Tôi không dám gọi cho mẹ mỗi lần bị chồng bạo hành suốt hơn 2 năm qua, dù rằng mỗi lần như vậy thì bà chính là người đầu tiên mà tôi nghĩ đến. Ngày tôi kết hôn, tôi biết mẹ vui đến thế nào khi chứng kiến đứa con gái út lấy được tấm chồng tử tế, là con nhà có điều kiện và sẵn sàng cho cuộc sống thành thị để thoát khỏi cái huyện miền núi nghèo heo hút của tỉnh Phú Yên. Nhưng hai năm vừa qua, là hai năm tù ngục thực sự trong mối quan hệ hôn nhân với người mà tôi vẫn gọi là chồng.
Lấy chồng thành phố chắc gì đã đổi đời
Với nhiều cô gái quê tôi, việc vào đến Sài Gòn làm việc rồi bám trụ lại được mảnh đất này là một cơ hội thực sự giúp họ đổi đời. Không ít những người bạn của tôi ở quê nhà, mỗi lần nhắc đến tôi thì họ đều nói rằng: “Như con T là sướng nhất rồi, có công việc lại còn lấy được chồng thành phố”. Ngày đó mẹ tôi cũng rất tự hào và mọi người xung quanh cũng thầm chúc mừng cho gia đình tôi về điều này.
Bản thân tôi cũng kỳ vọng nhiều lắm chứ, dù vẫn có không ít những mặc cảm về hoàn cảnh, nhưng anh đến với tôi bằng sự si mê, bằng tình yêu thì sao tôi phải lo lắng. Tôi tin vào tình yêu của anh, và cũng tin rằng mình đủ sức mạnh để sống một cuộc đời tốt hơn, có cơ hội giúp đỡ cha mẹ và các anh chị ở quê.
Nhưng quả thật nếu mọi thứ diễn ra trong cuộc đời đều đúng như những gì mình dự định thì đã chẳng có nhiều tổn thương đến vậy. Nhà anh rất giàu. Ba mẹ anh là hai doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn, vì thế họ có một tài sản kếch sù. Ngay khi cưới chồng, tôi chuyển từ nhà trọ sang căn biệt thự ở quận 2 đồ sộ. Nhưng, mọi nếp sống đều khác tôi quá. Tôi phải học từ cách đối xử với người giúp việc, từ việc sắp xếp chén đĩa cho một bữa ăn, từ cách ăn mặc để phù hợp... Và tôi dường như bị tụt lại bởi tôi không thể thích nghi được ngay.
Tôi biết cách sống của mình trước đây và bây giờ phải khác, nhưng tôi không nghĩ cách biệt lại lớn đến vậy. Nhiều bữa cơm tôi tự tay nấu, bố mẹ chồng cũng chẳng thèm động đũa vì cho rằng khẩu vị người nhà quê không hợp. Đến mức mẹ chồng còn nói thẳng vào mặt tôi rằng: “Ôsin nấu còn ngon hơn cô". Chồng tôi sành điệu và quen ăn chơi. Vì thế, sau khi khám phá cô vợ nhà quê, anh bắt đầu chán. Anh đi chơi thâu đêm suốt sáng bất chấp những giọt nước mắt của tôi.
Tôi tổn thương, ê chề. Nhưng tôi nghĩ rằng với phụ nữ, nhẫn nhịn một chút để giữ hạnh phúc thì cũng đâu có gì sai. Công việc của tôi cũng chẳng phải kiếm ra được thu nhập quá lớn, chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, nên đồng lương kiếm được thật nhỏ bé so với cuộc sống của nhà chồng.
Mẹ chồng thấy vậy nên muốn tôi nghỉ việc, chuyên tâm vào việc sinh con đẻ cái, quán xuyến gia đình. Nhưng tôi không muốn, vì tôi cần có tiền để giúp đỡ gia đình. Vì vậy tôi chỉ dạ vâng, cố gắng dậy sớm, thức khuya chăm chút việc nhà để vẫn có thể yên tâm đi làm.
Nhưng rồi chồng tôi nghe lời mẹ, anh thấy điều đó là do tôi quá cứng đầu, anh bắt đầu khó chịu, thường xuyên la hét, đánh đập vợ. Bắt đầu từ những cái bạt tai khiến tôi rất sốc, rồi sau đó là thượng cẳng chân hạ cẳng tay không thương tiếc. Một thân một mình ở thành phố, tôi không biết bấu víu vào ai. Muốn gọi về cho mẹ, mà sợ nghe tiếng mẹ thì lại khóc không thành tiếng. Tôi lầm lũi chịu đựng.
Cuộc gọi nửa đêm và lời thổn thức: “Về quê đi, mẹ nuôi con được rồi”
Cho đến một ngày, mẹ gọi tôi vào lúc rất khuya. Mẹ kể rằng có anh Tâm là họ hàng bắt gặp tôi ở thành phố và thấy tôi phải băng trên mặt. Rồi hỏi tôi vì sao lại bị như vậy? Tôi cố gắng nín lặng. Chẳng lẽ lại nói cho mẹ biết mình bị chồng đánh, chẳng lẽ lại để cho mẹ biết cuộc sống ở nhà chồng thành phố tôi đang chịu đựng khổ cực đến thế nào. Tôi không dám hé răng nửa lời, rồi nói dối với mẹ rằng bị ngã.
Mẹ không nói gì, im lặng khoảng 20 giây rồi tôi nghe thấy tiếng sụt sịt từ bên kia đầu máy: “Về quê đi, mẹ nuôi con được rồi”. Rồi mẹ khóc, mẹ khóc rất lớn mà tôi nghe được những tiếng nấc to vang ra từ máy điện thoại. Trong tiếng ngắt quãng, tôi nghe mẹ nói rằng mẹ biết tôi bị chồng đánh, mẹ biết tôi đã vất vả thế nào và tại sao tôi lại không kể mẹ nghe điều đó. Tôi chỉ biết im lặng, rồi an ủi mẹ nói rằng tôi vẫn ổn sau đó vội cúp máy.
Tôi không thể gục ngã thế này được, tôi còn gánh vác cả lời hứa sẽ giúp đỡ gia đình và các em, tôi còn là niềm tự hào của cha mẹ ngày kết hôn và bắt đầu cuộc sống thành thị. Giờ buông xuôi mà trở về lầm lũi như một đứa con gái bị nhà chồng hắt hủi, tôi làm sao để đối diện được với mẹ.
Sáng hôm sau, tôi vẫn thức dậy và chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà chồng. Ăn hay đổ đi có thể là chuyện của họ, nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để thoát khỏi cuộc sống này. Tôi sẽ về với mẹ, nhưng không phải bây giờ, với miếng băng chưa thể gỡ ra khỏi mặt. Vả lại, sáng nay tôi cũng vừa biết, trong tôi đang có một hình hài bé nhỏ lớn lên. Tôi cần phải vững chãi để đối mặt.
Hai Mươi (ghi)