Về với mẹ, có nắm tay mẹ?

13/01/2022 - 15:20

PNO - Tôi phải tập nắm tay của mẹ nhiều hơn để mỗi khoảnh khắc trôi qua đều trở nên ý nghĩa.

Khi còn bé, chúng ta dễ thể hiện những tình cảm dành cho mẹ qua những lời nói yêu thương, chiếc ôm thật chặt sung sướng khi được vùi vào lòng mẹ... Nhưng khi lớn lên, chúng ta thường có cảm giác ngại và khó thể hiện tình cảm.

Trong một tiết tôi dạy về đời sống tình cảm cho sinh viên, có người chia sẻ: “Thầy ơi, em tự thấy mình là người khô khan và không biết cách bày tỏ tình cảm ngay với chính cha mẹ mình”. Bầu không khí lớp học khi ấy diễn ra khá sôi nổi. Khá nhiều bạn đồng cảnh với sinh viên nọ và đều không biết lý giải vì sao.

Trên quan điểm cá nhân, tôi phân tích: Thật ra, tâm lý của con người mang tính chủ thể nên không phải ai trong chúng ta cũng giỏi bộc bạch hay biết cách thể hiện tình cảm. Nhưng chắc chắn trong tâm thức của mỗi người con, hình ảnh cha mẹ luôn chiếm một vị trí quan trọng. Trong quá trình các em dậy thì, chuyển tiếp thành người lớn đã có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan chi phối khiến chúng ta không được thường xuyên thực hành yêu thương… Nên cảm giác khó bày tỏ sự yêu thương với đấng sinh thành không phải là bất thường. 

 

Sau đó, tôi hỏi cả lớp: “Bao lâu rồi bạn chưa nắm bàn tay mẹ?”. Lúc này, không gian lớp học online lắng xuống. Phải chăng giữa cuộc sống vội vã với nhiều mối bận tâm từ học hành, công việc, các mối quan hệ xã hội khiến chúng ta quên cái nắm tay?

Tôi kể: “Trong một lần về quê, cầm tay mẹ để gửi ít tiền phụ gia đình, tôi chợt thấy đôi tay của mẹ đã chai sần. Trong tôi dâng lên niềm thương xót. Biến cố ập đến, tôi phải nằm liệt trên giường bệnh. Ba năm ròng rã, mẹ luôn nắm lấy tay tôi và bảo “Con cố gắng lên, mẹ luôn bên cạnh con”. Những lần nắm tay của mẹ như tiếp thêm sức mạnh để tôi chiến thắng bệnh tật và có được ngày hôm nay. 

Ngay khi thấy dòng trạng thái của người bạn đăng trên Facebook kèm bức ảnh nắm tay mẹ, tôi đã đọc cho mẹ nghe: “Mẹ ơi, cho con nắm bàn tay. Bàn tay mẹ ẵm con ngày xa xưa”. Mẹ đưa bàn tay cho tôi nắm trong niềm hạnh phúc xen lẫn sự xúc động. Không dễ để con trai trưởng thành bày tỏ tình cảm của mình dành cho mẹ. Nhưng tôi tin mọi thứ xuất phát từ sự chân thành sẽ chạm được trái tim nơi người đón nhận. Dù cho những sự bày tỏ của chúng ta có phần vụng về hay lúng túng, nhưng đó là những cảm xúc thật nhất và sẽ mang lại niềm hạnh phúc rất lớn đối với mẹ của mình.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Ngoài 30 tuổi, tôi đang tập nói những lời yêu thương với cha mẹ, chia sẻ nhiều hơn trước kia. Và giờ tôi cũng phải tập nắm tay của mẹ nhiều hơn để mỗi khoảnh khắc trôi qua đều trở nên ý nghĩa. Hạnh phúc đôi khi chỉ là được nhìn ngắm mẹ cha mỗi ngày và nắm tay nhau khi còn có thể… 

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI