Về quê đi chợ tết

19/01/2023 - 12:00

PNO - Những nàng dâu mới ngơ ngác trước mớ giấy đỏ sặc sở, ông già đội mũ cánh chuồn... Người bán liền nhiệt tình tư vấn các món đồ cúng cho những ngày tết.

 

Chợ quê nghèo nhưng nghĩa tình (Ảnh minh họa)
Chợ quê nghèo nhưng nghĩa tình (Ảnh minh họa)

“Tết chị về quê sớm, chị em mình đi chợ tết”, lời rủ rê của em dâu vào những ngày cuối năm bận rộn, khiến tôi xốn xang. Tôi chỉ muốn bỏ hết để về nhà, để được đắm mình trong không khí chợ quê, để thấy tết thực sự đã về.

Đồng nghiệp ngạc nhiên khi thấy tôi “ghiền” chợ quê. Với những người lớn lên ở thị thành như đồng nghiệp tôi, chợ quê đìu hiu, lại không nhiều hàng hóa, có gì mà vui. Nhưng với những đứa con lớn lên từ rơm rạ như tôi, chợ tết ở quê mới là hồn tết, là những hồi ức làm xốn xang lòng dạ mỗi khi nghe gió bấc hiu hiu về trên phố.

Từ trước 23 tháng Chạp, cúng tiễn ông Táo về trời, chợ quê đã chộn rộn không khí tết. Ở quầy bán rau củ, bày nhiều nhất là cải xanh, củ kiệu, củ cải trắng, cà rốt… Cải xanh đã được cắt bớt lá, chỉ còn cọng cải mập ú. Kiệu thì hơi héo vì đã được phơi một nắng trên ruộng, rất vừa để làm dưa…

Các bà mẹ đi chợ, ai cũng xách nặng một giỏ, tay kia cầm chục cải xanh đã được người bán bó lại gọn gàng bằng cọng dây chuối. Các dì tấm tắc: “Cải này làm dưa giòn phải biết. Tết chỉ cần kho nồi thịt, thêm hũ dưa cải là ăn tết được rồi”.

Tôi hình dung chiều cuối năm ở những căn nhà nép bên khu vườn xanh mướt, bữa cơm tất niên dọn ra ở góc sân. Mùi thịt thơm, dưa cải giòn, gió đồng lồng lộng thơm mùi rơm rạ… Cả nhà quây quần bên nhau nói cười rộn rả, cùng ngóng vọng về một năm mới no đủ, may mắn. Tôi bỗng hiểu hạnh phúc thật ra đơn giản lắm…

Một dì tần ngần trước thúng cải xanh, hỏi mua nửa chục cải. Người bán lẹ miệng: “Chị mua chi nửa chục. Mùa màng thất bát phải hông? Tui cho thêm hai cây cải, nhiều chút cho tụi nhỏ ăn cho đủ”. Giọng dì rổn rảng nghe thấy thương. Bàn tay người bán cải sần sùi, đen đúa. Mớ cải có lẽ từ vườn nhà dì, nhân tết đến gieo thêm vài luống để thêm tiền mua bánh mứt, áo mới cho con. Dì dúi vào tay người mua – bàn tay cũng sần sùi giống dì – dì vỗ vỗ vào bàn tay, động viên: “Lấy về cho tụi nhỏ ăn đi chị, chút đỉnh mà”…

Má tôi hay dặn đi chợ quê đừng bao giờ trả giá. Người làm nông quanh năm cày cuốc cực nhọc, bán thứ mình làm ra bao giờ cũng rẻ. Các dì luôn cân dư một chút, lại hay cho thêm vài trái ớt, chanh, cọng hành… Người thị thành quen cách đi chợ trên phố, trả giá tới lui, có khi làm người chợ quê chạnh lòng. Họ đã bán mua thiệt tình lắm rồi.

Quầy bán vàng mã, đồ cúng giao thừa cũng chộn rộn không kém. Các dì chen nhau chọn giấy tiền, thỏi bạc, thỏi vàng, những tấm giấy đỏ in chữ “Phúc” và hình những đứa bé mập mạp ôm đống tiền xu vàng chóe… Những hình ảnh may mắn như thể chở giúp mọi nhà niềm hy vọng vào một năm mới đủ đầy, nhiều tài lộc…

Những nàng dâu mới về nhà chồng, ngơ ngác trước mớ giấy đỏ sặc sở, hình ông già đội mũ cánh chuồn… Người bán lẫn khách mua xung quanh liền nhiệt tình tư vấn đó là đồ cúng tất niên, cúng giao thừa…

Nhớ hồi tôi mới về làm dâu nhà chồng, xách giỏ đi chợ tết mà run. Lúc về, má chồng soạn giỏ, thấy không thiếu thứ gì. Má khen tôi đảm đang. Má đâu biết ở chợ có quá trời “tư vấn viên” cho những ai “cái gì cũng không biết” như tôi.

Ở quầy bán trái cây, bày la liệt mãn cầu, dừa, đu đủ, xoài… Thứ trái nào cũng còn nguyên cuống và vài chiếc lá còn xanh, tươi rói. Chọn trái cây chưn tết là phải chọn trái còn tươi để chưn được lâu. Trái phải tròn trịa, không tì vết để cầu mong một năm mới suôn sẻ, “vừa đủ xài”…

Năm bé Bin nhà tôi 4 tuổi, lần đầu theo mẹ đi chợ tết. Bin ngơ ngác trước món kẹo thèo lèo, chuối khô ngào đường, mứt bí, me… Dì bán hàng dúi vào tay Bin trái me còn nguyên cuống, trong veo, dẻo dẹo. Với các dì, con nít là phải được thương, ưu tiên những món ngon nhất. Bin bối rối, không dám nhận quà của người lạ, nhưng trái mứt me lại quá hấp dẫn. Dì cười hiền, nói với Bin - cũng là nói với tôi: “Ăn đi con, của nhà dì làm, không phẩm màu, hóa chất gì đâu”. Tới giờ Bin vẫn còn nhắc: “Chợ ở nhà ngoại có nhiều người thương con lắm”.

Hồi tôi còn nhỏ, theo má đi chợ, cũng từng giấu trong túi áo cục thèo lèo được cho. Tôi dè sẻn không dám ăn, thỉnh thoảng lấy ra hít hà mùi tết, nghe lòng dạ ngọt ngào vì thấy tết đã về trọn vẹn.

Bao năm rồi dẫu vạn vật đổi thay theo thời cuộc, nhưng chợ tết ở quê vẫn mộc mạc, nghĩa tình. Người bán bây giờ trẻ hơn, chiều khách hơn. Nhưng cách bán mua vẫn hồn hậu, thiệt tình như vốn dĩ. Để những người con xa xứ như tôi mãi neo hồn mình ở một góc quê nhà, nơi có những phiên chợ ấm áp nghĩa tình.

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI