Về với cội mai già

23/01/2025 - 18:00

PNO - Tôi cứ đi giữa những cung đường ký ức, giữa hiện tại và hoài niệm. Với tôi, không khí trước tết bao giờ cũng vui. Tôi thích những ngày này hơn cả tết.

Những ngày Chạp, nhìn đâu cũng thấy mai trút lá trơ cành
Những ngày Chạp, nhìn đâu cũng thấy mai trút lá trơ cành

Tháng Chạp. Hừng đông. Sương chờn vờn. Ban mai chưa đủ sức pha loãng màn đêm, hương đêm còn vương trên cành lá. Tôi đi giữa Chạp, không hẳn nhờ đèn xe dẫn đường, mà theo quán tính của nhịp đi về nhà.

Bà Bảy đã quen với lịch khám bệnh định kỳ. Bà không còn "bướng" nữa. Tôi vẫn nhớ lần bà gọi tôi về để thông báo: "Chân mẹ đau nhức, mắt mẹ mờ, thỉnh thoảng cảm thấy cơ thể rã rời. Bệnh tiểu đường đã bắt đầu biến chứng".

Giai đoạn đầu chuyển tuyến cho bà, tôi và cả nhà căng như dây đàn. Kiểm tra đến đâu, phát hiện vấn đề đến đó. Đỉnh điểm là bác sĩ đề nghị chích insulin can thiệp. Giờ thì bà Bảy ổn hơn, và tất nhiên bà "ngoan", nghe lời con gái và tin tưởng bác sĩ. Thậm chí mỗi lần muốn gì, tôi phải nhờ bác sĩ nói giùm.

Trời sáng dần. Cây cối ven đường hiện ra. Những ngày Chạp này, nhìn đâu cũng thấy mai trút lá trơ cành. Nụ nhú lên, tuy chưa hiện ra cái sắc xanh non nhưng có gì đó tươi mới lắm. Nó khiến người ta chờ đợi. Tiết trời năm nay lạnh, chắc mai sẽ chậm bung hoa. Con người chúng ta luôn muốn mai nở theo ý mình cho đẹp mùa xuân, cho đúng thời điểm. Rồi người thích dáng thế nào thì cứ can thiệp cắt tỉa tạo tác. Mai chiều lòng người, thành ra muôn ngàn dáng xuân, duy chỉ có cái màu vàng rực rỡ là không bao giờ đổi dời, cái màu vàng khiến lòng người chẳng thể buông lơi cuộc đời mình, cái màu khiến người ta đi về phía có ánh sáng.

Tôi cứ đi giữa những cung đường ký ức, giữa hiện tại và hoài niệm. Với tôi, không khí trước tết bao giờ cũng vui. Tôi thích những ngày này hơn cả. Hành trình chạm tay vào năm mới mang lại hạnh phúc.

Bà Bảy phải làm khá nhiều xét nghiệm lần tái khám này. Mãi đến khi bác sĩ mỉm cười bảo ổn thì lòng tôi mới tràn ngập hương xuân. Bác sĩ dặn bà Bảy giữ ấm vì khớp đang bị thoái hóa, tết không ăn nhiều đồ ngọt và các món lên men chua. Bà Bảy dạ gọn hơ. Tôi thì biết bà dạ cho bác sĩ vui. Chứ bà là đầu bếp. Năm nào cũng làm mấy món truyền thống. Tất nhiên bà luôn thấy ngon miệng với nó.

Trước nhà tôi có mấy gốc mai. Đợt xáng cạp đổ đất làm đê bao, mai chết. Ông Bảy trồng lại từ mấy cây con nhỏ xíu. Nhà ngó mặt ra sông, kiểu của những ngôi nhà xưa hướng về phía nhộn nhịp. Sông từng là đường lưu thông chính ở xứ này. Và ông bà Bảy cũng có trên 20 năm làm cái nghề đưa đò dọc trên sông.

Tôi muốn cắt vài nhành mai đem về phố. Ông Bảy xua tay, không cho tôi đụng vào mấy cây trước sân nhà: "Tao dưỡng lắm mới được vậy. Gốc còn nhỏ. Để cho nó lớn. Tao cũng không nỡ uốn cong, bẻ cành. Cứ để mai lớn lên tự nhiên. Cây cũng như người. Đẹp nhất là khi được sống thuận tự nhiên".

Ông ra sau vườn - chỗ phần mộ của gia đình. Tết đến, ông dành thời gian chăm sóc các mộ phần. Có một cội mai già ở đấy. Gốc to. Dáng điệu phong trần, rắn rỏi. Cái màu xám đậm rám sần biểu lộ khí chất của một "lão mai" dặn dày sương gió, đã chạm vào không biết bao mùa xuân, đã âm thầm nở hoa phía góc vườn. Chắc cũng âm thầm nói thứ ngôn ngữ nào đó với những người nằm sâu dưới lòng đất.

Cội mai già đã âm thầm nở nơi góc vườn
Cội mai già đã âm thầm nở nơi góc vườn

Ông Bảy cắt mấy cành mai có dáng đẹp, đưa tay vỗ vào thân mai, bảo cây mai có tuổi, dễ bị sâu đục. "Có khi cây chết. Tao với mẹ mầy cũng già rồi, cứng cỏi cỡ nào cũng sẽ có lúc gãy" - ông nói bâng quơ.

Tôi hiểu lời ông như hiểu tương lai của mình. Xuân muôn đời vẫn vậy. Vẫn là biểu tượng của sự khởi đầu. Vẫn đua nở trăm hoa. Vẫn nhà nhà nô nức. Càng có tuổi, tôi càng hiểu xuân già, hiểu những âm thầm lùi lại của những mùa xuân chín. Vì sao như thế? Vì hiện tại là kết quả của phép toán cộng những mùa trôi. Quá khứ là tất cả những gì trở về với đất tạo ra trầm tích nuôi dưỡng những mầm xanh cho đời.

Huỳnh Nhị

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI