Bà cháu cùng đến trường
5g sáng, khi mọi người còn say giấc, anh Tạ Hoàng Bảo (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã phải lục đục dậy, chuẩn bị cùng các con đi đến Trường tiểu học 2, xã Viên An Đông, cách nhà hơn 5km, bằng đường thủy. Anh Bảo cho biết, học sinh phải học 2 buổi, nhưng do không đảm bảo về cơ sở vật chất nên các trường không tổ chức dạy bán trú.
“Những khi nhà có việc thì tôi chạy đưa mấy đứa nhỏ đến lớp, xong chạy về nhà rồi đợi tới giờ ra rước về. Khi rảnh rỗi thì tôi ở luôn các quán gần trường để đợi chiều con tan học rước về luôn cho đỡ tốn tiền xăng. Mỗi ngày đi học cùng con, tiền ăn của 2 cha con và tiền xăng chạy máy cũng tốn hơn 100.000 đồng. Nếu tính luôn ngày công thì lỗ nặng” - anh Bảo than.
|
Học ở vùng sông nước vừa tốn thời gian và tiền bạc nên một số học sinh không theo nổi đến lớp lớn |
Bà Nguyễn Thị Đẹp (ấp Xóm Mới, xã Viên An Đông) có thâm niên hơn 12 năm đưa cháu đi học. Hiện tại, đứa cháu lớn của bà đã học lớp Mười hai. Còn lại 4 cháu nhỏ, hằng ngày bà Đẹp phải thức từ 5g sáng để chuẩn bị đưa cháu đến Trường tiểu học 2 Viên An (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Nhà xa trường, vợ chồng bà phải dành phần lớn thời gian trong ngày để đưa rước cháu đi học. Mấy đứa con bà đã đi làm ăn xa ở Bình Dương, gửi cháu lại cho ông bà chăm sóc.
“Đưa cháu đi học xong là tôi tranh thủ về nhà vót đũa bán. Mỗi ngày đi học với cháu, tôi cũng mang đũa theo bán cho các phụ huynh khác. Nhà ít đất, không đủ chia cho các con, nói chi đến đời cháu” - bà Đẹp nói.
Cùng cảnh ngộ với bà Đẹp, bà Võ Thị Thu (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết: do khu vực nhà bà không có đường bê tông nên phải đưa con đi học bằng vỏ lãi. Nước lớn thì đỡ cực hơn khi nước ròng sát đáy kênh. Mỗi khi nước ròng là phải lội xuống sình, đẩy vỏ lãi đi cho kịp giờ học của mấy đứa nhỏ. Đưa con đi học về mà người dính đầy sình đất như đi lội vuông.
Do đặc thù địa hình sông ngòi chằng chịt nên chuyện học của các em nơi này lắm gian truân. Hầu như trường học nào ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cũng có học sinh đi học bằng phương tiện thủy. Những gia đình nào không ở dọc các tuyến sông lớn có đò đưa rước thì phải tự tìm cách đưa con đi. Gia đình nào có con còn nhỏ (mẫu giáo hoặc lớp Một, lớp Hai) mà cha mẹ bận đi làm thì ông bà phải đảm đương nhiệm vụ đưa rước, chăm sóc các con hằng ngày.
Cực mấy cũng ráng bám trường để biết chữ
Trường tiểu học 2 (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) có 350 học sinh, nhưng có tới khoảng 70% học sinh đi học bằng đường thủy.
Dù phải đối diện với cảnh “gà trống nuôi con”, hằng ngày, anh Huỳnh Văn Đen (ấp Cái Xép, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vẫn phải “bấm bụng” bỏ ra 1/3 số tiền mình kiếm được để cho 2 đứa con vượt quãng sông gần 5km đến trường, với mong muốn học để biết chữ, để thoát khỏi cảnh nghèo đeo bám. Anh Đen tâm sự: anh phải ráng “gồng” lắm mới nuôi được 2 con ăn học, nhưng cũng chưa biết gồng nổi tới chừng nào.
|
Một phụ huynh ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau phải lội sình, đẩy vỏ lãi bị mắc cạn để con đến được trường đúng giờ |
“Mẹ tụi nhỏ bỏ đi khi đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Nhà không có đất nên hằng ngày tôi đi làm phụ hồ, được khoảng 300.000 đồng. Tiền đò ngốn đến 50.000 đồng, tiền ăn của 2 đứa cũng lên đến hơn 50.000 đồng/2 buổi. Tụi nó thương cha lắm, nên buổi trưa ở lại quán gần trường cũng không dám ăn gì. Có hôm thì 2 đứa 2 gói mì, 2 ly nước; có hôm thì 1 dĩa cơm 2 đứa ăn chung rồi mượn võng của quán nằm ngủ, đợi tới chiều học tiếp, tới khoảng 3g chiều mới xuống đò ra về” - anh Đen kể. Nhà thuộc diện hộ nghèo, mẹ và dì anh bị khuyết tật, chỉ ở quanh quẩn trong nhà. “Giờ ráng làm nuôi tụi nó học, nhưng không biết nuôi được tới đâu nữa” - anh Đen tâm sự.
Tại tỉnh Cà Mau, những khu vực học sinh phải đi học bằng phương tiện thủy tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân và Ngọc Hiển.
Cô Phạm Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường tiểu học 2 Viên An (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) - cho biết: trường có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ, với 25 lớp, 530 học sinh; trong đó, có đến 240 học sinh phải đi học bằng phương tiện thủy. Quãng đường học sinh đi xa nhất lên đến 17km. Có nhà ở sâu trong các vuông nuôi tôm nên phải tốn đến 60.000 đồng tiền đò cho 1 ngày đi học, chưa nói đến chuyện ăn uống. “Nhiều hộ dân không có đất sản xuất nên sống bằng nghề mò cua bắt ốc ven sông, ven rừng phòng hộ. Một số em chỉ học hết cấp tiểu học rồi ở nhà đi bắt ốc mò sò cùng gia đình. Trường và ngành chức năng cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các em tiền đò, áo phao để các em tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, một số gia đình thuộc diện khó khăn, không có lao động chính nên việc đưa rước các em còn gặp khó, một số em cũng chỉ học cho biết chữ rồi nghỉ ở nhà” - cô Phạm Thị Quyên trăn trở.
Theo cô Đàm Thu Hà - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học 1 Tân Ân Tây - trường có 321 học sinh thì đã có đến 100 học sinh phải đến trường bằng ghe xuồng. Các em đi bằng đường thủy sẽ khó khăn hơn nhiều so với đi đường bộ, do phải phụ thuộc con nước lớn - ròng. Các em ở nhà xa trong ấp có khi phải vượt quãng đường theo kênh rạch lên đến 14km.
Ông Lê Xuân Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - cho biết: toàn huyện có 27 trường ở các bậc học mầm non, tiểu học và THCS, với 1.624 học sinh đi học bằng phương tiện thủy. Nhiều người vì nhà xa, hoàn cảnh khó khăn, phải chọn ở lại đợi rước các em về cho đỡ tốn tiền xăng. Tuy nhiên, họ phải tốn chi phí ăn uống và tốn nhiều thời gian đợi chờ.
“Mong rằng thời gian tới, có nhiều chính sách hỗ trợ tiền đò cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, mong Nhà nước quan tâm xây dựng các tuyến đường ở vùng sâu vùng xa, để các em đến trường thuận lợi hơn, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học do điều kiện đi lại khó khăn” - ông Lê Xuân Hùng bày tỏ.
Khánh Phương