Về với em đi anh…

18/04/2016 - 16:00

PNO - Đời em đã một lần bị sóng gió dập vùi, nếu cơn cuồng phong này cuốn anh đi mất, làm sao em còn hy vọng để sống tiếp?

Đã tới giờ cơm trưa, những bệnh nhân cùng phòng đều có người thân chăm chút, trong khi em chỉ có một mình, nhưng em không tủi thân, chỉ lo không biết đã xảy ra chuyện gì với anh. Ba năm sau ngày cưới, vợ chồng mình đã tích góp được ít tiền chuẩn bị cho ngôi nhà tương lai. Giờ lại chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Mấy hôm nay em động thai, phải nằm viện. May mà con không sao.

Rồi anh cũng xuất hiện. Em ngạc nhiên khi thấy anh đi tay không, vẻ mặt rất khác lạ, bơ phờ và thất thần. Em chưa kịp hỏi, anh đã chìa ra một mảnh giấy, gằn giọng: “Sao lại giấu anh? Sao lường gạt anh?”. Anh vứt mảnh giấy lên giường, đi như chạy ra khỏi phòng.

Em run rẩy nhặt lên, hóa ra đó là một tấm ảnh. Trong ảnh, em đang mặc áo cô dâu đứng cạnh chú rể tuổi đã trung niên. Tay em run bắn, người như có luồng điện chạy qua, tê dại. Trong cơn choáng váng, em nghe như có tiếng la: “Cô ấy xỉu rồi, gọi bác sĩ đi”. Tỉnh lại, em nhìn quanh tìm anh nhưng không thấy. Nỗi tủi buồn nghẹn lên. Đúng lúc đó, con chòi đạp trong bụng em, như muốn nhắc em nhớ, mình còn có con bên cạnh, không được gục ngã…

Ve voi em di anh…
Ảnh minh họa: Internet

Cuộc đời đầy cay đắng của mình, em từng kể anh nghe, nhưng những góc khuất chông gai, em chưa lần nào nhắc đến. Má mất sớm, em có mẹ kế và ba đứa em khác mẹ. Mẹ kế chưa từng la mắng em nhưng cái cách ngọt ngào ve vuốt của bà khiến em rất sợ. Ba em thì kiệm lời, có chuyện không vừa ý là… đánh. Bữa cơm không có cá, ba hất cả mâm cơm, rượt đánh cả bốn má con. Lúa bị chuột cắn, ba nhấn đầu em xuống mương nước, vác đất chọi má…

Ước mơ của em ngày đó rất đơn giản, là đủ gạo ăn hàng ngày, là mỗi lần giăng lưới đều có cá để ba không nổi giận, để mặt má không lạnh như băng… Cuộc sống ngày càng chật vật, em xin ba lên Sài Gòn làm công nhân. Ba dặn: “Lên đó lo mần ăn, ham chơi là tao đập chết”. Tiền lương mỗi tháng, em chỉ giữ đủ tiền trọ và tiền ăn, còn bao nhiêu gửi về nhà. Má thường than túng thiếu nên em phải tăng ca liên miên. Em không sợ ba “đập chết”, chỉ sợ ba từ bỏ em.

Một bữa má lên thăm, nói mùa màng thất bát nên ba mắc nợ rất nhiều. Giờ đang có người mai mối gả em cho một đám nhà giàu. Em lơ ngơ nghe theo lời má sắp đặt. Má dắt em đến một khách sạn, ở đó đang có nhiều cô gái trạc tuổi em. Lúc này em mới biết má muốn gả em cho người Đài Loan. Em khóc ngất, hoang mang tột độ. Má an ủi: “Lấy chồng Việt nghèo lắm. Lấy chồng Đài được ra nước ngoài, lại giàu có, còn giúp được ba con. Ráng chút đi con”.

Trước giờ em chưa từng cãi má. Lần này, dù rất sợ, em cũng nhắm mắt vâng theo. Người đàn ông cưới em tuổi gần 50, miệng nhai trầu đỏ chót. Lúc làm lễ cưới, nước mắt em rơi như mưa. Em để mặc người ta dìu đi chào hỏi, chụp ảnh. Má dỗ dành: “Sắp giàu rồi, khóc chi con”.

Năm ngày sống cùng người đàn ông đó là năm ngày em như rơi vào địa ngục. Đau đớn. Ê chề. Nhục nhã. Rồi người đàn ông đó về nước, hẹn một tháng sau sẽ sang rước em. Má đưa em về quê làm giấy tờ. Lúc ở bến xe, lợi dụng đông người, em bỏ trốn. Ba má cho người tìm em khắp nơi. Suốt hai năm, em chạy trốn từ An Giang, qua Cần Thơ, rồi lên Bình Dương, Sài Gòn. Những ngày tháng ấy, em như con thú bị dồn đuổi, hoảng loạn và sợ hãi.

Sau đó, em tìm được việc làm và học thêm lớp kế toán. Khi gặp anh là lúc cơn ác mộng của em vừa lắng xuống. Em đã thôi không còn tự trách mình là đứa con bất hiếu. Em hiểu mình không phải là vật hy sinh. Ngàn lần em muốn thú thật với anh em từng kết hôn, em không còn trong trắng; nhưng em sợ mất anh, sợ hạnh phúc tuột khỏi tầm tay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI