Không phải động Phong Nha, động Thiên Đường, sông Chày Hang Tối hay suối nước Moọc, mà thật kỳ lạ, chính những cái cây trăm năm mới khiến lòng tôi bùi ngùi lưu luyến khi đến Quảng Bình.
|
Như tranh vẽ. |
Chỉ ba ngày ghé thăm, đủ để khách phương xa ngỡ ngàng với cảnh sắc của vùng đất thường xuyên phải trở thành rốn lũ miền Trung, của gió lào nắng cháy này.
|
Gốc đa cổ thụ ở chùa Hoằng Phúc. |
Đi tìm cây đa, cây khế
Anh Quý - một người bạn ở Quảng Bình - khuyên chúng tôi nên về thăm chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy). Ngôi chùa cổ nhất tỉnh Quảng Bình này không nằm trong danh sách những điểm đến phổ biến của các tour du lịch, cũng ngoài dự định của chúng tôi. Vậy nhưng, khi đi qua những con đường liên xã tìm đến ngôi chùa vốn được khai sinh từ hơn 700 năm trước, tôi mới thấy sẽ thật thiếu sót khi du khách khám phá Quảng Bình mà bỏ qua ngôi chùa này.
|
Chùa Hoằng Phúc với tuổi đời hơn 700 năm. |
Hoằng Phúc cổ tự mới được phục dựng từ năm 2014 nhưng vẫn còn đó cổng chùa với dấu tích của cây đa hàng trăm năm tuổi. Nơi này từng in dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 1301 (khi đó chùa có tên gọi là am Tri Kiến). Đến năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ghé thăm đặt lại tên cho chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng cho đúc đại hồng chung và đổi thành Hoằng Phúc Tự và cái tên ấy vẫn được dùng cho đến ngày nay. Khởi xuất từ một am nhỏ, qua từng triều đại, Hoằng Phúc cổ tự đã trở thành biểu tượng kỳ vọng cho sự ấm no, hạnh phúc của người dân nơi này. Năm 2016, chùa Hoằng Phúc được trao bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cây đa cổ thụ ôm trọn cổng chùa, như bao bọc, như gìn giữ trọn vẹn những giá trị văn hóa của ngôi chùa có tuổi đời hơn 700 năm. Tôi dành phần lớn thời gian quẩn quanh ở gốc đa ấy chỉ để ngắm nhìn. Chiếc cổng nguyên thủy hiện được nhà chùa cho rào lại bảo vệ. Hàng rào gỗ nổi bật có thể khiến du khách thấy hụt hẫng, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để bảo vệ dấu tích cuối cùng của ngôi chùa xưa.
|
Chiều yên bình trên sông Kiến Giang. |
Hình ảnh tôi mang về từ Quảng Bình có đủ đầy từ động Phong Nha, động Thiên Đường, suối nước Moọc… nhưng cảm xúc đọng lại nhiều nhất chính là những cây đa, cây khế hàng trăm năm tuổi.
Buổi trưa lộng gió hôm ấy, trong khu vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện Lệ Thủy, chúng tôi ngồi lặng dưới tán cây khế 120 tuổi. Bồi hồi. Hoa khế phơn phớt hồng dưới nắng mai như trao tặng cho những-đứa-trẻ-sống-lâu-năm chút dư âm ngọt ngào của tuổi thơ quê, như gợi nhớ về những năm tháng xưa của vị đại tướng nước Việt mà cả thế giới phải ngả mũ nghiêng mình.
Ngôi nhà cũ của đại tướng bây giờ mỗi ngày đón hàng trăm lượt người đến thắp nhang, tưởng nhớ. Cây khế trăm tuổi trong vườn nhà đại tướng mỗi ngày cũng được ngần ấy người đến ngắm nhìn.
Trong khu vườn - hiện do vợ chồng bác Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông - trông nom, còn có cả giàn gấc, mướp, cây mít sau nhà… Nơi ấy từng có nhà nhiếp ảnh ngồi hàng giờ để chụp cho được hình ảnh chú bướm vàng đậu trên chùm hoa trắng. Khu vườn mỗi ngày gió lùa xôn xao…
|
Một góc thành phố Đồng Hới. |
Vấn vương cát trắng
Nhà thơ Hồ Minh Tâm - người Quảng Bình - đưa chúng tôi đến những bãi cát trắng trải dài quãng đường hàng cây số từ ngã ba Cam Liên (huyện Lệ Thủy). Anh cho biết, đã chụp không biết bao nhiêu ảnh đẹp từ những đồi cát trắng này. Lúc bình minh, khi hoàng hôn, thậm chí là sau những ngày mưa.
“Cây in bóng nước, cát lưng chừng trời, con đường cứ đẹp ngào ngạt đến nỗi chạy một chút lại phải dừng xe chụp ảnh” - anh Tâm nói. Cụm từ nói về cái đẹp độc đáo của anh khiến chúng tôi nhớ mãi. Cát trắng mịn, cỏ lơ thơ bên đồi. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ sức dẫn dụ mắt nhìn.
Quảng Bình nổi tiếng với những hang động huyền bí, lại có biển, suối, đồi cát và cả những rừng thông, những cây cầu, dòng sông để ngắm hoàng hôn lộng lẫy… Tất cả những điều đó đủ khiến khách phương xa bất ngờ và mê đắm. Tôi vẫn nhớ mãi buổi chiều ngồi co ro bên suối Moọc ngắm mưa rừng, cơn mưa hiếm hoi giữa những ngày nắng cháy. Nhìn dòng suối xanh biếc, mát lạnh dưới những tán cây nghiêng, tôi chợt hiểu vì sao nơi này lại thu hút đông đảo du khách dừng chân đến thế.
|
Tượng đài Mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ. |
Tôi có vỏn vẹn ba ngày để khám phá miền đất có chiều rộng nhỏ nhất từ Đông sang Tây so với các tỉnh, thành trong cả nước này: chỉ 50km (tính từ biên giới Lào sang biển Đông). Vậy mà mỗi ngày, tôi lại bị thu hút bởi những điểm đến, món ăn và đặc biệt là những cung đường đẹp.
Bạn tôi liên tục chụp những khúc quanh đường Trường Sơn, rừng lá xanh biếc, núi đồi chập chùng. Thi thoảng, có những “cây thông cô đơn” hiện ra giữa trời - không khác gì Đà Lạt. Đẹp đến mức kẻ đi Đà Lạt đã mấy mươi lần như tôi vẫn cầm lòng không đặng, “đòi” xe dừng lại, len lỏi vào rừng thông để kịp lưu lại những bức ảnh kỷ niệm. Quảng Bình những ngày ấy nắng chói, vậy nhưng tôi lại thấy lòng mình mát xanh như dòng nước bên cầu Nhật Lệ…
Ăn ở Quảng Bình
Buổi tối đầu tiên, chúng tôi ngạc nhiên vô cùng khi được cho ăn món cháo canh. Đó là món bánh canh theo cách gọi miền Nam, ăn với ram (hay còn gọi là nem rán, chả giò). Cháo canh có thể được nấu với hàu, tôm hoặc cá. Sợi mì dai hoặc mềm. Ngoài ra, còn có món xôi trắng ăn nóng với thịt heo xào lăn, bánh xèo, đẹn biển...
Buổi thứ hai, chúng tôi bất ngờ với món… ổi rừng được bán trong lối vào động Thiên Đường với giá 30.000 đồng/kg. Ổi ngon, giòn, thơm, ngọt lịm. Bạn nên mua ngay khi vào, đừng đợi đến lúc ra thường sẽ hết.
Một trong những món ăn ấn tượng ở Quảng Bình là cơm cá lóc kho và canh chua cá lóc mà tôi được ăn ở nhà hàng Quê Hương (thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, trên đường đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Nhà hàng chế biến các món ăn có hương vị riêng, rất đậm đà. Đây cũng là điểm đến được người sành ăn Quảng Bình giới thiệu.
Bạn cũng có thể thỏa cơn ghiền ăn vặt ở Geminai - Hotel and Café (57 Nguyễn Du, thành phố Đồng Hới). Thực đơn quán phong phú với các món điểm tâm, món chay, thức uống. Đặc biệt, nơi đây còn có các món ngon quen thuộc nhưng lại dễ “gây nghiện” như: thạch dừa, chè bưởi, cơm rượu trái cây, nước mận, nước sấu nhà làm. Quán xinh, còn có thể là địa điểm check-in lý tưởng.
Diệp Nguyễn