Về quê ăn tết

04/02/2019 - 12:00

PNO - Nắm tay con, tôi thì thầm: “Năm sau, mình lại về quê ăn tết. Nhưng tụi mình sẽ ăn tết cùng với nội”. Chỉ cần nghe có vậy, con bé cười toe.

“Hôm nay ở lớp, cô giáo hỏi tụi con tết thường làm gì. Con nói nhà mình năm nào cũng đi du lịch. Có mấy bạn kể tết về quê, nhiều trò vui lắm. Sao mình chưa lần nào ăn tết ở quê hả mẹ?”. Câu chuyện bâng quơ của cô con gái nhỏ khiến cho chiều 25 tháng Chạp, hai mẹ con tôi chễm chệ trên chuyến xe khách về quê. 

Dù hè nào tôi cũng cho con về chơi với ông bà, nhưng chưa lần nào bé háo hức đến mức liên tục hỏi tôi: “Sắp đến chưa mẹ?”. Sự háo hức của con dường như cũng lan sang tôi. Tôi thấy lòng mình nao nao đến lạ. Đó chính xác là cảm giác của những người lâu lắm rồi mới được về thăm quê.

Ve que an tet

Sáng 26, xe vào bến. Không khí rộn ràng bởi kẻ đón người đưa tấp nập. Ai cũng mang theo một nét gì đó rất khác ngày thường trên khuôn mặt. Tôi gọi một chiếc taxi để đưa hai mẹ con về nhà. Ngồi trong xe, tôi cảm nhận rõ, cái se sắt của những ngày giáp tết lẫn trong tia nắng sớm đang rọi thẳng trên da mặt mình qua ô cửa mở. Bé con thì cứ ngóng mắt ra cửa, nhổm lên nhổm xuống không yên. Từ xa, tôi đã thấy loáng thoáng dáng ba đi lại trước sân, mắt hướng về phía con đường, dáng hình quen thuộc mà tôi vẫn hay gặp trong những lần về thăm nhà. Xe vừa đỗ xịch trước nhà, chưa kịp mở cửa, tôi đã nghe giọng má hồ hởi: “Chu cha, nghe năm nay bây ăn tết ngoài này mà cả đêm ba bây không ngủ yên. Mới 4g sáng ổng đã lục đục dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho tụi con. Coi chừng năm nay nhà mình ăn tết lớn à nghen”.

Tôi sẽ không hình dung được niềm vui của má nếu như không nhìn thấy nét mặt đang bừng sáng tựa ánh dương buổi sớm. Lấy chồng xa xứ và bận rộn với công việc, nhưng tôi tự thấy mình không phải kiểu con cái bỏ quên mẹ cha. Mỗi năm, tôi đều tranh thủ sắp xếp công việc để về thăm ba má ít nhất hai lần. Thế nhưng, suốt 6 năm kể từ ngày lấy chồng, chưa lần nào tôi về với ba má vào dịp tết.

Sau những câu chuyện rôm rả trong bữa cơm sáng, cả nhà đi chợ tết. Tiếng cười giòn tan của hai ông cháu đưa tôi về với ký ức tuổi thơ. Ngày đó, cứ tết đến, ba dẫn chị em tôi đi chợ. Hàng hóa được bày bán la liệt cả quãng đường dài dẫn đến chợ quê. Cô gái nhỏ là tôi ngày ấy cứ thầm mong ba mình quên mua một món đồ nào đó để chúng tôi có cơ hội quay lại chợ, để được ngắm nhìn thỏa thích. Giờ siêu thị mọc đầy nên tết nay cũng khác tết xưa ít nhiều. “Mẹ ơi, nhanh lên” - âm thanh trong trẻo của cô con gái kéo tôi về thực tại.

Ve que an tet
Ảnh minh hoạ

Sáng 29, má gọi tôi dậy sớm gói bánh. Tối hôm trước, tôi có đề nghị má mua cho tiện vì gói cực lắm, cứ bày biện rồi dọn dẹp cũng mất hết cả ngày. Luôn ngắn gọn, nhưng những câu nói của má khiến tôi cảm thấy thấm thía: “Đi ra chợ mua bánh tét về thì còn gì là tết hả con? Tự gói, tự nấu mới thấy hương vị tết đúng nghĩa. Con không về, má vẫn nấu. Nay con về, má vui nên nấu nhiều hơn. Chắc chắn bánh tét năm nay sẽ ngon hơn”. Khi đó, tôi đã thấy cay cay nơi khóe mắt. Lật tấm mền bông, tôi nhẹ nhàng bước ra khỏi giường để tránh làm bé con thức giấc. 

Vậy mà chưa kịp đứng lên, cô bé đã bật dậy kéo áo tôi như thể sợ bị bỏ quên. Bình thường, cô nàng ngủ nướng đến 7g, gọi mãi không chịu dậy. Vậy mà nồi bánh tét của ngoại có sức mạnh ghê gớm. Bốn con người ngồi quây quần giữa thềm nhà, bà ngoại làm thợ chính, ông ngoại thợ phụ, còn tôi và bé con làm phụ tá cho thợ phụ. Lau lá, buộc dây, xếp bánh, tôi thấy mình trở nên lóng ngóng chẳng khác gì bé con 6 tuổi ngồi bên cạnh. Thúng nếp vơi đi làm cho chồng bánh cao dần lên sau những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”. Tết là đây sao? Một nỗi xúc động mơ hồ dâng lên trong lòng tôi.
Cùng con ngồi canh nồi bánh trong đêm 29 tết là khoảng thời gian mẹ con tôi trò chuyện riêng tư kể từ hôm về quê. Đang lúi húi cầm que củi cời bớt than ra để có không gian cho củi cháy, tôi nghe bé thỏ thẻ: “Mẹ, năm sau mình về quê nữa nha. Tết ở đây vui hơn”. “Con không thích đi du lịch à?”. “Con thích nhưng đừng đi vào ngày tết” - con bé trả lời, không mảy may suy nghĩ.

Tôi cời đám tro than, để lộ ra củ khoai lang to bằng cổ tay con. Củ khoai cháy đen, bốc khói nghi ngút. Đợi khoai bớt nóng, tôi phủi bớt lớp tro rồi vừa thổi vừa lột, để màu lòng đỏ trứng gà lộ ra cùng làn hơi mỏng. Bên ánh lửa bập bùng, con đón nhận củ khoai, thận trọng cắn từng miếng nhỏ, miệng liên tục xuýt xoa. Giây phút đó, tôi cảm nhận được, bánh pizza, mì Ý, món Nhật, món Hàn đối với con không là gì so với mẩu khoai dân dã này. Lắng nghe âm thanh sùng sục phát ra từ nồi bánh, mắt nhìn những que củi cháy lách tách rồi tan thành từng đám khói mỏng nhẹ nhàng bay lên, tôi nghĩ nếu không có những lợn cợn riêng nơi gia đình nhỏ bé của mình, có lẽ không gian này sẽ khiến lòng người bình yên lắm. 

Thật ra, trước khi về ngoại, giữa chúng tôi dù chưa nổ ra chiến tranh nhưng có chút không vui, vì tôi hủy kế hoạch đi du lịch Hàn Quốc mà vợ chồng đã ấp ủ, chuẩn bị từ rất lâu. Chỉ có tết, chúng tôi mới có kỳ nghỉ đủ dài cho những chuyến du lịch xa. Chưa kể, để khỏi mệt mỏi tranh cãi chuyện tết nội hay tết ngoại, chúng tôi quyết định ở lại Sài Gòn. Bàn bạc, nhất trí rồi, vậy mà vì con, tôi bỏ ngang mà chẳng buồn quan tâm đến cảm nhận của anh. Giận tôi, chồng viện cớ bận việc nên không về cùng.

Ve que an tet
Ảnh minh hoạ

Lấy điện thoại ra để nhắn tin cho chồng, tôi muốn nói với anh cảm giác của mình lúc này, muốn nói với anh lời xin lỗi vì chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình, muốn nói nếu có anh ở đây thì tết này sẽ trọn vẹn lắm… nhưng chưa kịp gởi thì điện thoại có tin nhắn đến: “Anh đang trên xe về quê. Sáng mai gặp nhau rồi. Anh xin lỗi vì hơi vô tâm. Lần đầu ăn tết quê vợ, chắc sẽ có nhiều điều thú vị lắm”. 

Tôi thấy lòng ấm hẳn. “Lần đầu và sẽ còn những lần sau” - tôi nghĩ. Du lịch, sẽ có nhiều thời điểm trong năm để đi, nhưng tết đoàn viên thì chỉ có dịp này để cho con những trải nghiệm tuyệt vời của tuổi thơ bên người thân, cho tôi được sống lại những ký ức tươi đẹp đã từng của ngày thơ bé, cho ba má có thêm những cái tết hạnh phúc bên con cháu những ngày cuối đời. Và cho chúng tôi bên nhau, để cùng nhìn lại một dặm dài truyền thống cha ông bên mâm cơm ngày tết, để nhìn sâu thẳm tâm hồn nhau, mà thấu suốt, mà sẻ chia, mà nâng đỡ nhau qua những chông gai trên những bước đường phía trước. Bởi cuộc sống là một vòng tuần hoàn, mà ở đó, khó khăn chưa bao giờ thôi thử thách con người.

Nắm tay con, tôi thì thầm: “Năm sau, mình lại về quê ăn tết. Nhưng tụi mình sẽ ăn tết cùng với nội”. Chỉ cần nghe có vậy, con bé cười toe.

Ngoài sân, nụ mai bắt đầu chuyển mình bung những cánh đầu tiên.

 Hồ Điệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI