|
Đường phố ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái sạch đẹp, đầy sắc cờ mỗi dịp lễ Quốc khánh 2/9 - Ảnh: Lương Việt |
Tết của sự gắn kết
Những ngày cuối tháng Tám, ông Bùi Thiên Văn - nguyên cán bộ văn hóa huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - đã í ới gọi chúng tôi: “Về Lạc Sơn đón tết Độc lập đi. Khắp các thôn xóm đang cờ hoa nhộn nhịp lắm. Ngoài Mường Vó (các xóm Vó Trên, Vó Giữa, Vó Dò của xã Nhân Nghĩa) còn rộn ràng từ ngày 19/8 ấy”.
Mường Vang (huyện Lạc Sơn) là 1 trong 4 vùng người Mường nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Người Mường Vang tự hào vì xứ mình ăn tết Độc lập đầu tiên từ ngày 2/9/1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 16 năm sau ngày Độc lập, ông Bùi Thiên Văn mới chào đời, nhưng tuổi thơ của ông gắn với những lần gia đình sum họp, quây quần bên mâm cỗ đơn sơ mừng ngày Quốc khánh.
Khi đó, ông Văn cùng đám trẻ con trong dòng họ chăm chú ngồi nghe 2 ông bác là Bùi Văn Lớn, Bùi Văn Nhi kể chuyện đánh Pháp, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ông kể: “Những năm 1966-1967, tôi 6-7 tuổi. Bấy giờ, đời sống còn khó khăn nhưng cứ từ ngày 19/8, bà con các xã Nhân Nghĩa, Miền Đồi, Quý Hòa, Mỹ Thành, Văn Nghĩa, Tuân Đạo, Tân Lập (vùng Cộng Hòa) đã hồ hởi chuẩn bị đón tết Độc lập. Năm 1945, khi Pháp rút khỏi đồn Mường Vang, vùng Cộng Hòa được giải phóng, chế độ nhà lang do Pháp dựng lên sụp đổ, người dân thoát khỏi sự cai trị của nhà lang. Với người Mường, ngày Quốc khánh có ý nghĩa vô cùng”.
Cứ khoảng cuối tháng Tám, cậu bé Văn ngày xưa và ông Văn bây giờ lại cùng bà con tất bật dọn dẹp nhà cửa, quét đường làng ngõ xóm tinh tươm, treo cờ đỏ sao vàng trên mái nhà sàn cổ của người Mường và trên khắp các nẻo đường thôn. Năm nay, nhà ông Văn cùng 3-4 gia đình nữa của xóm Bui (xã Nhân Nghĩa) chung 1 con heo để làm cỗ mừng tết Độc lập. Từ ngày 30/8 - 31/8, các nhà “đụng heo” đã í ới gọi nhau.
Sáng 1/9, gia đình nhỏ của Minh, Tuyên - con gái và con rể của ông Văn - ríu rít từ đầu con ngõ xanh rợp tre, bương. Tuần trước, Minh đã gọi điện hẹn sẽ về quê ăn tết. Minh bảo, mười mấy năm xa quê nhưng năm nào cô cũng nhớ và muốn về quê đón tết Độc lập trên đất Mường. Ngày bé, mỗi dịp này, các cô giáo trong xã, trong thôn lại dạy Minh và các bạn múa hát để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Khi đã là đoàn viên, Minh lại cùng thanh niên trong thôn hướng dẫn, tổ chức các tiết mục múa hát mừng tết Độc lập cho các em nhỏ.
Thoăn thoắt lấy lá bương gói bánh uôi cùng bà Khiêm (vợ ông Văn), Minh hồi hộp: “Kể từ chiều nay là bắt đầu có những trò chơi truyền thống của người Mường rồi. Bọn trẻ nhà em sẽ thích lắm”.
Ngoài sân giếng, ông Văn cùng con rể đang mổ gà. Ông hẹn 2 đứa cháu ngoại: “Mai làm cỗ dâng lên bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ xong, 2 đứa bảo mẹ Minh cho mặc quần áo mới để cùng ông bà đến thăm họ hàng, xóm giềng nhé”. 2 đứa trẻ đang độ tuổi mầm non, vừa huơ tàu lá bương xanh mượt, vừa líu lo: “Ngày mai có quần áo mới hả mẹ? Ngày mai là tết Độc lập hả bà?”.
|
Bà con xã Nhân Nghĩa nấu bánh uôi - món bánh đặc biệt của người Mường - mừng ngày tết Độc lập - Ảnh: M.T. |
Kỷ niệm ăn trái cây trong “vườn Bác”
Trước ngày kỷ niệm Quốc khánh 2 tuần, gia đình bác sĩ Cầm Thị Nghiệp (Trường cao đẳng Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đã ríu ran với kế hoạch về Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ - cái nôi của văn hóa Thái) ăn tết Độc lập.
Bác sĩ Nghiệp nói, tết Độc lập là cả bầu trời tuổi thơ của chị. Ký ức hơn 20 năm trước ùa về: “Tôi nhớ buổi sáng 2/9, tôi và các bạn được cha mẹ sắp cho một ít xôi, thịt sấy và áo tơi xanh, bỏ vào chiếc giỏ đeo bên sườn. Từ nhà tôi xuống thị xã khoảng 3 - 4km nhưng chúng tôi vừa đi vừa chơi nên cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Chúng tôi dừng chân ở khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp nhang cho Bác rồi ra “vườn Bác” nhặt, hái trái cây. Ăn xong, chúng tôi đến bảo tàng xem trưng bày các hiện vật, chứng tích lịch sử rồi đến chợ thị xã và ăn quà. Trên đường, chúng tôi trải những tấm áo tơi xanh dưới những tán cổ thụ, bày cơm nếp, thịt sấy, cùng nhau ăn”.
Đó cũng là câu chuyện mà bác sĩ Nghiệp thường kể với 2 cậu con trai trên quãng đường từ TP Yên Bái về thị xã Nghĩa Lộ mỗi dịp về quê ngoại ăn tết Độc lập. Bác sĩ Cầm Thị Nghiệp tâm sự: “Tôi sinh năm 1990. Từ ngày còn nhỏ, thế hệ chúng tôi đã sống với tết Độc lập, nên mỗi mùa thu, ký ức về ngày này lại khiến tôi thấy xốn xang, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cả những bài học lịch sử thời phổ thông. Càng lớn, tôi càng thấm thía tên gọi “tết Độc lập”. Trước nay, người Thái ở Mường Lò đã gọi ngày Quốc khánh là “tết Độc lập” như để nhắc nhở con cháu về những giá trị của độc lập, tự do, hòa bình”.
Càng cận tết Độc lập, thung lũng Mường Lò càng náo nức. Những cô gái Thái bận áo cóm, khăn piêu; những cô gái Mường với vòng thổ cẩm nơi cạp váy; những cô gái H’mông áo váy sặc sỡ như gom lại tất cả sắc màu rực rỡ của núi rừng mang về thị xã để mừng tết Độc lập. Trong ngày thu nắng vàng như mật, Nghĩa Lộ đón gia đình bác sĩ Nghiệp về ăn tết Độc lập bằng không khí tươi vui đó.
Lúc ngang qua di tích Căng và đồn Nghĩa Lộ, Minh Châu - con trai lớn của chị Nghiệp, năm nay học lớp Sáu - giới thiệu với em trai Thanh Lâm: “Ngày xưa, những nhà yêu nước bị Pháp giam giữ ở đây. Đài tưởng niệm trên đồi kia là để tưởng nhớ các cụ đã hy sinh vì độc lập, hòa bình”. Lâm kéo áo mẹ hỏi: “Bao giờ mới được ăn tết Độc lập hả mẹ?”.
4 tuổi, Thanh Lâm chưa hiểu được những điều anh Châu nói, nhưng khi được lớn lên cùng những lần về quê ăn tết Độc lập như hôm nay, 2 chữ “độc lập” thiêng liêng sẽ lớn dần trong cháu.
Tết Độc lập là cái tết lớn trong cộng đồng Thổ, H’mông, Tà Ôi, Vân Kiều... Tết Độc lập cũng là sự kiện văn hóa rất lớn ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Than Uyên (tỉnh Lai Châu), bước đầu đã trở thành một trong những điểm nhấn du lịch của địa phương. Huyện ủy huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã đề xuất tỉnh ủy xem xét việc đưa phong tục ăn tết Độc lập của huyện vào chương trình bảo tồn các phong tục độc đáo của tỉnh. |
Ngọc Minh Tâm