Về thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

11/08/2022 - 16:02

PNO - Sáng ngày 11/8, đoàn công tác của Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương có buổi dâng hương tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Trong khuôn khổ hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2022 (do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, diễn ra từ ngày 8-12/8, tại An Giang), đoàn công tác vừa có chuyến viếng thăm và dâng hương tưởng niệm tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào sáng ngày 11/8.

Tham dự có đại diện các lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo tỉnh An Giang, Thường trực Hội đồng, trưởng các đoàn công tác đến từ các tỉnh thành phía Nam. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2022).

Khu đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Khu đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tọa lạc ở cù lao ông Hổ - quê nhà ông (xưa là làng An Hòa, tổng Định Thành, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang), trong khuôn viên rộng 1.600m2. Nhà lưu niệm gồm: đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhà trưng bày tư liệu hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và ngôi nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn.

Hiện nhà lưu niệm lưu giữ rất nhiều hiện vật, kỷ vật, tư liệu quý về gia đình và cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Tôn: quyển kinh Xuân Thu - cuốn sách mà người thầy Nguyễn Thượng Khách dùng để dạy học trò, trong đó có Chủ tịch Tôn Đức Thắng; bộ nón và áo tơi, bộ bàn trà, bàn làm việc Bác Tôn từng dùng trong thời gian làm việc ở Việt Bắc... Bến đò Ô Môi - nơi chàng thiếu niên Tôn Đức Thắng ngày xưa mỗi ngày vẫn qua sông đi học nay vẫn còn đó những chuyến phà ngang sông Hậu.  

Tàu giang cảnh-phương tiện từng đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua sông Hậu về thăm quê nhà
Tàu giang cảnh - phương tiện từng đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua sông Hậu về thăm quê nhà

Năm 1906, Tôn Đức Thắng tốt nghiệp tiểu học và rời quê nhà lên Sài Gòn học việc. Năm 1916, ông làm thợ máy trên chiến hạm France của hải quân Pháp. Năm 1920, ông ra khỏi hải quân Pháp, làm công nhân sửa chữa xe hơi ở Phú Nhuận. Năm 1921, ông chính thức thành lập và lãnh đạo công hội bí mật ở Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1925, ông tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son...

Sau 10 năm hoạt động cách mạng, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Trong nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có riêng khu trưng bày hình ảnh, tư liệu về cuộc đời Bác Tôn trong giai đoạn 15 năm khổ sai ở Côn Đảo.

Trong suốt thời gian tù đày đó, Người vẫn tiếp tục tổ chức đấu tranh chính trị, hoạt động bí mật, cứu tế/chăm sóc các tù nhân ở các khám. Tại đây, Hội những người tù đỏ đã được thành lập, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng nhằm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho các anh em tù nhân, đấu tranh cải thiện đời sống, phản đối tra tấn và hành hạ tù nhân...

Bức tranh chân dung Chủ tịch Tôn D
Bức tranh chủ đề "Bác Tôn và quê hương An Giang" được thực hiện bằng gáo dừa

Trong khuôn viên nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện nay còn có các hiện vật là tàu giang cảnh - từng là phương tiện Bác Tôn sửa dụng khi đi từ Long Xuyên về thăm nhà ở cù lao ông Hổ, chiếc ca nô mang tên Giải Phóng - từng được Bác Tôn điều khiển, đưa một số cán bộ cách mạng tù Côn Đảo về lại đất liền - và chiếc máy bay YAK-40, ký hiệu VNA.452 từng đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn chủ trì đại lễ mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 15/5/1975.

Viếng thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào một ngày mưa qua sông Hậu, nhiều đại biểu đã rất xúc động khi được xem những hình ảnh, tư liệu, được nghe những câu chuyện, ký ức gợi nhớ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn. Cù lao ông Hổ ngày nay vẫn là một mảnh đất hiền hòa của miền Tây sông nước...

Xuyên Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI