Nhóm bạn trẻ gồm: Phùng Nguyên Quang, Huỳnh Kim Liên và Nguyễn Nhựt (Trưởng nhóm) là 3 trong số hơn 100 thành viên làm nên triển lãm Vẽ về Hát Bội vừa khai mạc tối qua, 1/2 tại The Garden Mall, quận 5, TP.HCM.
Những người thực hiện - họ rất trẻ, thế hệ 8x chỉ 2 người, còn lại lực lượng chính đến từ thế hệ 9x.
|
Bức vẽ về An Tư công chúa trong vở An Tư công chúa, do Nguyễn Nhựt thực hiện
|
Có nhiều câu chuyện về Vẽ về Hát Bội đã được báo chí, truyền thông “nhá hàng” trong vòng 3 tháng trở lại đây từ khi dự án lên ý tưởng. Trong nhiều thông tin đó, việc giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống theo cách của những người trẻ truyền được cảm hứng mạnh đến với công chúng.
|
Hồ Nguyệt Cô hoá cáo của Phạm Quang Phúc
|
Và, dự án “thuận buồm xuôi gió” khi nhận được những cánh tay tự nguyện tham dự từ các bạn trẻ, những cái gật đầu từ nhà tài trợ, sự ủng hộ tuyệt đối từ người trong nghề: NSND Đinh Bằng Phi, NSƯT Hữu Danh… Đó là một tín hiệu đáng mừng, theo đúng chia sẻ của trưởng nhóm: “Khi thực hiện dự án này, dường như cả Việt Nam đang dang rộng vòng tay đón chúng tôi. Tôi liên hệ với người này để mua một số vật liệu cần thiết cho Vẽ về Hát Bội thì nghe qua dự án, họ tự nguyện nói sẽ tài trợ. Và cứ thế, mọi cánh cửa đều rộng mở để chúng tôi có được buổi triển lãm này”.
|
Trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo được diễn trực tiếp tại triển lãm. Những nghệ sĩ biểu diễn giao lưu với khán giả.
|
Clip giới thiệu về dự án Vẽ về Hát Bội do chính nhóm thực hiện:
Nhưng có một điều khiến những người đến xem trăn trở, không phải từ câu nói gây cảm hứng cho dự án thành hình: “Loại hình nghệ thuật này sớm muộn gì rồi cũng sẽ chết” từ NSND Đinh Bằng Phi, mà lời khẳng định từ Kim Liên- một trong những người lên ý tưởng thực hiện Vẽ về Hát Bội: “Nếu nghệ thuật hát Bội biến mất vào thế hệ của tụi em thì chính tụi em phải là người chịu trách nhiệm cho sự biến mất đó!”. Khán giả, hầu hết là những người trẻ vỗ tay reo hò trước câu nói này.
|
Tác phẩm Tằm nhả tơ do Khoa Lê thực hiện
|
Trong chuỗi 10 ngày từ 1/2 - 10/2 diễn ra triển lãm, tất cả trong số những người trẻ làm nên Vẽ về Hát Bội đều có những công việc riêng phải làm. Nguyễn Nhật đang là hoạ sĩ làm công ăn lương tại một công ty, Nguyên Quang và Kim Liên cũng phải đi làm mỗi ngày. Những thành viên còn lại cũng đều vừa học vừa làm thêm.
“Để hoàn thành dự án, về phần tôi, tôi ngủ ít đi một chút, làm nhiều hơn một chút. Các thành viên còn lại cũng ráng thức đêm để vẽ hoặc hoàn thành phần việc của mình. Hôm dựng được gần như hầu hết các khu vực cũng khuya nhưng cả nhóm chưa ai ăn gì trong ngày hôm đó vì ngoài dự án, ai cũng có nhiều việc”, Nguyễn Nhựt chia sẻ.
|
Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên |
Clip chia sẻ của một số thành viên tham gia dự án Vẽ về hát Bội:
Khi đặt ra câu hỏi, liệu sau “phát súng” đầu tiên đã nổ, Vẽ về Hát Bội có kế hoạch để duy trì dự án? Những nụ cười hiền không giấu được vẻ bối rối: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì trang fanpage Vẽ về Hát Bội để lan toả thông tin. Ngoài ra, Vẽ về Hát Bội sẽ tổ chức những buổi workshop liên quan đến hát Bội để bạn trẻ tiệm cận với loại hình nghệ thuật này và nhiều hoạt động khác sẽ diễn ra sau đó. Tạm thời như thế thôi ạ”. Dường như, các bạn trẻ cũng đã nghĩ đến những kế hoạch để duy trì đường dài cho dự án phi lợi nhuận Vẽ về Hát Bội nhưng đường đi nước bước như thế nào, họ vẫn còn phải mò mẫm.
|
Góc trưng bày về trang phục và đồ dùng trang điểm của nghệ sĩ hát Bội
|
Người trẻ, họ dư sức sáng tạo và sức trẻ để hiện thực hoá tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật dân tộc - hát Bội trở thành những hoạt động cụ thể, thu hút khán giả. Đặc biệt là khán giả trẻ. Nhưng làm thế nào để sức sáng tạo ấy được duy trì và lan toả để đi một con đường dài hòng mong giữ được hai chữ "hát Bội" trong lòng công chúng trẻ, đó mới là vấn đề.
|
Nguyễn Nhựt, sinh năm 1986, trưởng nhóm dự án dành thời gian trò chuyện với hầu hết người xem
|
“Tôi cảm động trước những tình cảm của các em dành cho hát Bội. Nhờ các em mà người Việt Nam khắp trong và ngoài nước biết đến sự tồn tại của loại hình hát Bội tại Sài Gòn. Việc làm của các em mang một ý nghĩa nhân văn và có giá trị hết sức to lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ nghệ thuật hát Bội. Hát Bội đang cần những hoạt động trưng bày như thế này để tồn tại và hy vọng sẽ tồn tại mãi mãi”, NSƯT Hữu Danh chia sẻ.
Nhưng ông cũng nói thêm, việc khiến ông bất ngờ nhất là triển lãm về hát Bội được thực hiện từ những người mà đáng lẽ phải thích nhạc Hàn, xem phim Mỹ, còn việc nhận về mình trách nhiệm đối với hát Bội đó là một câu chuyện khác nữa từ các nhà quản lý văn hoá, thời cuộc dẫn đến thị hiếu thay đổi, nghệ sĩ hát Bội mất lửa nghề...
|
Không gian trưng bày áo dài của NTK Sỹ Hoàng lấy ý tưởng từ mặt nạ tuồng để thiết kế
|
|
Tranh thảm mặt nạ tuồng của ntk Sỹ Hoàng
|
“Tôi trân quý tình yêu dành cho nghệ thuật của các em. Tôi chỉ muốn khẳng định, bất cứ loại hình nghệ thuật nào nếu ngày hôm nay không gìn giữ, chắc chắn tương lai sẽ mai một. Các em mang đến sức sống mới cho nghệ thuật hát Bội, góp một bàn tay để giữ gìn cùng chúng tôi nhưng để nhận trách nhiệm thì quá nặng. Tôi vẫn hay trả lời với báo chí, phải cần 3 phía từ UBND thành phố, Sở Văn hoá và Hội Sân khấu để chung tay giữ gìn được nghệ thuật hát Bội”, NSƯT Hữu Danh khẳng định.
|
Nhiều bạn trẻ tham dự triển lãm
|
Ý thức được việc giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc là điều đáng mừng đầu tiên của thế hệ trẻ. Từ ý thức dẫn đến tình yêu hay sự say mê với hát Bội nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung là một câu chuyện đáng để suy ngẫm. Tuy nhiên, sẽ rất khó để chỉ một nhóm người duy trì được loại hình văn hoá dân tộc này. Sự nhận trách nhiệm về mình trọng trách to lớn đó là một ý thức đáng quý, nhưng rõ ràng rằng đây là một vấn đề không nhỏ và cần sự chung lòng của rất nhiều cá thể nữa.
Minh Tú
Ảnh: Thuỵ Khuê