Về nhà sợ nhất... vợ không nói gì

02/06/2022 - 10:37

PNO - "Ra đường sợ nhất công nông. Về nhà sợ nhất vợ không nói gì".

 

Vợ hoặc chồng hạ nhiệt khi cãi nhau khác với giận hờn, giữ im lặng kéo dài vô cớ (Ảnh minh họa)
Vợ hoặc chồng "hạ nhiệt" khi cãi nhau khác với giận hờn, giữ im lặng kéo dài vô cớ (Ảnh minh họa)

Vừa qua,  trong phiên góp ý vào dự luật về bạo lực gia đình, Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) trích dẫn câu nói “Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Theo đại biểu, việc về nhà mà vợ hay chồng không nói gì, chỉ nín thinh, lầm lì thì cũng có thể được xem là một hình thức bạo lực gia đình . Hành vi này uy hiếp tinh thần tuy âm ỉ nhưng rất nguy hiểm, thậm chí về lâu dài, hệ quả của nó còn gây tổn thương sâu sắc cho những người thân trong gia đình.

Xung quanh chia sẻ này, có khá nhiều ý kiến đồng tình. Tài khoản Hoàng Trung Anh viết : “Các thanh niên chưa vợ không biết đấy thôi, bác đại biểu nói hơi bị chuẩn và đầy kinh nghiệm đấy. Cái không khí im lặng khi về đến nhà mà vợ tạo ra nó không hề yên ả đâu, đó là cả một bầu trời đầy giông bão, đầy áp lực mà một người đàn ông khó có thể chịu đựng và đứng vững được trong thời gian dài”.

“Thì đúng mà, đi làm xong về nhà không ai nói gì lướt qua lại như hai cái bóng, có cũng như không ,không giao tiếp, không lắng nghe, không gì hết thì sẽ rất stress. Đi làm ít ra còn được giao tiếp, vui hơn ở nhà với bạn đời”, tài khoản Kimmi Pham chia sẻ thêm.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Những người phản đối cho rằng, khi một người nói thì người còn lại phải im lặng để lắng nghe, gia đình không thể khi nào cũng ồn ào, có cả hai người cùng nói. Nhiều người khác còn trích dẫn những kinh nghiệm dân gian trong vấn đề giữ lửa hôn nhân như  “im lặng là vàng”, hay “cơm sôi nhỏ lửa”.

 

Thật ra, việc giữ im lặng, “hạ nhiệt” khi gia đình đang có cự cãi, mâu thuẫn để tránh căng thẳng leo thang là việc làm cần thiết. Và, nội dung này không hề  liên quan gì đến bản chất, nội dung của vấn đề mà ĐBQH đưa ra ở trên.

Vấn đề mà đại biểu đề cập chính là người vợ, người chồng trong gia đình không nên khởi xướng, duy trì sự im lặng, giận hờn vô cớ và kéo dài. Bởi vì cách cư xử này không mang lại điều gì hay ho, trái lại còn gây ức chế, căng thẳng cho tinh thần của đối phương.

Tôi có một người bạn học chung thời đại học rất xinh đẹp tên là Thúy. Sau nhiều năm gặp lại, tôi và những người bạn khác vô cùng bất ngờ vì sự xuống sắc nhanh chóng của Thúy. Không những tóc, da xơ xác, nét mặt cô ấy luôn có điều gì đó rất  thấp thỏm, băn khoăn.

Mọi người thắc mắc nguyên nhân. Thúy có công việc tốt thu nhập cao, gia đình êm ấm. Tuấn chồng cô lúc nào cũng chỉnh chu, chừng mực, mọi chuyện từ trong ra ngoài anh ít khi đưa ra ý kiến. Tuấn hầu như để vợ làm chủ gia đình.

Tuy nhiên, sau khi nghe bạn tâm sự, chúng tôi mới biết những gì nhìn thấy chỉ là vẻ bề nổi bên ngoài. Thấy vậy mà không phải vậy, sự im lặng, ít nói của Tuấn không mang lại cho vợ sự thoải mái, tự do.

Trong gia đình, Thúy luôn phải đoán ý chồng để cư xử, hành động sao cho phù hợp, vừa lòng Tuấn. Tuấn không nói ra, nhưng ánh mắt của anh, nét mặt của anh chính là câu trả lời, là thái độ. Tình cảm vợ chồng vì thế ngày càng nặng nề, khoảng cách và gượng ép. Mỗi ngày của Thúy đều là một ngày lo lắng, hoang mang.

Sự im lặng vô minh sẽ gây những tổn thương sâu sắc cho người bạn đời ( Ảnh minh họa)
Sự im lặng vô minh sẽ gây những tổn thương sâu sắc cho người bạn đời ( Ảnh minh họa)

Ở mô hình gia đình Việt Nam thường thấy, những người con, người cháu có tính cách “phổi bò”, hay nóng nảy, có bức xúc gì lập tức bi bô phát tiết ra ngoài sẽ thường xuyên bị ông bà, cha mẹ chê cười, lên án.

Họ bảo những người đó là có lớn mà không có khôn, đã đủ tuổi lập gia đình rồi còn không biết cách tu tâm, dưỡng tính. Chuyện "bé tí" cũng chiến tranh, cãi vã. Những trường hợp còn lại như gia đình nào quanh năm im ắng, ôn hòa, không hé môi răng lạnh thì lại được ủng hộ, tôn vinh. Ít người thật sự quan tâm đến tình cảm, sự sẻ chia chồng vợ hay những sợi dây gắn kết, sự im lặng cực đoan đang tồn tại, hiện hữu ở các gia đình.

Họ đâu biết rằng, đã là chiến tranh thì dù nóng hay lạnh đều sẽ gây sát thương. Nếu chiến tranh nóng gây ồn ào, đỏ mặt tía tai, bốc hỏa ra bên ngoài thì chiến tranh lạnh, sự im lặng vô minh sẽ gây ra những thương tổn sâu sắc, thầm kín từ bên trong. Và đôi khi, chỉ cần nó kéo dài, chỉ cần diễn ra không đúng thời điểm, chỉ cần giọt nước tràn ly thì sự im lặng đó cũng có đủ sức mạnh, thình lình phá sập cả một tòa nhà vốn mất rất nhiều công sức gầy dựng.

Riêng tôi, cứ ngày nào thấy chồng đi làm về mà không nói không rằng, im ỉm nhưng cái chân đá cửa là tôi biết anh có vấn đề bức xúc ở cơ quan, trên đường đi hoặc ngay ngã đường đèn đỏ. Tôi nhẹ nhàng bưng cho anh ly nước mát, rồi từ từ gợi chuyện.

Trong khi chồng vì tật hư, vì cái tôi to đùng nên lầm lì mà vợ cũng giữ cục nư của mình để im lặng thì không khí gia đình sẽ mệt lắm, hoang mang lắm… Biết bệnh mà không chữa thì tổ ấm có ngày... toang.

Minh Thi

                                                                                        

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI