Về nơi nguồn cội

29/05/2024 - 19:58

PNO - Chúng ta đang sống trong thời đại giao thoa giữa các nền văn hóa; trong đó, nhiều sắc màu cùng kết hợp, đan xen để tạo ra một diện mạo mới.

Lẽ tất nhiên, xu thế thời đại là phải thế, phải chấp nhận. Vấn đề là làm sao để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt? Câu hỏi có tầm vóc chiến lược lâu nay đã được trả lời qua nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật.

Xâu chuỗi lại các tín hiệu tích cực, tôi luôn suy ngẫm về yếu tố nếp nhà. Mạo muội nghĩ, một khi chúng ta còn ý thức về cội nguồn của gia đình, dòng tộc thì những trang viết chân thực đó ắt sẽ có tác động đến nhận thức chung. Vì lẽ đó, trong rừng sách hiện nay, tôi thích tìm đọc những cuốn mà tác giả kể lại sự thăng trầm của một dòng tộc đã đi qua chiều dài lịch sử.

Về nơi nguồn cội (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 2024) của đạo diễn, nhà văn Đới Xuân Việt là một trong nhiều trường hợp.

Sở dĩ câu chuyện của gia đình, dòng tộc ông hiện nay được bạn đọc quan tâm vì tác giả đã biết đặt trong bối cảnh chung của lịch sử, chứ không tách rời riêng biệt. Chẳng hạn, ông ngoại của nhà văn Đới Xuân Việt vốn là Tổng đốc Thanh Hóa. Dấu ấn làm quan của ông được địa chí tỉnh ghi nhận là đã đầu tư tiền của để làm hệ thống dẫn thủy nhập điền cho người dân trong làng. Một chi tiết rất đáng để thế hệ chúng ta suy nghĩ về tư cách của người làm quan thuở trước.

Hẳn nhiều người còn ấn tượng với vai trò người mẹ của tác giả. Dù con nhà quan, nhưng vì chồng, vì con đã lèo lái, cưu mang gia đình vượt qua giai đoạn của thời chiến tranh, thời bao cấp. Ngay cả tác giả cũng ngạc nhiên: “Chẳng hiểu mẹ tôi lấy đâu ra nguồn sức mạnh để vượt qua khó khăn chồng chất năm này qua năm khác?”. Chỉ có thể khái quát, không cá biệt, đó chính là tấm lòng của hàng triệu bà mẹ Việt Nam từ bao đời nay nhẫn nại vì chồng con, chu toàn việc nhà việc nước.

Do mối quan hệ trong dòng tộc của ông, người đọc còn biết thêm nhiều chi tiết thú vị của những nhân vật nổi tiếng như anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc - người vinh dự được Bác Hồ khen ngợi với câu nói đã đi vào lịch sử: “Bác chúc cho không quân có thêm nhiều Cốc nữa”.

Hoặc khi nhắc đến ca sĩ Hồng Nhung, lập tức người yêu nhạc nhớ đến ca khúc Thuở Bống là người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cái tên Bống ấy, gắn liền với thời điểm cả gia đình ông sống ở khu tập thể trường Chu Văn An gần Hồ Tây, mỗi ngày cả nhà “cải thiện” đời sống bằng cách câu cá bống. Nhiều chi tiết đời thường khiến tập sách sinh động và dễ đọc.

Có lẽ, còn phải nhắc đến nhiều chi tiết của một thời mà trẻ con hiện nay “thiệt thòi” khi không thể cảm nhận được như hái ổi sẻ, câu cá, mùa gặt… Khi đọc, chúng lập tức gợi lại trong tôi những trang văn nhẹ nhàng, vời vợi như của Thạch Lam. Những sinh hoạt của người Việt thuở ấy dội lại trong ta bao cảm giác thân thương êm đềm.

Khi làm người dẫn chuyện cho Về nơi nguồn cội tại Đường sách TPHCM, có ý kiến hỏi vì sao nhà văn Đới Xuân Việt có thể nhớ rành mạch đời sống của thành viên thuộc tộc mình, không sót một ai. Chỉ có thể trả lời, chính là từ sự gắn kết trong nếp nhà, nơi lòng yêu thương, gắn bó đã giúp họ vượt qua mọi thăng trầm, để rồi biết sống và cống hiến cho cộng đồng.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI