24 giờ “săn” rạn san hô lộ thiên
Cái nắng của mùa hè miền Trung bỏng rát hơn nhiều so với tôi tưởng tượng. Bước vào cây số thứ 1.150 trên hành trình xuyên Việt, tôi và cô bạn thân đến xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để gặp anh Bảy - một chàng trai đất Bắc đã an cư nơi đây năm năm, thân thuộc với mảnh đất này như quê nhà.
Trước đó vài ngày, tôi đã chia sẻ trên mạng xã hội bức “tâm thư” về khao khát khám phá dọc Việt Nam, rồi ngỏ lời xin ở nhờ nhà người dân địa phương ở những nơi trên hành trình dự kiến để có cảm nhận sinh động và trọn vẹn hơn về những góc nhỏ trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này.
Anh Bảy - một chàng trai yêu du lịch - đã không ngần ngại tiếp đón những vị khách lạ như chúng tôi với lời hứa sẽ cho chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt diệu của Gành Yến. Cách trung tâm TP. Quảng Ngãi khoảng 35km về hướng bắc, Gành Yến là thắng cảnh nằm bên làng chài thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Không chỉ mang nét đẹp hoang sơ của vùng biển miền Trung Việt Nam, Gành Yến còn khiến biết bao người phải trầm trồ bởi rạn san hô trên cạn kỳ vĩ chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống.
|
Đón nắng bên những phiến đá cổ triệu năm |
Thấy vẻ phấn khởi lạ thường của tôi và cô bạn thân khi ngồi trên chòi chờ thủy triều xuống để tận mắt ngắm rạn san hô đẹp như tranh vẽ ngay trên cạn, mấy cô chú trong làng đang ngồi nướng cá, nhắm rượu thư thả dưới gốc cây cũng bật cười. Vài người bật mí rằng khung cảnh này xuất hiện 2 - 3 lần mỗi tháng khi thủy triều rút, rơi vào các ngày đầu và giữa tháng, nhưng chỉ có thể chiêm ngưỡng trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Bảy âm lịch.
Nhiều nhà khoa học đến khảo sát địa chất địa phương nhận định nơi đây từng là núi lửa cổ có từ một triệu đến năm triệu năm trước, với hai lần phun trào tạo nên những cột bazan khổng lồ, rồi những cột bazan bé lại xếp chồng lên chúng, tạo thành Gành Yến có cấu trúc độc đáo như hiện tại.
Núi lửa cổ ngủ say bỗng nở hoa là cảm nhận đầu tiên của tôi khi tận mắt nhìn thủy triều rút, từng rạn san hô rực rỡ hiển hiện trước mắt như món quà xứng đáng dành cho những kẻ biết kiên trì chờ đợi. Bốn giờ chiều, bọt sóng ngừng liếm bờ cát, trôi ra xa và để lộ ra tuyệt tác thiên nhiên cất giấu trong làn nước đại dương.
Tôi từng được mặc áo phao, đeo ống thở để chiêm ngưỡng san hô ở Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Phú Quý… nhưng chỉ kịp thoáng qua trong tích tắc rồi vùng vẫy ngoi lên thở gấp vì sợ nước và độ sâu của biển. Ấy vậy mà ngay trước mắt tôi lúc này, cả biển san hô như ngàn đóa hoa đua nhau khoe sắc; những con sao biển xanh lam, cam nhạt, tím biếc hay đỏ sậm… làm tôi có cảm giác như đi lạc vào chốn thần tiên.
Giữa những ngày hè xanh trong vời vợi, bên tiếng rì rào của biển, tôi đứng lặng ngắm những “bông bắp cải” đa sắc nở rộ trước mặt, như đang xem một buổi triển lãm nghệ thuật ngoài trời.
Lý Sơn đâu phải là tất cả ở “hòn ngọc thô” Quảng Ngãi
|
San hô là loài sinh vật nhạy cảm |
Bữa tối với đặc sản ram bắp khiến một ngày chạy xe 170km đến Quảng Ngãi trở nên thật trọn vẹn. Anh Bảy dù còn trẻ nhưng đã ngang dọc bốn phương, mê những cung đường và cảnh sắc Việt Nam đến độ kể đến địa danh nào anh cũng biết. Anh rành địa lý vùng miền lại rất sành ăn. Tôi đã được bạn bè dẫn đi ăn ram bắp ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đà Nẵng, Hội An nhưng chưa có ai vừa cuốn vừa mô tả điệu nghệ như anh - một người xứ khác vì yêu mà đến và ở lại chốn này.
Anh Bảy tự hào kể bánh tráng Quảng Ngãi là đặc sản, tinh hoa ẩm thực xứ Quảng, được làm thủ công từ những làng nghề truyền thống rất lâu đời. Bánh tráng gói ram được chia làm bốn miếng nhỏ, bao lấy bắp non được xước và giã rồi nêm gia vị cho vừa miệng, chiên vàng ươm trong những chảo dầu nóng. Với đĩa ram bắp làm trung tâm, bàn ăn của chúng tôi còn có nhiều món ngon địa phương như: bò cuốn lá lốt, ram thịt nướng... cuốn kèm với các loại rau xanh mướt.
“Lý Sơn đâu phải là tất cả ở “hòn ngọc thô” Quảng Ngãi”, anh Bảy đã nói thế khi kể với chúng tôi về danh lam thắng cảnh ở Quảng Ngãi. Nơi đây được mẹ thiên nhiên ưu ái đủ tài nguyên nhưng vẫn ẩn hiện trong màn sương tĩnh lặng, chờ ngày nắng chiếu rọi và lộ ra rực rỡ sống động.
Chia tay anh Bảy, chúng tôi tiếp tục khám phá những điểm đến tuyệt đẹp của Quảng Ngãi còn đang “ẩn” trong tấm bản đồ du lịch.
Chạy xe đến Tịnh Khê, thấy một bác gái đang ngồi lợp lá dừa khô thành những tấm to bản, tôi lại gần hỏi đường và mừng quýnh vì đã đến được rừng dừa nước Tịnh Khê. Rừng dừa này nằm ở đầu dòng sông Kinh Giang, thuộc xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố khoảng 16km và cách bờ biển Mỹ Khê chừng vài trăm mét. Tồn tại từ hàng trăm năm trước, nơi đây được ví là "lá phổi xanh" của thành phố, mang cả nét đẹp hào hùng thời chiến và vẻ tĩnh lặng của thời bình.
Rừng dừa nước Tịnh Khê chưa từng được đưa vào khai thác du lịch nên bà con quanh đây sống với nghề lợp lá dừa mưu sinh qua ngày.
|
Những tấm lá lợp được bán với giá 35.000 đồng |
Tranh thủ lúc chờ bác trai chuẩn bị ghe đưa chúng tôi dạo quanh rừng dừa nước, bác gái kể chúng tôi nghe chuyện bác đã “dành cả thanh xuân” để vặt lá dừa, lợp lá khô thành những tấm to bản, bán lại cho các nhà hàng, quán nước… với giá 35.000 đồng/tấm.
Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, từ việc trồng, chăm dừa nước, lội ngụp dưới nước mỗi ngày, chèo ghe đi hái lá, phơi khô rồi lợp lá. Người trẻ ở đây không ai làm công việc này mà chỉ những người đứng tuổi nhắc nhau giữ nghề, giữ lấy rừng dừa.
Nhiều năm tháng qua đi, rừng dừa đẹp tựa bức tranh thanh bình, nên thơ này giờ là nơi trú ngụ của đàn cò vào dịp đông tới, là nơi sinh sống của những loài thủy sinh… Tịnh Khê đón chúng tôi vào một buổi trưa yên ả, mát dịu như cách người dân nơi đây tiếp đón khách phương xa.
Tôi cứ tiếc nuối mãi vì không có được một bức ảnh từ trên cao để bạn có thể chiêm ngưỡng và trầm trồ trước vẻ đẹp hiền hòa của chốn này.
Bài và ảnh: Thùy Trang