điều quan trọng nhất: họ vẫn yêu nhau và coi trọng nghĩa, tình hay ít nhất cũng biết rõ “vì ta cần nhau” ra sao.

Ve voi nguoi cu - Gian nan ru lai cau ho

Trên hành trình trở lại mái nhà xưa, những kỷ niệm hạnh phúc sẽ được nhắc nhớ, khơi gợi, tái hiện. Chàng và nàng sẽ ngỡ ngàng nhận ra mình đã từng có những điều đẹp đẽ mà trước đó, vì lý do nào đó, mình đã vô tình bỏ qua hoặc không xem trọng. Chúng sẽ gia cố lại nền móng cho ngôi nhà từng có lúc sụp đổ, vá lại những tường vách liêu xiêu. Trong tâm trạng bù đắp cho nhau những ngày tháng cũ, họ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho nhau và cho gia đình - điều mọi cuộc hôn nhân đều cần có. 

Kẻ tội đồ từng khiến hôn nhân tan vỡ sẽ nỗ lực chứng tỏ bản thân xứng đáng được trở về. Người dang tay sẽ bao dung tha thứ. Đã thấy, đã biết nguyên nhân chia lìa, chàng và nàng sẽ tìm cách tránh phạm lại sai lầm cũ, để gìn giữ hôn nhân.

Nếu có dịp chứng kiến các đôi đang tìm cách hoặc vừa hàn gắn, ta sẽ có thể ganh tị với họ, bởi họ hạnh phúc quá, ít nhất là trên bề mặt. Những bữa cơm sum vầy ở nhà hay cùng nhau ra quán để nàng đỡ phải nấu nướng, dọn dẹp; những chuyến du lịch “hấp hôn” đến những nơi họ từng mơ ước hoặc hò hẹn sẽ ghé thăm; nhà cửa tinh tươm, hoa và quà liên tục xuất hiện. Ai còn dám mong ước gì hơn thế?

Lối đi không trải hoa hồng

Các nghiên cứu ở Anh chỉ ra, tỷ lệ thành công của các đôi tái hôn chưa đến 30% và đó là những đôi thực sự muốn tái hôn, nghĩa là đã làm thủ tục kết hôn lần nữa với chính người mình đã ly hôn. Số còn lại tiếp tục sống đời “địa ngục” và lại nhanh chóng dắt nhau ra tòa. Những đôi trở lại nhưng không kết hôn lại có tỷ lệ tái tan vỡ cao hơn hẳn. Lý do được cho biết là vì họ không thể vượt qua những rào cản của chính bản thân, không dẹp bỏ được bóng ma quá khứ và phần lớn là cảm thấy mệt mỏi vì phải sống với nhiều hơn 100% năng lượng.

Ve voi nguoi cu - Gian nan ru lai cau ho

Anh Đức Hiền (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) từng có gia đình nhiều người mơ ước. Anh có vợ đẹp, con ngoan, có ba căn nhà cho thuê, dàn xe khách ba chiếc, một lò muối, một cơ sở sản xuất đồ đồng. Vốn xuất thân nghèo khó, cả cuộc đời mình, anh đã hoạch định từng kế hoạch và tập trung hoàn thành từng bước một. Anh cho con gái học luật, con trai du học Nhật Bản. Nhìn anh, ai cũng thấy hình ảnh người đàn ông ngời ngời thành đạt, gia đình hạnh phúc, cho đến khi đùng một cái chị vợ đâm đơn ra tòa ly hôn. Chị đã không chịu nổi thói gia trưởng, sự hung hãn của anh sau hơn 18 năm cố gắng im lặng, giữ gìn hòa khí. 

Cuộc chia tay nhiều sóng gió, bởi anh Hiếu phải lập kế hoạch giữ tài sản mà anh tin rằng do một tay mình gầy dựng và để - như anh nói - cho con. Những nỗ lực hàn gắn của anh và chị, vì con, có lúc tưởng như đã thành công khi chị để anh trở lại nhà, vẫn đưa các con về thăm nội, họ cùng nhau đi chơi, tận hưởng cuộc sống mà bấy lâu đã bỏ quên vì mải lo sự nghiệp. Nhưng tính gia trưởng và thói hung hăng của anh Hiếu vẫn còn đó, chỉ là anh cố giấu vào một góc khác cho đến khi nó vô tình bật ra khi anh chỉ trích vợ không biết dạy con, để con cãi lại anh.

Chị lại tống anh ra khỏi nhà, anh lại tìm cách trói buộc vợ, cố bảo vệ tài sản, rồi họ lại cố hàn gắn… Sau hơn năm lần tan tan hợp hợp, nay anh Hiếu đã có người mới và chị cũng đã chắp nối với người khác, dù không ai dám kết hôn lần nữa.

Không giống như các đôi vợ chồng phương Tây - thường rõ ràng và dứt khoát trong các mối quan hệ, vợ chồng Việt thường âm thầm chịu đựng nhau dưới danh nghĩa vì con, vì gia đình, cho đến khi mọi thứ bùng phát, họ trở mặt xem nhau như kẻ thù và lao vào cuộc chiến chống lại nhau để cố cắt đứt.

Khi trở lại, những vết sẹo còn nguyên đó. Kể cả khi họ cố vờ như không biết, chúng vẫn ở đó, hiển hiện trên mặt người kia, trong từng lời nói, cử chỉ. Làm sao ta sống được với cái người từng nói và hành xử cạn tàu ráo máng như thế với mình? Khi mâu thuẫn phát sinh, câu hỏi ấy, ký ức ấy sẽ dội lên lập tức, kéo theo nó là những “tội lỗi” xưa được mang ra cân tính ở mức độ nghiêm trọng hơn. Tệ nhất là chàng hoặc nàng rơi vào ý nghĩ: “Hóa ra ổng/bả trở lại với mình chỉ vì ABC, XYZ”.

Đời đá vàng

Khi ru lại câu hò, nhiều đôi đặt kỳ vọng rất lớn vào nền tảng mới. Họ tin họ đã hiểu nhau, đã thông cảm được với nhau nên… mong đợi nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn. Nàng muốn chàng bỏ đi những thói tật, chàng muốn nàng chu toàn gia đình hơn ngày xưa. Nhưng ai có thể hơn mức ngày xưa khi thời gian đã bào mòn cơ thể và tinh thần họ, chưa kể những sẹo lồi sẹo lõm của cuộc hôn nhân cũ đã tàn phá họ đến mức chỉ nội việc phải như cũ cũng đã hết sức khó khăn.

Nỗ lực chứng minh mình đã tốt hơn xưa sẽ càng khiến cho các đương sự xuống sức nhanh hơn. Khi họ sử dụng cạn gói tính dụng nghĩa tình, gia đình, con cái… cuộc tái hôn sẽ lại sụp đổ.

Ve voi nguoi cu - Gian nan ru lai cau ho
Ảnh minh họa

Kỳ thực, “người ta khổ vì yêu không phải cách”. Khi xác định quan hệ yêu đương, quyết định bước vào cuộc hôn nhân, rất nhiều đôi đã đặt mục tiêu sai. Nhiều cô gái chọn chồng ổn định tài chính, tính toán cửa nhà của chàng, sự chiều chuộng chàng dành cho mình… (cũng không hẳn là sai, vì ai cũng có quyền lựa chọn). Các chàng trai cũng mong có những tháng ngày ổn định, có người nấu cơm, chăm sóc cửa nhà, để mình toàn tâm “lo việc lớn”…

Ta đòi hỏi, chờ đợi và toan tính quá nhiều mà quên mất mục tiêu sống vui. Ta tròng lên nhau những chiếc áo trách nhiệm - thứ mà người kia cũng muốn chụp lên ta thay vì tư duy đúng rằng yêu là cho đi. Nếu ta không có trách nhiệm phải yêu lại bất kỳ người nào yêu ta trong những năm tháng thanh xuân thì cớ chi ta lại buộc người phối ngẫu phải cho ta những thứ ta muốn mà không phải là tặng người những thứ ta có, vì mong người hạnh phúc.

Đừng chờ đợi, sẽ không thất vọng. Hãy kết hôn và tái hôn bằng mong muốn khâu vá đời nhau, để giúp người ấy tốt hơn, để yêu thương và chăm sóc; ta sẽ không đau đớn khi đời không được như mơ. Nếu chẳng may mọi nỗ lực của ta không giúp người có cuộc sống tốt hơn, hãy cứ buông tay nhau nhẹ nhàng, bình thản. Cuộc trở lại sẽ không cần quá nhiều cố gắng nếu ta hướng các yêu cầu vào mình và mục tiêu sống nhẹ nhàng, vui vẻ. Quan trọng là đừng oán nhau. Nhạc sĩ Vũ Thành An chẳng đã nói rồi sao - “Có nghìn lần tha thứ vẫn chưa là ái từ” và “Hãy cảm tạ biết ơn có được đời đá vàng”.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI