Về sông ăn cá, về đồng ăn cua…

20/08/2018 - 18:00

PNO - Lâu lắm đã không còn nghe những lời ru quê mùa mộc mạc, rằng, gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua. Rằng, bao phen quạ nói với diều, cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm…

Và, chỉ những ai có khoảng thời gian đủ dài của tuổi thơ ở miệt quê mới thưởng thức được niềm vui đồng ruộng. Đó là những trưa mùa hạn bà chằn, lội ruộng bắt cua, nướng ngay bờ suối. Là mùi ngai ngái của cua cháy khét xộc lên mũi, mùi ớt xanh rừng giã vội với muối hột, mùi gió đồng luồng qua ruộng lúa đang mùa ngậm sữa khi trổ đòng đòng. 

Ve song an ca, ve dong an cua…
Về quê, trẻ được tích cóp bao kỷ niệm tươi đẹp. Hình minh họa

Những lời ru được đúc kết, được lẩy ra từ thực tế bình dị ở miền quê của nhiều thế hệ luôn là những chỉ dấu tình cảm, những bài học khái quát súc tích về mối quan hệ gắn bó giữa thiên nhiên với con người.  

Đó là những cơn mưa chiều kèm sấm chớp sợ đến tím người mà vẫn còn vắt vẻo trên ngọn cà na ven con suối nhỏ, cố hái những chùm cà na chua chua, chát chát… trong cơn lạnh run người. 

Ở quê, mùa khô trời se lạnh, lúa ngoài ruộng bắt đầu chín vàng. Chim én bay về lượn lờ trên mặt ruộng. Những lỗ trổ gạn nước thông từ bờ ruộng này sang bờ ruộng kia, góc ruộng trên xuống góc ruộng dưới làm cho lúa dần dần vàng khô rồi chuyển sang trắng bệt chờ những nhát liềm từ tay người thu hoạch.

Sau mùa gặt là mùa đi tát cá cạn trên đồng. Mùi rơm rạ đốt đồng xen lẫn mùi bùn sình quẫy đạp để bắt cá cạn là mùi hương không nhầm lẫn vào đâu và thật khó quên.   

Nhớ những lần nhằm con nước lớn. Khi ấy, buổi sáng mà cứ như hoàng hôn. Trời không ánh nắng, âm u như chực chờ cơn mưa bất chợt. Gió riu riu, lành lạnh. Không phải bão vì chẳng có mưa. Cũng không phải chiều vì gà mới ra khỏi chuồng, còn đang vỗ cánh sảng khoái trước buổi tìm mồi.

Những buổi sáng như vậy thật lạ lùng với trẻ con, nhưng đó là dịp để chúng có thêm những trải nghiệm với ông bà ở quê. 

Về quê không chỉ ăn cá, ăn cua… trẻ con còn luôn học được thêm những điều tốt lành. Đó không chỉ là cách trốn tránh cái ồn ào phố thị, xả bớt những căng thẳng, áp lực của chuyện học hành mà còn là dịp để tích cóp những kỷ niệm đẹp về mùa hè của tuổi thơ, những bài học sinh động, những thứ mà sau này chúng lớn lên sẽ không bao giờ tìm thấy một cảm giác tương tự. 

Nhớ lần các con đi tát cá với bà dưới suối, lúc về, chúng í ới khoe với nhau một “kinh nghiệm” rằng, mùa mưa, nước ở suối thường dâng cao ngang cổ, nhưng lúc ròng, nước chỉ còn trên mắt cá chân một chút.

Ve song an ca, ve dong an cua…
Lũ trẻ nghịch bùn, thích thú vô cùng. Hình minh họa.

Khi ấy, nước ít mà bùn nhiều. Thậm chí có chỗ toàn bùn sình, không còn nước. Cá lớn thì vùi mình xuống bùn, chui vào hang sâu theo các hốc cây ven bờ. Cá nhỏ thì dồn nhau bơi đến chỗ còn nước.

Khi tát cạn nước, cá nhỏ được nhìn thấy trước vì ở trên mặt sình, còn cá lớn thì chẳng thấy đâu, bởi nó ranh ma hơn, nghe động đã vùi mình xuống bùn. Những bài học sinh động như vậy chắc chắn sẽ theo con suốt cuộc đời…  

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI