Thoát khỏi địa ngục COVID-19
Những ngày “COVID - mùa thứ hai”, mở Facebook, nhìn bé gái xinh xắn chạy nhảy trên con đập ở ngoại thành Huế dưới mặt trời tự do tháng Bảy, chúng tôi lại cay mũi nhớ những phút theo dõi hành trình trở về từ “địa ngục COVID” của bé.
Cô bé trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nắm tay cha mẹ bước xuống sân bay Nội Bài hồi tháng 2/2020. Đó là chuyến phi cơ “bay vào tâm bão” của Chính phủ giải cứu 30 du học sinh Vũ Hán và người thân trong những ngày thành phố này là tâm điểm bệnh dịch của thế giới.
|
Cô bé trong bộ đồ bảo hộ kín mít, an toàn cùng cha mẹ bước xuống sân bay Nội Bài hồi tháng 2/2020 |
Mẹ của bé vẫn còn xúc động khi nhắc lại hành trình hồi hương đầy căng thẳng. Nếu không có chuyến bay đầy tình thương và trách nhiệm ấy, không biết gia đình chị sẽ ra sao, liệu có náu mãi trong bốn bức tường ký túc xá của du học sinh mà thoát được SARS-CoV-2 hay không. Khi sát vách họ là Bệnh viện Hỏa Thần Sơn - bệnh viện tử thần của Hồ Bắc, nơi có rất nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế thiệt mạng vì COVID-19.
Người mẹ nhớ lại, khổ tâm nhất không phải là người trong tâm dịch, mà là ông bà nội ngoại ở quê nhà. Đêm đêm, những người già tức thở khi đọc tin về các ca bệnh, về việc thiếu giường bệnh, thiếu cả nhà xác cho các bệnh nhân đã tử vong…
Và rồi, chuyến bay giải cứu của Chính phủ đã đưa đoàn 30 người về Việt Nam an toàn. Hình ảnh cô bé nhỏ xíu nắm tay cha mẹ bước xuống cầu thang có thể lướt đi giữa dòng thời sự. Nhưng với người trong cuộc, thì đó là hành trình sinh tử, suốt đời không thể quên.
“Sống rồi anh em ơi”
Chiều 29/7, một đoàn hành khách đặc biệt trên chuyến bay số hiệu VN06 của Vietnam Airlines cũng đặt chân tới Nội Bài. 219 người khách ấy là công nhân thuộc ba doanh nghiệp Việt Nam đang làm thuê cho một nhà thầu Anh quốc ở Cộng hòa Guinea Xích đạo.
Trong lúc tình hình bệnh dịch kiểm soát và số ca nhiễm tăng cao ở Guinea Xích đạo, các công nhân vẫn phải ra công trường làm việc. Giữa trùng trùng mối lo bặt tin người thân, nỗi lo phải chết trên đất khách, họ đã nghĩ ra những cách liên lạc, phát thông tin cầu cứu về nhà. Và tiếng kêu cứu của họ đã được hồi đáp bằng chuyến bay đón công dân của Chính phủ.
Có lẽ đây là chuyến bay có ý nghĩa đặc biệt chỉ sau chuyến bay đón du học sinh Vũ Hán hồi tháng Hai, với số lượng bệnh nhân dương tính nhiều nhất (129 người), khối lượng vật tư y tế nhiều nhất. Ngành hàng không và y tế tập trung nghiên cứu các phương án tối ưu để tổ chức một chuyến bay “không thể sai sót”. 150 nhân viên đã xung phong tham gia chuyến bay vào tâm dịch và những người giỏi nhất, dày dạn kinh nghiệm nhất đã được chọn.
Có lẽ đây cũng là “chuyến bay COVID” chưa từng có ở bất cứ nơi nào trên thế giới với “khoang dương tính” khổng lồ, cùng một số ca bệnh đang sốt, tiêu chảy… Tiếp viên trưởng Phạm Xuân Trường kể rằng, tại sân bay Bata của nước bạn, các hành khách chờ sẵn, mặc đồ bảo hộ được phát, mắt luôn hướng về chiếc máy bay màu xanh, hết đứng rồi ngồi chờ đợi giờ phút được ra máy bay.
|
VN06 là một chuyến bay đặc biệt của hàng không Việt Nam, lãnh sứ mạng đón công dân nhiễm COVID-19 từ vùng dịch về nước |
Nam tiếp viên Trương Anh Tú chia sẻ, ánh mắt hành khách đằng sau các tấm chắn bảo hộ thể hiện đủ các cung bậc cảm xúc. “Trong suốt chuyến bay, khách đeo khẩu trang nên không giao tiếp gì nhiều, nhưng qua nét mặt, ánh mắt thấy mọi người rạng rỡ trong niềm vui được về quê nhà, chúng tôi quên hết mệt mỏi để phục vụ sao cho tốt nhất” - anh Tú kể lại.
Khi máy bay tiếp đất, những tiếng reo mừng vang lên: “Sống rồi anh em ơi!”, “Quay sang nhìn đồng nghiệp nước mắt cũng lưng tròng vì cảm động. Về nhà rồi!” - anh Nguyễn Hữu Trung một trong hai nam tiếp viên phụ trách khoang dương tính trên chuyến bay đặc biệt kể về giờ phút trở về từ cõi chết của đoàn người trên trang Facebook cá nhân.
|
Các công nhân từ Guinea Xích đạo trở về Việt Nam ngày 29/7/2020 |
Về nhà rồi!
“Về nhà rồi”- ba chữ ngắn gọn ấy, nhiều người đã may mắn được reo lên sau các chuyến bay giải cứu công dân của Nhà nước. Từ gia đình cô bé 5 tuổi ở Huế thoát khỏi Vũ Hán, cho tới mấy vạn du học sinh, Việt kiều, công nhân lao động xuất khẩu đã được rời khỏi những không gian đặc quánh nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 ở Singapore, Úc, Cuba, Mỹ, Canada, Bờ Biển Ngà, Ukraina… Rồi các chuyến xe xuyên biên giới đường bộ từ Campuchia, Lào… về khu cách ly các cửa khẩu.
“Về nhà rồi” - là nỗi phấn khích của ba cha con anh Nguyễn Trung sáng qua khi đăng hình check-in một điểm cách ly tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương. Họ - những người dân Sài Gòn bình thường, đã gầy rộc đi sau khi kẹt lại nước Mỹ nhiều tháng, trong khi chuyến du lịch dự định chỉ đôi tuần.
“Ơn trời” - chị Cù Huyền ở Đồng Nai thốt lên trên trang cá nhân khi chuyến bay từ Anh quốc của con gái hạ cánh Vân Đồn. “Mừng rớt nước mắt” - là tiếng cảm thán của cô người mẫu Minh Tú sau bốn tháng phải bất đắc dĩ trải nghiệm thiên đường du lịch Bali tại Indonesia…
|
Đoàn công nhân từ Guinea Xích đạo đã về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương an toàn. Ảnh: Thông tin Chính phủ. |
Về nhà, có nghĩa sẽ được theo dõi, chăm sóc, chữa trị. Nhà - trong khái niệm rộng nhất - là Tổ quốc, cũng đang oằn mình với làn sóng thứ hai của COVID-19. Việc đón những đứa con trở về trong chuyến bay đặc biệt tiếp tục thách thức năng lực và sức chống chịu của cả hệ thống chống dịch.
Hình ảnh những chiếc áo xanh kín mít bước xuống Nội Bài ngày hạ cánh, hay những chiếc lưng của phi hành đoàn ngày khởi hành - chính là hình ảnh đúng nghĩa nhất của một sự lên đường bi tráng, và một cuộc trở về thiêng liêng.
Vẫn còn nhiều người con nước Việt đang đợi ngày về. Tình hình dịch bệnh trong nước đang làm giãn kế hoạch đón công dân. Nhưng, trong những ngày thế giới bị chia cắt chưa từng thấy này, ít nhất, sự chia cắt đó, cái thử thách khốc liệt đó đã chỉ ra khao khát trở về của từng đứa con mê mải tha hương, lẫn cái thiên chức vẫn khiến quê hương nỗ lực dang tay đón đợi, giữa trùng trùng trắc trở.
Hoàng Hương