Về quê ăn tết sợ nhất câu "bao giờ lấy chồng"

24/01/2025 - 17:44

PNO - Cha mẹ nào cũng muốn con được hạnh phúc, cũng chỉ yên tâm khi thấy con có nơi có chốn, có người để nương tựa.

Chị Hạnh Dung quý mến.

Năm nay, em 34 tuổi. Em là trưởng phòng của một công ty và so với nhiều bạn bè, em là người thành đạt vì đã có căn hộ (đang trả góp) và xe hơi. Thế nhưng, với cha mẹ và họ hàng ở quê, những thành công đó của em dường như chẳng có ý nghĩa gì.

Năm nào về quê, từ khoảng 5-6 năm nay, em cũng bị mọi người "tra tấn" với câu "Khi nào thì lấy chồng?". Cứ như đó là chuyện của cả làng, cả xã.

Mà có phải hỏi đơn giản vậy đâu, có khi còn bình phẩm: "Kén quá à? Không vội lên rồi nữa hối hận. Nhà cửa, tiền bạc không bằng đứa con đâu" rồi quay sang tò mò với mẹ em: "Hay nó có bị gì không?". Ý họ là em không bình thường về giới tính.

Nhiều bà còn xúi mẹ em: "Cứ để yên vậy là nó không chịu lấy chồng đâu. Bà phải kiếm người, phải ép nó, làm mình làm mẩy vô, chứ tụi nó mà để vậy là tới lúc cho cũng không ai thèm rước".

Vậy là mẹ em bắt đầu ngó ngược ngó xuôi rồi tìm ra một anh hơn em 4 tuổi, vợ ôm con bỏ đi, giờ sống một mình với vườn tược. Nghe đâu anh ta cũng học trung cấp kỹ thuật gì đó. Mẹ em kể, còn thòng thêm câu: "Coi nông dân vậy chớ lên đồ nhìn cũng được lắm".

Bây giờ, mẹ cứ giục em về ăn tết sớm, thử coi mắt coi sao. Em không thể chấp nhận nhưng không biết tránh kiểu nào. Không lẽ bắt chước phim, mướn một anh Grab về ra mắt cha mẹ?

Thanh Nga

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Thanh Nga thân mến!

Nỗi khó chịu và khó xử của em không phải là cá biệt, thậm chí còn rất phổ biến xưa nay. Nhưng em hãy thông cảm. Cha mẹ nào cũng muốn con được hạnh phúc, cũng chỉ yên tâm khi thấy con có nơi có chốn, có người để nương tựa, để giúp đỡ, chở che, chia sẻ cho nhau. Mà tiêu chuẩn hạnh phúc của cha mẹ luôn là con cái yên bề gia thất, cuộc sống ổn định.

Cha mẹ đã thấy em thành công, đã yên tâm về chuyện công danh sự nghiệp của em rồi, nên bây giờ tập trung vào nỗi lo còn lại cũng là bình thường. Đã coi nó là bình thường thì em cũng nên bỏ qua những lời cằn nhằn, nhắc nhở. Cha mẹ nói gì cũng cứ dạ cho qua chuyện, rồi cười, rồi ôm kiểu nũng nịu: "Thôi con ở chăm ba mẹ tới già"... là xong.

Em có điều kiện về kinh tế, chăm lo cho ba mẹ thật chu đáo cũng là cách để ba mẹ hãnh diện với hàng xóm láng giềng: Con bé giỏi giang vậy, đàn ông nào theo kịp nó đây...

Bên cạnh những cách để "qua truông" như vậy, em cũng nên chia sẻ cho ba mẹ biết những gì em nghĩ về tương lai của chính mình. Hãy cho ba mẹ hiểu rằng em sẽ không lấy chồng nếu không gặp được người ý hợp tâm đầu.

Nếu em có nhiều bạn bè đang sống hạnh phúc, hãy nói cho ba mẹ biết rằng em muốn cuộc sống phải như vậy. Nếu nhiều người ly hôn, hãy nói cho cha mẹ rõ em không muốn kết hôn đại, rồi tan vỡ, rồi hệ lụy cho người lớn, cho con trẻ...

Làm sao cho ba mẹ hiểu rằng em hoàn toàn nghiêm túc về việc kết hôn và cũng mong muốn kết hôn nhưng người phù hợp với mình còn chưa xuất hiện thì em sẽ ráng chờ đợi. Tuổi của em trong thời đại mới này chưa gọi là già, chưa gọi là hết duyên.

Riêng việc thuê mướn người theo mình về nhà thì Hạnh Dung can. Trong phim ảnh thường có cái kết có hậu cho những chuyện kiểu này nhưng đó chỉ là trên phim. Còn ở ngoài đời, em chưa biết có thể sẽ gặp những chuyện rắc rối mệt mỏi gì nếu người em thuê mướn không đàng hoàng. Nghệ thuật luôn hướng tới những điều... mơ ước thôi em!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI