Về U Minh xem "gác kèo ăn ong"

14/05/2016 - 08:09

PNO - Nhắn ai đi về

Vùng đất phương Nam

Trời xanh mây trắng, soi dòng

Cửu Long Giang

Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn

dừa xanh…

Lời hát mượt mà, thướt tha đượm chút u buồn khiến lòng nôn nao, thôi thúc bước chân chúng tôi tìm về với miền đất còn in dấu chân người xưa đi mở cõi, về với những cánh rừng tràm xanh ngát huyền bí U Minh giữa những ngày người miệt rừng đang vào vụ ăn ong, tháng Tư và tháng Năm hàng năm. Đất phương Nam chỉ hai mùa mưa nắng.

Mùa nắng kéo dài từ tháng 12 đến hết tháng Năm, nắng gió chang chang, như thiêu như đốt. Vậy mà người dân U Minh lại mong đợi, bởi đây chính là mùa ong cho mật nhiều và ngon nhất trong năm. Mật ong rừng U Minh từ lâu đã nổi tiếng ngon và quý hiếm. Mật màu vàng cam óng ánh, bọt gaz sủi tăm, vị ngọt thanh, ngan ngát hương hoa tràm không lẫn vào đâu được.

Đến U Minh vào đúng mùa ăn ong, chúng tôi được chủ nhà đãi ngay mấy món gỏi ong non, ong non chấm mật ngon không thể tả và được tổ chức ngay cho một chuyến đi gác kèo ăn ong đúng chất đất rừng phương Nam. Ai cũng thấy háo hức vì còn gì vui hơn việc được vào tận kèo ong trong rừng tràm để lấy cho mình những dòng mật ngọt ngào, vàng sóng sánh!

Ve U Minh xem

Không rõ từ lúc nào người dân xứ U Minh biết cách khai thác mật ong rừng và đặt cho nó một cái tên dân dã là “gác kèo ăn ong” nghe thật lạ với hầu hết những khách thị thành. Chỉ biết, cứ đến độ tháng Hai âm lịch, khi bông tràm nở rộ, người dân làm nghề gác kèo ong sẽ vào rừng tranh thủ gác thêm kèo khai thác mật, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia làm nên một nghề truyền thống độc đáo.

Gác kèo là công việc tưởng chừng đơn giản nhưng mỗi nhà lại có bí quyết riêng, cha truyền con nối. Đầu tiên, người gác kèo phải tìm được trảng đất phù hợp, cắm hai cây xuống đất làm trụ rồi gác ngang một cây kèo tràm cách mặt đất chừng 2m, bôi mật ong lên thân kèo để dụ ong về làm tổ. Nếu chọn đúng hướng gió và khu vực có hoa tràm nở nhiều, ong rừng sẽ rủ nhau về làm tổ và chỉ sau hai tháng là đã có những tổ ong khổng lồ, đầy mật.

Chuyến đi của chúng tôi vào đúng mùa khô nên hầu như đến thăm kèo nào cũng thấy có ong làm tổ. Trước khi đi, mỗi người được phát một tấm lưới trùm đầu để ngừa bị ong đốt, ngoài ra chủ nhà mang thêm vài bó đuốc con cúi làm bằng xơ dừa khô bó chặt và một chiếc thùng lớn để đựng tàn ong. Để thăm kèo, mọi người phải chèo thuyền len lách qua nhiều kênh rạch dưới tán tràm mát rượi.

Người dẫn chúng tôi đi chuyến này là Khanh, một chàng trai U Minh trẻ tuổi nhưng có vẻ rất thạo nghề. Sau khi cho thuyền qua rất nhiều kênh, rạch dọc ngang, chúng tôi quyết định dừng lại một trảng bên bìa rừng. Khanh dặn mọi người phải trùm lưới bảo hộ, thuyền máy sẵn sàng, lấy mật xong là phải chạy nhanh về thuyền phòng ngừa ong phản. Đạp trên những đám năn, sậy, đi sâu vào trong rừng tới một kèo ong khổng lồ phủ kín gần như toàn bộ thân kèo và đen đặc những ong. Không ai dám thở mạnh trong lúc Khanh đốt hai bó đuốc, hun về phía tổ ong, đàn ong ngạt khói bay thẳng lên trời, để lộ ra tàn ong lớn trắng ngần.

Ve U Minh xem

Bình thường, Khanh sẽ lẹ làng dùng dao bén cắt hai nhát dọc và ngang để lấy phần tàn ong nhiều mật nhất, chừa một phần trên kèo dưỡng lại cho lứa sau phát triển. Thế nhưng, vì “ưu tiên mấy anh chị nhà báo”, anh nhấc luôn cả kèo ong, vác lên vai như vác một cây cờ trắng, rồi giục mọi người chạy thẳng một mạch về thuyền. Anh bảo mỗi lần lấy mật chỉ được phép làm trong 30 giây, vì khi ong hồi sẽ lao thẳng xuống là hết đường chạy.

Quả thế, thuyền chạy một quãng xa vẫn thấy một vài chú ong đuổi theo làm chúng tôi không khỏi lo lắng. Lấy được mật ong rừng đúng là vừa sung sướng, vừa hồi hộp không kể xiết. Thuyền tấp vào một trảng trống phía trong một bụi tre râm mát, Khanh giải thích: “Ong phải ăn trong rừng mới ngon!”. Anh nhanh nhẹn cắt từng tảng tàn ong tứa đầy mật vàng óng và đưa mời mọi người. Mật mới lấy thơm khó tả, vị ngọt thanh tan trên đầu lưỡi.

Sau chuyến ăn ong, chúng tôi thong thả chèo thuyền dạo trên dòng kênh, cắm câu, đặt lờ. Cá ở đây nhiều vô kể, ngồi trên thuyền có thể thấy cá bơi hàng đàn. Chẳng thế mà chỉ một lúc đã có hàng chục chú cá lóc ham mồi dính câu. Lúc này, mật đã đầy thúng, cá cũng bắt được kha khá, thuyền lại len lỏi qua những bụi năn để qua bên kia gò đất hái đu đủ chín cây về làm món tráng miệng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI