Về Tuyên Quang, lênh đênh sông nước và… tắm suối khoáng

22/05/2023 - 16:05

PNO - Là miền đất có lịch sử hào hùng, cảnh sắc quyến rũ, văn hóa đa bản sắc… Tuyên Quang hứa hẹn mang đến cho khách phương xa những trải nghiệm đáng nhớ.

Những bài học lịch sử sống động

Tuyên Quang vốn là thủ đô kháng chiến với nhiều cụm di tích lịch sử. Hòa bình trở lại, nơi đây vẫn được bảo tồn, gìn giữ… mời gọi lữ khách hành hương về nguồn.

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào

Khu di tích lịch sử quốc gia Tân Trào luôn là tâm điểm của chuyến về nguồn, với 183 cụm di tích, nằm trên địa bàn 12 xã trong An Toàn Khu (ATK) thuộc huyện Sơn Dương và Yên Sơn - nơi ghi dấu mốc son chói lọi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân. Có thể bạn sẽ phải dành khoảng nửa tháng trời để tham quan hết khu di tích Tân Trào, trong đó có một số điểm nổi bật: lán Nà Lừa, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan… 

Sau cuộc hành trình Pác Bó - Cao Bằng, Bác Hồ về Tân Trào, chọn nơi này làm căn cứ địa cách mạng, thủ đô giải phóng. Điều đó trở thành một niềm tự hào của đồng bào xứ Tuyên. 

Lán Nà Lừa là nơi Bác Hồ đã đưa ra những quyết định lớn lao để lèo lái con thuyền kháng chiến. Căn lán nhỏ được dựng từ tre nứa, bao bọc bởi núi rừng xanh thẳm. Lán chỉ có 6 cột gỗ chôn xuống đất, mái lợp lá cọ, dài hơn 4m, rộng gần 2m, được chia làm 2 gian: một gian là nơi Bác nằm nghỉ, một gian vừa là nơi làm việc vừa là nơi tiếp khách của Người. Đến nay, căn lán đơn sơ vẫn nằm đó, ngày ngày đón tiếp nhiều lượt khách tham quan. 

Hồ Nà Nưa bên dưới chân núi Nà Lừa cũng là thắng cảnh tô điểm vẻ nên thơ cho nơi này. Tới đây, bạn hãy ngồi mảng (bè) trôi trên lòng hồ, nghe làn điệu hát Then (đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể).

Theo dòng thời gian, cây đa Tân Trào và mái đình Hồng Thái mãi là 2 di tích lịch sử nhắc nhớ về thời kháng chiến oanh liệt của dân tộc. 

Dưới gốc đa Tân Trào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, làm lễ xuất quân tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội. Đến đây, ta như lạc vào một miền xanh yên ả, tán cây xòe rộng ôm ấp từng bước chân du khách. 

Mái đình Hồng Thái mang tên liệt sĩ Phạm Hồng Thái - người đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945. Đây từng là nơi tổ chức Quốc dân Đại hội và diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt. Sân đình phủ cỏ xanh mướt, rợp bóng cổ thụ. Đình được dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ. Đến đây, bạn đừng quên dâng nén hương thành kính cho Bác cùng những chiến sĩ từng đau đáu vì hòa bình dân tộc. 

Hòa mình giữa giang sơn gấm vóc

Hòa mình giữa chốn giang sơn gấm vóc Na Hang
Hòa mình giữa chốn giang sơn gấm vóc Na Hang

Tuyên Quang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng với tổng diện tích rừng là 424.689,40ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt hơn 65%, đứng thứ ba cả nước. 

Thủy điện Na Hang là điểm đến không nên bỏ qua. Thảnh thơi ngồi trên chiếc thuyền trôi trên lòng hồ thủy điện Na Hang xanh thẳm in bóng mây trời, non cao hùng vĩ, ta như được đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Ngắm hoàng hôn rực rỡ in bóng nước hay bình minh rọi ánh nắng xuống mặt hồ lung linh, huyền ảo cũng là trải nghiệm khó quên.

Na Hang gồm những ngọn núi lớn như Pác Tạ, Cọc Vài, ngầm Núi Đôi, vách đá Nàng Tiên… Nơi đó có dòng thác Khuổi Nhi tuôn trào tung bọt nước trắng xóa, nổi bật trên nền thiên nhiên hùng vĩ.

Một điểm đến hấp dẫn khác là khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Với diện tích khoảng 41.930ha, khu bảo tồn này là nơi trú ngụ của hệ thống động - thực vật đa dạng, phong phú. 

Suối khoáng Mỹ Lâm là điểm du lịch mới được khai thác, chỉ cách trung tâm thành phố 14km. Đây được coi là một trong những nơi có nguồn nước khoáng tốt nhất Đông Nam Á, cung cấp nhiều loại hình nghỉ dưỡng thư giãn cho du khách như tắm lá thuốc dân tộc, tắm khoáng nóng, tắm bồn sục... 

Dọc đường khám phá Tuyên Quang, bạn rất dễ bắt gặp những khoảng xanh để nghỉ chân hay những dòng suối róc rách chảy ngang, những đốm hoa chuối đỏ tươi nở khắp triền núi hay những cánh đồng lúa xanh mướt mắt... 

Không chỉ có giang sơn gấm vóc, Tuyên Quang còn sở hữu nền văn hóa đa bản sắc, là nơi tụ hội 12 dân tộc anh em (Kinh, Mường, Tày, Nùng…). Mỗi dân tộc mang sắc màu riêng tô điểm cho bức tranh văn hóa Tuyên Quang thêm đặc sắc.

Hằng năm, Tuyên Quang thường gây chú ý với lễ hội Trung thu. Các cỗ xe mô phỏng những đèn lồng khổng lồ, thể hiện các nhân vật lịch sử, điển tích dân gian như Đám cưới chuột, Thánh Gióng bay về trời, Hai Bà Trưng cưỡi voi, âm vang Điện Biên, Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu, Âu Cơ và Lạc Long Quân… Các mô hình được làm thủ công tinh tế, trang trí lộng lẫy... Đây là lễ hội “tự phát”, có lẽ xuất phát từ tình yêu thương của các bậc phụ huynh dành cho con trẻ. Những mô hình đèn lồng khổng lồ rực rỡ sắc màu khiến phố núi trở nên sinh động, lấp lánh niềm vui. 

Nếm những thức quà của núi rừng

Rau dớn - đặc sản của rừng
Rau dớn - đặc sản của rừng

Nếu có thể, bạn đừng bỏ qua trải nghiệm ngủ qua đêm ở nhà sàn có tuổi đời ngót ngét trăm năm. Buổi tối, quây quần bên bếp lửa hồng, chúng tôi nhâm nhi chén rượu thơm nồng và rù rì trò chuyện. Sau giấc ngủ nhẹ nhõm, tôi được đánh thức bởi những âm thanh quen thuộc nơi xóm núi với tiếng gà gáy, chim hót...

Ẩm thực xứ Tuyên quen mà lạ. Đó là món cơm lam của dân tộc Tày chứa đựng giá trị văn hóa tín ngưỡng của đồng bào địa phương, được chế biến công phu, thuận theo nguyên lý âm dương - ngũ hành. Gạo nếp được nấu trong ống tre bánh tẻ là mộc, nước suối nấu là thủy, lửa rơm là hỏa, mặt đất là thổ và thanh sắt dùng gác ống tre là kim. Để nấu được thanh cơm lam, cần canh lửa, nước hài hòa. Không phải mùa nào nấu cũng ngon mà thời gian thích hợp nhất để cơm lam ngon là từ tháng Chín đến tháng Năm. Cơm dẻo thơm chấm với muối mè hay ăn kèm gà luộc xé là món ăn giản dị mà khó quên. 

Xứ Tuyên còn được thiên nhiên ưu ái ban cho những thức quà ngon của rừng như măng tre/trúc/nứa. Với măng, sau khi hái lượm về, bà con thái mỏng đem xào, làm măng nhồi thịt hay phơi sấy khô... Ngoài ra, còn có rau dớn non xanh, giòn giòn để làm nộm hay ăn kèm mì gói.

Đặc biệt, vùng núi rừng Tây Bắc này còn có nhộng ong, bánh trứng kiến, cua đá… chỉ xuất hiện khi có mưa rừng… Đó vốn là đặc sản từ núi rừng, người xứ Tuyên phải kỳ công mới kiếm được. Tất cả đều chỉ có theo mùa. Thế nên, người dân ý thức rằng họ không được phép khai thác đến cùng kiệt chỉ vì cái lợi trước mắt, mà những miếng ngon của núi rừng cần được nuôi dưỡng và bảo tồn theo cách thuận tự nhiên nhất. 

- Đi xe máy/ô tô riêng cần lưu ý vì đường rừng núi có nhiều khúc cua quanh co, hiểm trở. Kiểm tra độ an toàn của xe trước khi khởi hành. 

- Các điểm tham quan di tích lịch sử đều miễn phí. 

- Thời tiết thích hợp: mùa hè từ tháng Tư - Chín (nhiều mưa, thời tiết mát mẻ), mùa đông từ tháng Mười - Ba năm sau (ít mưa, khô hanh, có sương muối).

- Mang theo kem chống nắng, kem chống muỗi, quần áo thích hợp theo mùa. 

- Không xả rác, có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.  

- Một số đặc sản có thể mua làm quà: chè (trà) Tuyên Quang, rượu ngô, bánh gai Chiêm Hóa, cam sành Hàm Yên, rau dớn, măng rừng, thịt trâu gác bếp, hồng không hạt Xuân Vân... 

Bài và ảnhDuy Thành - Thanh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI