Về với mẹ

01/08/2021 - 06:00

PNO - Trốn dịch, tôi được về sống chậm lại trong không gian này, được bên mẹ để biết trân trọng những điều tưởng chừng nhỏ bé...

Tôi bắt đầu sụt sịt rồi nóng ran người khi những giọt mưa đầu mùa buông. Mẹ tôi hoảng hốt, vì ba mẹ con tôi vừa vượt đường xa từ TPHCM về.

Nỗi lo của người già hoàn toàn có lý. Dịch giã có chừa ai đâu, COVID-19 vẫn đang hoành hành. Tôi trấn an mẹ rằng ba mẹ con tôi đã xét nghiệm âm tính lại giữ gìn hết sức kĩ càng. Từ khi về nhà mẹ, tôi và hai đứa nhỏ còn chưa hề ra khỏi cổng.

Mẹ nói: “Mẹ lo cho sức khoẻ tụi bây thôi, chứ mẹ già rồi…”. Tôi cười: “Chắc con cảm cúm đó. Trời hình như đã chuyển sang mùa mưa đó mẹ”. Mẹ nhìn ra ngoài trời trầm ngâm: "Dịch giã sao lòng người thấy buồn quá".

Chiều, mẹ ôm về cả mớ lá, nói sẽ làm một nồi lá xông cho con gái, lòng tôi chùng xuống, ấm áp và cảm động. Lâu lắm rồi tôi đâu có được ai chăm sóc kĩ càng vậy. Chồng bận công việc đi miết, tôi lo công chuyện, lo hai đứa nhỏ nên có mệt có ốm cũng tự vội vã mua thuốc mà uống. Mệt đến mấy cơm nước cũng chu đáo cho chồng con cuối ngày.

Ảnh minh hoạ
Chỉ có nồi lá xông của vườn mẹ mà buổi tối đó tôi đã nhẹ cả người... (Ảnh minh hoạ)

Tôi nhìn rổ lá của mẹ. Một ít lá tía tô, một ít hương nhu, lá bưởi. Thêm vài củ sả, ít bồ kết, quả chanh… Mẹ cười: “Mẹ ra vườn một lát là đủ hết, không như phố tụi bây chỉ được cái đông người mà gì cũng thiếu”. Mẹ hì hụi nhóm bếp. Cái bếp củi cũ kĩ từ lâu lắm mẹ không cho dẹp, nó cùng tôi lớn lên, nuôi dưỡng bao ân tình.

Chút than hồng mẹ dùng cây cời ra, nướng quả bồ kết thơm lừng. Củ sả mẹ đập kĩ, cho vào nồi. Mùi thơm của lá, mùi của tinh dầu chanh ấm áp cùng tình mẹ… bắt đầu toả ra theo làn hơi nóng. Tôi ngồi nhìn và hít hà mà khoé mắt thấy cay cay.

Chỉ có nồi lá xông của vườn mẹ mà buổi tối đó tôi đã nhẹ cả người. Thêm tô cháo hành, tía tô nóng của mẹ, mồ hôi tôi vã ra như tắm. Tôi hồi người lại rất nhanh như chưa hề có cơn sụt sịt trước đó. Mẹ con, bà cháu quây quần vui như tết với những câu chuyện bất tận.

Sáng hôm sau tôi bị đánh thức bởi tiếng chổi xuèn xuẹt trên nền đất. Tôi mở mắt, trời đã sáng rõ. Tự nhiên thanh âm quen thuộc đánh thức kí ức xa xăm trong tôi. Có lẽ nào… là ngoại?

Suốt những tháng năm tuổi thơ, tôi nghe đến thuộc làu tiếng chổi ngoại quét mỗi sáng. Nhà tôi hồi đó nhiều cây, sáng nào ngoại cũng quét. Tiếng chổi nghe riết thậm chí còn khó chịu. Nhưng đến khi ngoại ốm, tiếng quét lá mỗi sáng thưa thớt rồi dừng hẳn. Tôi mới hiểu ra không có tiếng chổi mỗi sáng của ngoại, cuộc sống của tôi trở nên buồn tẻ, xa vắng biết nhường nào.

Sáng nay chính âm thanh của tiếng chổi đã đánh thức nỗi niềm ấy trong tôi. Từ lắng nghe, thổn thức đến tò mò, tôi nhổm người nhìn ra ngoài khung cửa. Là mẹ, mẹ chứ không phải ngoại. Nhưng vẫn thân quen dáng hình ấy, sự cần mẫn ấy, và tình yêu thương con cháu thì y hệt.

Ngoại không còn nữa, nhưng mẹ thay ngoại những công việc bình dị, lặng lẽ chăm sóc nơi chốn đi về cho các con. Vẫn đôi mắt đau đáu hướng ra đường nhưng dịp cuối tuần mong ngóng con cháu trở về sum họp. Mẹ và ngoại, tình yêu có khác gì nhau đâu.

Tôi bước ra sân, tiếng chim líu ríu trong vòm lá xanh, tiếng chổi của mẹ vòng sang trước hiên nhà. Không gian này sao mà dễ chịu, bình yên đến thế. Không gian này nó khác cái vắng lặng ở phố, vắng lặng mà nhiều khi tiếng còi xe cứu thương hụ đến gai người.

Dịch bệnh khiến chúng ta trở nên nhỏ bé, mong manh và cuộc sống của chúng ta bất an. Nhưng nhờ dịch bệnh, tôi mới được về sống chậm lại trong không gian này, được bên mẹ để biết trân trọng những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa...

Đinh Hương
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI