PNO - Thị trấn cổ D’ran ẩn mình trong sương đã “chiêu đãi” khách phương xa bằng đủ mọi cung bậc của thời tiết: nắng, mưa, mù sương và mây phủ khắp vườn, đồi. D’ran tĩnh lặng, thâm trầm, bình dị nhưng ẩn chứa biết bao điều sẻ chia cùng lữ khách…
D’ran đón tôi bằng cơn mưa chiều nhuộm trắng lưng đèo. Chở tôi từ trung tâm thành phố Đà Lạt về Đơn Dương là anh Quyền - tài xế taxi - đã sống tại D’ran từ năm 1992. Tôi mở đầu cho cuộc trò chuyện trên quãng đường về thị trấn khoảng 40km bằng câu hỏi: “D’ran có nghĩa là gì vậy anh?”. Trong đầu tôi nghĩ về một tên gọi bắt nguồn từ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, giống như tên Đà Lạt từng được giải thích có khởi nguồn từ chữ “Đạ Lạch” (hay “Da, Dak” theo ngôn ngữ K’ho), có nghĩa là nước, suối của người Lạch (Lạt) - tên một bộ tộc của dân tộc K’ho.
Thế nhưng không phải. D’ran là tên người Pháp đặt cho vùng đất này. Trước khi được Alexandre Yersin phát hiện, nơi đây từng là một buôn làng của đồng bào người Thượng. Khi xây dựng tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt, người Pháp đã xây dựng tại D’ran đoạn cầu sắt (giai đoạn 1919-1925). Hiện nay, cầu sắt vẫn còn. Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Nếu được khôi phục, cùng với Thụy Sĩ, Việt Nam sẽ có tuyến đường sắt răng cưa cổ nhất thế giới. Cầu sắt D’ran cũng sẽ trở thành một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến thị trấn này.
Tôi đã đến thành phố ngàn hoa rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên về thăm D’ran - vùng đất được gọi là “nàng công chúa bị lãng quên” bởi du khách thường chọn đến với Đà Lạt hay Bảo Lộc, còn D’ran vẫn là nơi chốn bình lặng, giản dị như cuộc sống mộc mạc trước giờ của người dân vùng đất này. “Mình thích vẻ đẹp này của thị trấn, cứ nhẹ nhàng, bình yên như thế thôi” - Ngọc Mai - một người bạn của tôi vừa cùng gia đình về sinh sống tại D’ran - bày tỏ.
Trải qua những ngày dịu dàng, yên tĩnh với D’ran, tôi mới cảm nhận được trọn vẹn những điều bạn chia sẻ. Thị trấn cổ vẫn còn đó vẻ nguyên sơ, thanh bình, yên ả. Nhịp sống chầm chậm trôi như mây lãng đãng qua đồi, xanh mướt như những vườn cây, thơ mộng như cỏ hồng trong sương sớm…
“Một nhà sàn đơn sơ”...
Từ D’ran, khách có nhiều trải nghiệm thú vị: lên đèo Ngoạn Mục thả diều, khám phá rừng thông Châu Sơn, tham quan nhà thờ Ka Đơn (từng được trao 2 giải quốc tế: giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu năm 2011 và giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần 6/2016), viếng ngôi đình Càn Rang hơn 100 tuổi - nơi còn lưu giữ bản sắc phong được ban nhân lễ đăng quang của vua Duy Tân vào năm 1907…
Nếu muốn săn mây ở Cầu Đất, du khách đi từ D’ran cũng gần hơn khi khởi hành từ trung tâm thành phố Đà Lạt. Ngồi trên đồi, giữa sương núi ngắm sương mây và uống trà, trò chuyện cùng nhau vào sớm tinh mơ cũng là một trải nghiệm khó quên.
Một trong những điều đặc biệt thú vị với chúng tôi trong những ngày ở thị trấn còn là việc… đi mót rau quả từ những vườn đã thu hoạch xong. Sẽ luôn có trái xanh trái chín còn sót lại, ai thích thì tự do hái về ăn. Người làm vườn không vội hạ giàn, để vườn tiếp tục cho trái và phần này dành cho chim ăn.
Những ngày ở D’ran còn lưu dấu sâu sắc trong lòng tôi với những điều bình yên, giản dị. Nơi tôi ở là Bản Yên nằm giữa thung lũng. Ở đó, có vườn hồng trĩu quả, có lối mòn đầy hoa cỏ và các loại rau dại mọc ven lối đi. Rau trái cho người và cỏ cây cho chim, thỏ. Vạn vật như thể đã được sắp đặt đúng nơi đúng chỗ. Chúng tôi có thể vừa đi dạo vừa hái rau tàu bay để luộc, hái cỏ cho thỏ và cả thảo dược để ngâm chân. Thanh âm của núi đồi không chỉ có tiếng nói cười xôn xao mà chiều chạng vạng còn có tiếng gió, tiếng chim, ve và muôn loài côn trùng hòa lẫn vào nhau. Tất cả như tạo thành một bản hòa ca bất tận, du dương hòa nhịp cùng đất trời.
Ở D’ran, đến cả cơn mưa phùn ngoài cửa sổ cũng khiến cảnh vật tựa như một bức tranh. Khoảnh khắc ngồi trên đồi ngắm mây vờn núi, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của họa sĩ Đinh Cường: “Nhớ khói lam chiều lan xa trên sườn núi/ Những đoạn đường đèo hoang vu trên Đơn Dương/ Tiếng lục lạc của chiếc xe thồ cũ kỹ/ Móng ngựa mòn rơi trên đường…”.
“Ôi chiều lạnh lùng chiều Đơn Dương…”
Từ D’ran, du khách có thể đi săn mây ở đồi chè Cầu Đất
Trên đoạn đường đến thăm Samten Hills - Không gian Văn hóa tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa, tọa lạc tại thôn Kambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương - chúng tôi nói với nhau về câu chuyện của họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. D’ran là nơi cố họa sĩ Đinh Cường từng gắn bó. Ông đã vẽ và viết nhiều về vùng đất này. “Một mình ta cùng trời đất rộng/ Ôi chiều lạnh lùng chiều Đơn Dương/ Những trái su xanh trên giàn rẫy đó/ Hãy ngả mũ chào một bầy két hoang…”. Lòng tôi như lạc về năm tháng nào đó, cùng D’ran hoài niệm một người tài hoa đã mất.
Cũng nơi này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhiều lần đến thăm bạn thuở còn dạy học ở B’lao. Mai đọc cho tôi nghe một trích đoạn trong bức thư Trịnh gửi Dao Ánh, có nhắc về D’ran: “Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền và xa lánh những chen đua vô ích. Tìm một hạnh phúc nào nhỏ nhất cho vừa đời mình. Làm một căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống gần với gỗ, với cây, với núi rừng, với đất…”.
Khi ngồi giữa lòng thành phố viết những dòng này, tôi đã mở ca khúc Lời thiên thu gọi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với những ca từ ông đã viết cho phố núi: “Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi/ Chợt như phố kia không người/ Còn lại tôi bước hoài…”. Miên man trong những giai điệu, chợt nghĩ rằng cuộc đời của một người, chỉ cần có được một người tri kỷ để được lắng nghe và tỏ bày thì dẫu cho năm tháng vô tình, cuộc đời ấy vẫn ấm áp và tha thiết biết bao.
Người không còn nữa, để lại cho đất những lưu dấu nhớ thương. Lữ khách đến D’ran để được thấy lòng mình trôi dạt về một miền hoài niệm cùng tranh và thơ Đinh Cường, về những ngày tháng của Trịnh chỉ còn lại trong giai điệu. Đất trời hữu tình, vạn sự hữu duyên, tôi về thăm D’ran vào mùa thu và được núi đồi “chiêu đãi” bằng đủ mọi cung bậc của thời tiết: mưa, nắng, mây, sương… Và tôi đã thấy mình sống trọn vẹn từng phút giây, thật bình yên với lòng mình. Đêm thành phố, chợt nhớ vô cùng tiếng mưa rơi trên mái ngói của ngày đầu dỗ giấc ngủ ngon trong căn phòng nhỏ giữa thung lũng đầy hoa cỏ.
D’ran ở lại trong lòng lữ khách bằng những điều thiết tha, da diết. Ký ức của tôi về những ngày ở nơi này là những sáng thức giấc bằng tiếng chim; với gian bếp thoảng mùi hương ổi chín và hương thảo, lao xao thanh âm của nói cười, ấm tình bè bạn; hương vị của những món ăn chay thanh lành và những tiếng chuông chánh niệm nhắc người biết ơn thức ăn, biết ơn mọi điều mình được tận hưởng từ thiên nhiên, đất trời. Nhớ những buổi chiều lên đồi nhìn ngắm toàn cảnh thung lũng chìm trong mây núi. Nhớ những đêm bên bếp lửa bập bùng cùng nhau đổ bánh căn, bánh xèo và cả những phút giây quẩn quanh chơi đùa với tụi mèo, chó, thỏ…
Ở D’ran, tôi còn thấy được giấc mơ và nỗi nhớ sâu thẳm của mình...
Thủ phủ hồng D’ran
Trên bàn tay tôi chiều ấy là những quả hồng chín mọng hái từ Bản Yên. Lần đầu tiên được tự tay hái và thưởng thức tại vườn hương vị của hồng D’ran, cảm xúc thật khó quên. Cành hồng giòn, dễ gãy nên việc hái hồng cần dùng đến vợt (hay lồng) để hái được những quả trên cao. Những quả hồng giòn vừa đủ lớn được hái xuống, sau đó được ủ bằng hơi hoặc nước ấm (khoảng 2 ngày).
D’ran cũng là thủ phủ của hồng; trái chín, ủ giòn hay treo gió, sấy khô đều là đặc sản của thành phố mù sương. Mùa hồng còn làm say lòng du khách bởi vẻ đẹp quyến rũ của những chùm trái chín, làm bừng sáng ban mai và như những đốm lửa chiều hôm. Những trái hồng tôi hái trên vườn đồi trở thành quà tặng mang về thành phố.
Đến D’ran, khách còn được thưởng thức nhiều món ăn ấn tượng với hương vị giữ vẹn nguyên hàng thập kỷ: bánh căn, bánh mì xíu mại… Buổi tối, bạn cũng có thể ra chợ Lạc Nghiệp ăn vặt. Nơi đây không thiếu hương vị phố núi: bánh tráng nướng, khoai/bắp nướng, sữa đậu xanh/đậu nành…
Lấy sinh kế của người dân làm chất liệu, Sa Đéc (Đồng Tháp) giới thiệu chuỗi hoạt động thực hành trồng hoa, kiểng trong tour du lịch nông nghiệp bền vững.