Tính nát óc để đủ tiền mua vé
Trên chuyến bay số hiệu VJ 656 từ TPHCM đi Đà Nẵng ngày 23 tháng Chạp, có rất nhiều trẻ nhỏ. Ở hàng ghế cuối, anh Thành cùng hai đứa con ở tuổi mầm non ngủ mê mệt. Thức dậy từ sớm, anh và con vạ vật bế bồng rồi dắt díu nhau lên máy bay cùng đống đồ xách tay lỉnh kỉnh.
Máy bay hạ cánh ở TP. Đà Nẵng nhưng cha con anh chưa thể yên tâm. Anh Thành cho biết, quê anh không phải ở xứ này. Vợ anh đi làm tới 27 tháng Chạp, anh xin nghỉ phép trước tết, đưa con về nhà bà nội ở tỉnh Bắc Ninh để tránh cảnh quá đông đúc ngày cận tết. Nhưng vé bay thẳng ra sân bay Nội Bài ngày này quá đắt, anh bèn chọn điểm dừng là sân bay Đà Nẵng, cho con đi Hội An chơi một ngày, sau đó lên máy bay khác đi tiếp ra TP. Hà Nội để tiết kiệm tiền.
Anh chia sẻ, tiền vé của ba cha con chặng TPHCM - Đà Nẵng tổng cộng 5,4 triệu đồng (1,8 triệu đồng/người), cộng với số tiền bay tiếp chặng Đà Nẵng - Hà Nội chỉ 600.000 đồng/người, tính ra, mỗi người mất 2,4 triệu đồng tiền vé, rẻ hơn nhiều so với chi phí bay thẳng TPHCM - Hà Nội.
|
Hai đứa trẻ này đã có bốn cái tết về miền Bắc theo cách nối chuyến tại các sân bay miền Trung để tiết kiệm chi phí |
Các đại lý vé cho biết, chặng bay TPHCM - Hà Nội hiện không còn vé thường; nếu mua vé hạng thương gia, khách phải trả từ 5,4 đến hơn 6 triệu đồng/vé, chưa kể phí cho đại lý. Nếu nhanh tay mua sớm, giá cũng trên 3 triệu đồng/vé nếu giờ bay đẹp.
Từ huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Quốc Tuấn thức suốt nhiều đêm và canh được vé với mức rẻ nhất, về tới Nội Bài sau 0g, cũng mất 2,7 triệu đồng. Anh Tuấn đi một mình, nên sau đó sẽ tìm xe khách về tỉnh Hà Nam, dự tính tới nhà lúc 3-4g. Với khung giờ ngặt nghèo này, người già và trẻ nhỏ không thể đi được, nên anh cho vợ con ở lại, chỉ một mình về, tranh thủ thắp nhang, ngày 30 sẽ trở lại TP. Bà Rịa ăn tết phương Nam, chứ qua mùng Một, giá vé lại “trên trời”.
Quả thật, những người quê miền Bắc không dễ để có được tấm vé máy bay về ăn tết. Dù đã có 20 năm kinh nghiệm tranh giành vé tàu, xe, máy bay, chị Hoàng Hương và nhóm bạn quê tỉnh Nam Định, đang làm việc ở TPHCM vẫn nổ não tính toán mỗi kỳ cận tết. Từ trước hai tháng, các chị đã phải nắm chắc lịch nghỉ. Nếu không làm cơ quan nhà nước, cũng phải dự đoán ngày nghỉ rồi lên kế hoạch cùng chồng/vợ/anh/chị hoặc cho con nghỉ học (học sinh tiểu học nghỉ tết từ ngày 24, trung học cơ sở nghỉ tết từ ngày 25 tháng Chạp).
Sau đó, các chị sẽ đăng ký với đại lý vé để săn vé giá rẻ. Từ khi thực hiện các lộ trình nối chuyến vòng vèo, chi phí vé của mỗi gia đình 4 người giảm từ 3-5 triệu đồng/lượt về hoặc đi. Năm nay, nhiều chị trong nhóm chọn nối chuyến ở sân bay Vinh do một số hãng bay giá rẻ tung ra giá vé rất tốt. Một số người trong nhóm cũng chọn bay đến sân bay Thanh Hóa, sau đó bắt xe hoặc tàu về Nam Định.
Chị Xuân Nga - kế toán của chuỗi dịch vụ vé máy bay Hồng Ngọc Hà - cho biết, mỗi mùa vé tết, các đại lý bán vé trở thành các tư vấn viên tài chính, tư vấn viên du lịch. Thông thường, các tư vấn viên khuyên khách bay miền Trung hoặc Tây Nguyên. Giá vé cuối năm cũng dao động quanh mức 2 triệu đồng/người, nhưng nếu sắp xếp giỏi, chọn điểm du lịch để chuyển chuyến hồi hương thành chuyến du lịch cuối năm vẫn lợi, bởi chi phí bay ngày cận tết từ các sân bay tỉnh lẻ về Hà Nội chỉ 500.000-700.000 đồng/vé.
Vòng qua Thái Lan để về… Thái Nguyên
Một số khách muốn tiết kiệm tiền, số khác lại muốn tiết kiệm thời gian, nên việc mua vé theo nhu cầu cũng cần nhiều kỹ năng. Chị Thu Hường - một đại lý vé máy bay tại TP. Vũng Tàu - kể, chị hụt hơi khi canh nối chuyến cho khách xuống sân bay Cam Ranh rồi về Hà Nội: “Khách dự tính xuống sân bay Cam Ranh lúc 9g sáng 24 tháng Chạp, tranh thủ vào Nha Trang (cách sân bay 40km) giải quyết công việc thay vì vạ vật chờ tại cảng hàng không tới khuya. Chốt giờ đối tác xong hết, nhưng máy bay delay mấy giờ, khách đành bỏ vé bay đêm để ở lại thêm một ngày, hôm sau mua vé khác vì vé giá rẻ không thể đổi, trả. Tính ra, mất cả tiền vé lẫn tiền khách sạn”.
Từ vài năm nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành chia sẻ thông tin, người dân Thái Lan không ăn tết đầu năm âm lịch nên các đường bay ngày tết thưa vắng khách, các hãng hàng không tung vé khuyến mãi “rẻ như cho”. Nếu nối chuyến tại Thái Lan, vé đi Hà Nội vào các ngày cận tết chỉ từ khoảng 1-2 triệu đồng/2 chặng bay. Đây là chi phí trong mơ với nhiều gia đình, nên khá nhiều khách lựa chọn.
Để về tới quê ngoại ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, mẹ con chị Lê Thanh Thủy - ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã quen với cảnh vạ vật ở các sân bay, nhà ga, bến xe. Chị kể trên Facebook cá nhân khiến ai nấy lắc đầu cám cảnh: “Mẹ con tôi phải đi 6 chặng: từ Tây Ninh đi xe buýt lên bến xe An Sương, từ An Sương đi taxi lên sân bay Tân Sơn Nhất, từ Tân Sơn Nhất bay tới sân bay Đông Mường (Thái Lan), từ Đông Mường bay về Nội Bài (TP. Hà Nội), từ Hà Nội đi xe buýt trung chuyển về ga Long Biên, sau đó lên tàu về Thái Nguyên”.
Không chỉ nổ não tính toán tiền nong, việc khớp lịch, khớp các dịch vụ không thể chủ động như taxi, xe buýt hay điểm dừng ăn uống, nghỉ ngơi là không hề đơn giản do lịch bay, lịch tài xe thường không khít như dự tính, đặc biệt là các hãng bay giá rẻ như Vietjet Air hoặc Jetstar Pacific. Mỗi lần nghĩ tới cảnh tha con đi vạ vật các nhà ga, bến bãi, chị Thủy lại ớn lạnh. “Nhưng tết mà, có quê để về là mừng rồi, chứ không về thì biết đi đâu? Đi Thái cũng vui. Năm nào cũng được du lịch nửa ngày ở nước ngoài, tha hồ mua sắm hàng hóa” - chị Thủy nửa cười nửa mếu.
Minh Lê