Về quê lặt lá mai

03/01/2020 - 09:00

PNO - Khoảng thời gian đó vui không kém mấy ngày xuân. Khu vườn sạch thoáng sáng bừng sau khi dọn dẹp. Bà sẽ tưới nước cho cây đều đặn mỗi ngày, đến khi nó bung những búp nụ xanh non bóng mởn.

Nhà ông bà nội có một cội mai gần trăm tuổi. Cội mai nằm ở góc vườn, mặt đất phủ đầy cành lá khô, quanh năm ít ai nhớ tới. Lúc còn ở cùng ông bà, lúc nào thấy ông đóng giàn gỗ lặt lá, bà lui cui quét dọn quanh gốc mai, là My biết sắp đến tết.

Khoảng thời gian đó vui không kém mấy ngày xuân. Khu vườn sạch thoáng sáng bừng sau khi dọn dẹp. Bà sẽ tưới nước cho cây đều đặn mỗi ngày, đến khi nó bung những búp nụ xanh non bóng mởn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Từ khi ba mẹ chuyển lên sống ở thành phố, cuối năm bận rộn, cả nhà chỉ về quê mấy ngày xuân. Việc “thay áo mới” cho cây mai hoàn toàn trông chờ vào ông bà nội. Năm ngoái ông bị bệnh, không leo giàn nổi. Ông và bà đành lặt lá những cành thấp và để nguyên cả vòm chính của cây. Kết quả, cây mai nửa vàng nửa xanh, xấu tệ, ai thấy cũng tiếc.

Năm nay, mới đầu mùa nước nổi ông đã nhắc chừng, ông già yếu rồi, ba bận gì cũng ráng tranh thủ rằm tháng Chạp về quê lặt lá mai, đừng để như năm vừa rồi, coi không được. Đó là cây do tổ tiên trồng, phải sửa soạn cho nó ra hoa thật đẹp để tết rước ông bà về ngắm. Được vậy con cháu mới bình yên, làm ăn thuận lợi. Ông dặn My đặt lịch nhắc trong điện thoại, vì tính ba vốn quên trước quên sau.

My cảm thấy được ông nội giao một nhiệm vụ lớn lao. Con hãnh diện với điều đó nên nhắc đi nhắc lại hoài, đôi lúc làm ba bực mình. Ba vốn không quan tâm cây cối vườn tược. Ba có thể sốt sắng với bất cứ việc gì trừ việc suốt ngày tỉ mẩn bứt từng chiếc lá trên một cái cây.

Mẹ phải động viên cho ba có chút tinh thần: “Thôi, ráng đi, anh chỉ cần đóng cái giàn, em và con sẽ lãnh phần lặt lá”. Lần đầu tiên My yêu cầu ba ngủ sớm: “Mai mình về quê lặt lá mai rồi. Tắt ti vi đi ba. Về trễ thế nào ông nội cũng la đó”.

Năm ngoái, rằm tháng Chạp, cả nhà đã có mặt ở quê. Con đê làng nhỏ xíu năm nào nay đã trở thành trục đường nhựa rộng thoáng sạch sẽ. Xe cộ ngược xuôi nườm nượp. Mọi người hối hả chở mai và đủ loại hoa trái, rau củ đến các chợ. Mùa xuân đang về trên những chuyến xe như thế. Năm nay My mười hai tuổi, đã đủ lớn để cảm nhận những ngày giáp tết ở quê nội thật rộn ràng.

Chừng này năm ngoái, bà nội ngâm đậu, nạo dừa khô, nấu chè. My thấy bà mua rất nhiều thứ để nấu một bữa trưa thịnh soạn. Hình như bà có làm cả món bì cuốn, chả giò mà My vốn rất thích ăn. Ông nội quan sát bếp của bà rồi nheo mắt trêu My: “Chắc bà nội bây tưởng bữa nay là ba mươi tết”.

 Sợ hai mẹ con leo cao không an toàn nên ba đóng giàn thật kỹ. Ông nội cũng ra phụ một tay. Ông vừa kể chuyện với cháu vừa hướng dẫn cách lặt lá sao cho giữ lại được nụ gai. Cái nụ gai nhỏ xíu, vậy mà sau mười lăm ngày có thể phát triển thành chùm nụ lớn bóng nhẫy, thật kỳ diệu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba nhắc đi nhắc lại vài lần, kêu ông vào nhà nghỉ ngơi. Ông nói hôm nay ông khỏe, muốn làm việc với con cháu cho vui. Hơn nữa đang nắng hanh gió mát, ở ngoài vườn thích hơn trong nhà. My để ý, thấy hình như ba cũng bị cuốn theo mọi người. Ba bắt đầu thích những việc đang làm. Bốn người vừa làm vừa chơi đến hơn mười giờ thì xong gần nửa cây mai.

Như con sóc, My thót lên giàn, trèo tận nơi cao nhất để giành phần lặt lá ngọn cây. Từ nơi này, My phóng tầm mắt nhìn quanh. Làng quê trải dài một màu xanh vườn tược. Những mái ngói đỏ tươi như những khóm hoa nằm lẫn trong vườn cây xanh um. Và cánh đồng sau vụ đông xuân phẳng đều màu vàng ươm của gốc rạ. Lần đầu tiên My ngắm nơi My được sinh ra từ trên cao. Thật đẹp.

Buổi trưa nắng mạnh, bà giục mọi người vào nhà nghỉ ngơi một chút rồi ăn cơm. Phần việc còn lại để dành cho buổi chiều. Lâu ngày mới lao động tay chân một lần nên ai cũng đói sớm. Nhìn bàn thức ăn đầy ắp bà đã bày sẵn giống hệt bữa tiệc tất niên, My chỉ muốn… nhào vô liền. Mẹ lườm mắt, có ý nhắc phải tắm rửa trước đã. My chạy ù đi soạn quần áo, lòng đầy háo hức.

Năm nay, nhà mình lại sắp về quê lặt lá mai. 

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI