"Về Tri Tôn là phải ăn cháo bò cho biết với người ta"

14/12/2023 - 06:36

PNO - Vừa thức dậy sau giấc ngủ vùi do đi chuyến xe đêm từ TPHCM xuống Tri Tôn, An Giang thì cô bạn thời đại học (giờ đã theo chồng “định cư” ở An Giang) gọi điện: “Dậy chưa, thay đồ đi lát tui ghé chở ăn sáng. Về Tri Tôn là phải ăn cháo bò cho biết với người ta!”.

 

Một phần cháo bò
Một phần cháo bò

Chưa đầy 15 phút sau cuộc nói chuyện, bạn đã thắng két xe trước cổng khách sạn tôi ở và hai đứa bắt đầu hành trình khám phá đặc sản Tri Tôn. Do Tri Tôn là "xứ sở của bò" nên ở đây có rất nhiều món ăn độc lạ được chế biến từ bò như: cháo bò, cơm bò, bò xào kiến vàng lá “chha ca dao”…

Vừa đi vừa nói chuyện, thoắt cái chúng tôi đã đến quán. Bạn nói, khu vực Tri Tôn có rất nhiều quán cháo bò nổi tiếng, nhưng bạn hay ăn ở đây (Tư Xuyên) và thấy hợp khẩu vị nên rủ tôi đến ăn cho biết.

So với các hàng quán xung quanh, quán cháo bò tuy nhỏ nhưng không lúc nào ngớt khách. Khách già có, khách trẻ có, khách con nít có, người ngồi ăn tại chỗ có, người mang về cũng có… đủ cả.

Quán nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách
Quán nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách

Chúng tôi vào quán và chọn một chỗ ngồi phía trước để có thể vừa ăn vừa ngắm nhìn người ta mua bán và dòng xe hối hả qua lại. Vì là quán cháo nên ở đây chỉ bán mỗi cháo không kèm thêm các món nào khác như các hàng quán trên thành phố. Tùy theo sở thích và chiếc bụng to, nhỏ mà khách có thể chọn tô to, tô nhỏ và dặn chủ quán bỏ những loại topping mình muốn ăn.

Mặc dù quán đông nhưng phục vụ khá nhanh. Chúng tôi vừa gọi món, chưa kịp ngồi nóng chỗ 2 tô cháo nóng hôi hổi đã được mang ra. Nhìn có vẻ hấp dẫn.

Bạn tôi nói đây là món ăn sáng quen thuộc của người dân nơi đây. Và là món ăn nổi tiếng của vùng Bảy Núi mà ai đến đây cũng đều muốn thử. Cháo bò có cách nấu tương tự cháo lòng heo, chỉ khác nguyên liệu là bò. Tùy mỗi quán sẽ có cách nấu khác nhau, nhưng mỗi tô đều không thể thiếu lòng bò, huyết bò và dĩ nhiên phải có thịt bò xắt lát mỏng.

Để cho ra món cháo bò thơm ngon, đầu bếp nhất định phải nấu bằng bò nuôi tại vùng Bảy Núi. Ngoài ra, bí quyết để làm nên món cháo bò ngon còn là cách chọn gạo, chế biến lòng bò sao cho mềm và không có mùi. Đặc biệt, cháo không nấu bằng bếp ga mà nấu trên bếp than để hạt gạo nở nhừ và cháo lên màu nâu nhạt đẹp mắt.

Bạn tôi hối thúc tôi ăn cháo khi còn nóng ấm, vì vừa thổi vừa ăn mới đã. Một phần cháo ở đây ngoài thành phần chủ yếu là thịt, huyết, lòng bò còn có gân, gan, lá sách, phèo… Nhưng tôi không biết ăn nội tạng nên chỉ ăn thịt và huyết bò kèm các loại gia vị như nước cốt lá chúc (giống như chanh nhưng thơm hơn), nước chấm (gồm nước mắm, ớt và gừng), một ít rau gia vị (hành, ngò, quế…)…

Các “topping” ăn kèm với cháo
Các “topping” ăn kèm với cháo

Đang nghỉ phép không vướng bận công việc, nên tôi thong thả nhấm nháp từng muỗng cháo mặc dòng người đang hối hả ngoài kia. Vị thơm mềm của gạo đã nấu nhừ, vị ngọt của thịt bò, mùi thơm của nước trái chúc kết hợp với mùi đặc trưng của các loại rau gia vị… khiến món cháo dậy mùi thơm nức và vì vậy trở nên hấp dẫn người ăn.

Quán bắt đầu mở bán từ lúc 6g sáng để mọi người có thể ấm và no bụng trước khi đến trường, đến công ty hay ra ruộng... Có 2 cỡ tô và giá khác nhau cho bạn lựa chọn. Tô lớn có giá 30.000 đồng và tô nhỏ 20.000 đồng. Nếu chưa từng ăn cháo bò và muốn thử, bạn chỉ nên gọi tô nhỏ thôi nhé. Nếu thích ăn, bữa sau có thể ghé lại và ăn tô lớn hơn.

Lan Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI