Về từ phong ba

06/06/2014 - 15:12

PNO - PNO - Trở về từ vùng biển Hoàng Sa trên con tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm, anh Ri tếu táo: “Tui đi biển gặp Trung Quốc miết, chỉ có chuyến ni bị đâm, nhưng không sao, phải giáp mặt cho nó biết mình không sợ nó”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ve tu phong ba

Vợ chồng chị Võ Thị Nghĩa, anh Huỳnh Văn Tạo trò chuyện với phóng viên khi 2 con đang lênh đênh trên biển.

Sáng 5/6, người dân đổ về chật kín cảng Kỳ Hà dưới cái nắng miền Trung đổ lửa. 8 giờ, đoàn tàu 15 chiếc lừng lững xuất hiện, từ từ cập bến. Cả khu cảng ồn ào im bặt, mọi ánh mắt đổ dồn về hướng ấy. Trên bờ, những người phụ nữ vội vã bước xuống nước, leo lên những chiếc thuyền mủng, vội vã chèo ra phía tàu.

Ngư dân xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam đã chờ giây phút này cả tháng ròng - giây phút được đón người thân bình an trở về sau bao ngày đêm vươn khơi, bám biển.

Không thể mất biển

Ngư dân từ dưới tàu bước lên, người nhà trên bờ bước xuống, chạy ùa về phía nhau, tay bắt mặt mừng. Vài người đến bên các ngư dân, vỗ vai, thở phào một cái giữa bao tiếng í ới chúc mừng, thăm hỏi. Trong tay chồng, những người phụ nữ cúi đầu rưng rưng. Đã bao bận đưa nhau ra khơi, nhưng với các chị, chưa chuyến đi biển nào “dài” đến thế. Vội vã trả lời tôi, một chị bỏ ngỏ: “Có ra khơi mới biết hết rủi ro của nghề, nhưng từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trên biển mình, mỗi chuyến đi biển lại bội phần rủi ro”.

Tôi nhớ, cách đây khoảng hai tuần, khi tôi thắc mắc vì sao một người mẹ lại để cả hai đứa con trai chưa tới ba mươi tuổi ra nơi sóng gió, chị Võ Thị Nghĩa (thôn Sâm Linh Đông) rành rọt: “Phải đi chứ em, mất biển là mất hết, nguy hiểm bao nhiêu, ngày về tổn thất bao nhiêu cũng kệ, chừ phải đi đã!”. Giờ, giữa cuộc hội ngộ đầy mừng tủi của dân chài xứ này, tôi lại thấy chị sấp ngửa bước lên tàu, run run nắm lấy bàn tay của từng đứa con trai.

Ve tu phong ba

Anh Tạo vui mừng ra cảng đón các con trở về.

Chị kể, những ngày qua, ngư dân trong xã đồng loạt hướng ra vùng biển Hoàng Sa, lòng chị như lửa đốt vì mấy chiếc tàu nhà vừa trở về sau một chuyến đánh bắt dài ngày, lẽ ra, ngư dân cần nghỉ ngơi, ngư cụ cần tu sửa, nhưng lại khẩn trương thu xếp để tiếp tục theo đoàn bám biển. Lúc các con đang chần chừ, anh Huỳnh Văn Tạo, chồng chị, quyết: “Phải đi, mà phải đi ngay bây chừ, không chần chừ chi hết!”. Rắn rỏi thế, nhưng mỗi lần nghe ti vi đưa tin các tàu cá bị tấn công, đâm chìm, chị lại thấy anh lẳng lặng bật chiếc máy Icom, cố dò sóng để nghe ngóng, dù biết không hẹn trước thì khó mà nói chuyện được với các con.

Giờ, đứng giữa cảng cá, bắt tay từng thuyền viên trên hai chiếc tàu QNa 90398 và QNa 90244 mình sở hữu, người đàn ông mấy chục năm dày gió dạn sương không khỏi nghẹn ngào. Anh Tạo kể: “Ở nhà ngày mô tui cũng liên lạc, cũng nghe đầy đủ thông tin của tàu mình ngoài đó, nhưng phải tận mắt thấy tụi nhỏ trở về, trực tiếp nghe diễn tả lại, mới thỏa”.

Vừa nhìn thấy anh Tạo, hai thuyền trưởng Huỳnh Tèo và Huỳnh Văn Trương (đều là em ruột anh Tạo), “méc”: “Trung Quốc vây đuổi, ném đá tơi bời, bóng đèn, máy bơm hư hết”. Anh hào sảng: “Không sao! Bình an rồi, không sao…”. Đi một vòng quan sát 2 chiếc tàu, anh Tạo ước tính thiệt hại khoảng vài triệu đồng, nhưng, “mừng lắm”, anh nói, “cả tháng đương đầu với Trung Quốc mà chỉ thiệt hại bấy nhiâu là may mắn lắm rồi”.

Ve tu phong ba

Hai con trai của anh Huỳnh Văn Tạo.

Biển này là của ta

Là thuyền trưởng của con tàu QNa 91559 bị Trung Quốc đâm, anh Ngô Ri cười hề hà: “Tui đi biển gặp Trung Quốc miết, chỉ có chuyến ni bị đâm, nhưng không sao, phải giáp mặt cho nó biết mình không sợ nó”. Những ngày lênh đênh vừa qua, nhiều phen hú vía vì sự hung hăng của tàu Trung Quốc, nhưng vừa bình an về tới đất liền, anh Ri lại trở về với vẻ tếu táo: “Cái giàn khoan to bằng cái… sân banh, tàu mình tiến gần khoảng 7 hải lý là nó đuổi, nhưng đuổi cứ đuổi, biển là của mình, bao nhiêu ngày ngoài biển, tui chỉ lòng vòng đánh bắt quanh vùng đó!”.

Chỉ về chiếc tàu bị rách một phần mái neo ngoài bến, anh Ri nhiệt tình miêu tả cảnh nó bị chiếc tàu sắt Trung Quốc to gấp 4 lần, kèm sát, tìm cách đâm vào. Dù thuyền trưởng đã khéo léo luồn lách nhưng vẫn không thoát được một cú húc, nhưng may sao không thiệt hại gì nhiều.

Ve tu phong ba

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ đón ngư dân bám biển trở về.

Các thuyền trưởng và thuyền viên được chính quyền địa phương mời lên bờ để dự lễ, những người phụ nữ lại xuống thuyền, quan sát, thu dọn nơi ăn chốn ở của chồng con họ suốt cả tháng qua. Chị Kim Liên (thôn An Hải Đông) kể, trước khi chồng chị là anh Phạm Bá Hẹn cùng các thuyền viên trên con tàu QNa 90178 ra khơi, chị cố tình chuẩn bị nhiều thức ăn hơn bình thường, vì đoán trước cuộc chạm mặt với Trung Quốc có thể làm chuyến tàu dài hơn bình thường. Lúc này, những người vợ, người mẹ ấy lại vui cái niềm vui được thu dọn từng cái vỏ mì gói, hay lon bia đã uống cạn ở đây đó trên tàu. Bởi, “cả tháng ngoài khơi, có hồi vừa ngả lưng các anh lại phải ngồi dậy đối phó với Trung Quốc, sức đâu mà dọn dẹp”.

Ve tu phong ba

Bà Phạm Thị Trợ làm việc nhà để quên đi nỗi lo khi con trai đang lênh đênh trên biển.

Nhìn những chiếc tàu đang yên lặng neo bờ, cắm rợp cờ đỏ, bất giác tôi quay quanh tìm cái dáng lom khom của mẹ già 87 tuổi Phạm Thị Trợ. Nhớ những ngày đầu anh Nguyễn Văn Luận, con trai út của mẹ cùng bà con trong xã vươn khơi bám biển, mẹ vừa khẳng khái, vừa rưng rưng khẳng định với tôi: “Biển này là của nó, của con cháu nó, nó mà không giữ, thì còn ai…”.

Hôm nay, sức khỏe không cho phép mẹ ra tận cảng đón con trai, nhưng nhìn nét hồn nhiên, phóng khoáng của những người vợ, người mẹ từng thấp thỏm chờ đợi, giờ đang khôn xiết mừng vui có mặt nơi này; tôi chợt nhớ đến “triết lý” của mẹ Trợ: “Trung Quốc tham đến đâu thì mình phải mạnh mẽ đến đó, nhưng dầu gì, cũng mong biển sớm yên lành, để dân mình được yên ổn sống con ơi!”.

Minh Trâm - Hà Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI