Về Thọ Xuân ăn bánh lá "tiến vua"

09/02/2024 - 16:00

PNO - Tương truyền bánh lá răng bừa là loại bánh tiến vua một thuở. Thử ăn vào mới thấy, thiệt ngon!

Chúng tôi đến Thanh Hóa trong tiết trời tháng Chạp se lạnh. Đang trên xe, người bạn đồng hành í ới xin bác tài tắp vào hàng ven đường bằng được để mua gấp bánh lá răng bừa.

Những chiếc bánh lá răng bừa chị bạn có chồng quê Thanh Hóa gửi gia đình tôi để dành ăn Tết
Những chiếc bánh lá răng bừa chị bạn có chồng quê Thanh Hóa gửi gia đình tôi để dành ăn tết

Nhìn chị hớn hở xách túi bánh cả 20 cặp lên xe, mở ra xem rồi xuýt xoa khen rẻ, sao có 7.000 đồng/cặp, cả nhóm cười lên: “Ủa bánh tét hả, sao nhỏ vậy? Mới sáng ra ăn bánh tét à?”. Chị bạn mua bánh vốn là con dâu Thanh Hóa cười: "Bánh nóng nè, ăn thử rồi ghiền nghen. Bánh này một thời là vật tiến vua của xứ Thọ Xuân đó!".

Chiếc bánh thuôn dài, hai đầu dẹt dẹt, lật qua lại săm soi, thấy cũng giống cái răng bừa. Giở lớp lá còn nóng ra, chiếc bánh tỏa hương thơm dịu nhẹ.

Tôi thử cắn vào một miếng, cái vị béo của bột, hòa với vị ngọt của thịt, nấm mèo cùng các gia vị tan lẫn vào vào trong các giác quan: “Ngon! Đúng là tiến vua nha”. Chiếc bánh nhỏ bằng hai ngón tay, dài chừng 17-20cm ấy cắn 3 cái đã hết và gây nhớ thương lập tức. Bởi vậy lúc này cả nhóm bạn trên xe mới hiểu sao chị bạn cứ nói mỗi người phải ăn 2-3 cặp bánh.

Nghe mọi người khen rồi, chị mới tự hào kể rằng nhà chị năm nào cũng đặt hàng ngoài này vào thành phố để có bánh ăn tết. Người ăn ít thì chỉ cần 1 cái, người ăn nhiều cứ bóc luôn 5-7 cái là no cả buổi.

Để gói được nồi bánh lá là bao công phu. Từ chọn gạo, ngâm gạo, xay bột đến làm nhân bánh, biết bao kỳ công. Người làm bánh phải chọn từng miếng thịt ba chỉ thật ngon, về bằm, trộn cùng nấm mèo, hành tím băm nhuyễn, nêm gia vị vừa ăn, xào thơm, rắc thêm chút tiêu. Rồi mới lấy bột đã bòng cho vừa độ sệt trải lên lá chuối hoặc lá dong.

 

Gói bánh cũng là một công đoạn khó. Sau khi trải bột và nhân, người gói bánh phải cuốn đều tay cho chiếc bánh thuôn, dài. Muốn bánh ra hình dáng đẹp, đúng kiểu chiếc răng bừa khi cuốn lá phải miết mạnh hai đầu bánh. Sau đó mới lấy dây chuối cột lại từng chiếc nhỏ. Chị bạn bảo, làm bánh này phải tỉ mỉ. Bánh gói xong sẽ đưa vào nồi hấp và ăn nóng.

Bánh ăn vừa miệng, nhưng người xứ Thanh thường dùng kèm với nước mắm chua ngọt cho vị thêm đậm đà.

Bánh lá răng bừa là món không thể thiếu trong các lễ giỗ chạp của người Thọ Xuân, đặc biệt là người dân ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Tương truyền bánh lá răng bừa xuất xứ từ đây. Là chiếc bánh người dân sáng tạo ra để dâng lên vua Lê Đại Hành, kỷ niệm lần vị vua này cùng dân làng xuống ruộng cày bừa trong một lễ hội đầu năm.

Công đoạn rải nhân, gói bánh cũng cần sự tỉ mỉ, khéo tay
Công đoạn rải nhân, gói bánh cũng cần sự tỉ mỉ, khéo tay
Chiếc bánh được hấp chín vương chút màu xanh lần hương thơm của lá cùng bột gạo.
Chiếc bánh được hấp chín vương chút màu xanh lẫn hương thơm của lá cùng bột gạo

Bánh lá răng bừa Thọ Xuân beo béo, thơm thơm mang tiếng lành bay xa, nhiều nhà làm bánh để biếu người thân hoặc bán khắp miền đất nước. Các cặp bánh cột lại thành chùm từng chục, bỏ vào tủ đông để sau đó tiện chuyển hàng. Khi ăn, chỉ cần lấy bánh ra để rã đông và hấp lên. Bánh để cả tháng, hấp ăn hương vị bánh vẫn ngon y như mới.  

Đặc sản của Thọ Xuân tên tuổi trước giờ tôi từng nghe có bánh ít lá gai, xôi nén, giờ biết thêm món bánh lá răng bừa. Hình như món nào ăn cũng để thương, để nhớ. 

Nguyễn Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI