Diễn biến phim theo nhu cầu khán giả
Nếu như phim truyền hình Hàn Quốc, Ấn Độ đã áp dụng thu tiếng trực tiếp từ cách đây mấy mươi năm thì phim truyền hình Việt chỉ mới áp dụng trong vài năm trở lại đây và đa phần là với các phim do VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam).
Nguyên nhân là do thu tiếng trực tiếp đòi hỏi đầu tư khá nhiều kinh phí, cũng như thay đổi cách làm phim từ trước đến nay. Zippo, mù tạt và em (2016) là phim truyền hình đầu tiên mà VFC áp dụng hình thức này.
|
Zippo, mù tạt và em - phim truyền hình đầu tiên của VFC áp dụng hình thức thu tiếng trực tiếp |
Nếu một tập phim truyền hình lồng tiếng có kinh phí dao động khoảng 180 triệu VND thì kinh phí sản xuất một tập phim thu tiếng trực tiếp rơi vào khoảng 400-500 triệu VND. Kèm theo đó, trong suốt quá trình ghi hình, ê-kíp làm phim phải thực sự tập trung, diễn viên phải thuộc thoại thay vì được nhắc thoại như trước đến nay.
Diễn viên Lan Phương, người từng đóng cả phim truyền hình ở miền Nam và miền Bắc chia sẻ, cô rất thích hình thức thu tiếng trực tiếp này vì “biểu cảm trên gương mặt và giọng nói của diễn viên được ghi lại chân thật, mang đến cảm xúc cho người xem mà việc lồng tiếng lại thì khó lòng diễn tả được”.
Nói về độ khó khi phải thuộc thoại, Lan Phương khẳng định đó là sự chuyên nghiệp của diễn viên, đòi hỏi tập trung cao độ vì “thuộc thoại mới nắm bắt được tâm lý nhân vật”. Diễn viên Quỳnh Nga, thủ vai Nhã trong Về nhà đi con, cũng đồng quan điểm với Lan Phương. Cô khẳng định việc thuộc thoại không hề làm khó diễn viên dù có những phân cảnh, thoại rất dài.
Một trong những nguyên nhân khiến các phim của VFC thời gian gần đây như: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Về nhà đi con… thu hút được khán giả, ngoài nội dung gần gũi, đề tài chân thực, mang không khí gia đình thì ở khâu kịch bản còn có sự liên kết mật thiết với người xem. Tức là, trên cái nền câu chuyện, nội dung sẵn có, sau khi quay và lên sóng khoảng mười mấy tập phim, ê-kíp sẽ áp dụng hình thức thăm dò phản ứng của khán giả.
|
Về nhà đi con - bộ phim gây sốt trên sóng VTV3 suốt 3 tháng qua |
Một nhóm khoảng 4 - 5 người tập trung làm nhiệm vụ này, sau đó tổng hợp tất cả rồi chuyển cho nhóm biên kịch. Dựa vào phản ứng này, cũng như độ nhạy với tình hình “thời sự”, nhóm biên kịch sẽ tạo nên kịch bản đáp ứng độ hài lòng của người xem. Điều này hoàn toàn khác với cách làm phim truyền hình trước đây: có kịch bản hoàn chỉnh, quay rồi phát sóng.
Biên kịch Khánh Hà (biên kịch chính phim Quỳnh Búp bê, và là một trong nhóm 4 biên kịch của Về nhà đi con) chia sẻ: “Trước đây, một kịch bản truyền hình thường có 2 người phụ trách nhưng hiện tại, theo cách làm này là 4 người. Ưu điểm của cách làm này là bám sát diễn biến phản ứng của khán giả, tạo ra sự tương tác nhất định giữa người xem và người làm phim. Mặt khác, biên kịch sẽ tránh được tình trạng bế tắc, không nghĩ được gì vì trong 4 người sẽ luôn có một người nghĩ ra cái gì đấy hay ho, rồi cùng thảo luận. Cách làm việc này còn đảm bảo tính khách quan cho kịch bản, nhất là với một kịch bản dài hơi”.
|
Khán giả bàn luận, bày tỏ tình cảm với phim Về nhà đi con |
Tuy nhiên, để đảm bảo tính logic cho kịch bản, theo biên kịch Khánh Hà, nhóm biên kịch phải hết sức cẩn trọng. “Kịch bản ở những tập phim sau phải cẩn trọng, bám sát theo nội dung đã được định hướng ban đầu”. Thông thường, kịch bản chưa quay sẽ trải qua hai lần điều chỉnh. Một là từ phía diễn viên khi ra hiện trường. Hai là hình thức quay cuốn chiếu như vừa đề cập.
“Các biên kịch cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau, bàn bạc thật kỹ trên cái sườn câu chuyện sẵn có. Các khâu như phân cảnh, câu thoại đinh trong mỗi tập phim, nhóm phải thống nhất với nhau. Sau khi hoàn thành, biên kịch chính sẽ đọc lại và chốt một lần nữa để giữ mạch phim” - Khánh Hà nhấn mạnh.
Đổi mới từ phương thức tiếp cận
Không chỉ đổi mới về nội dung và cách thực hiện theo xu hướng làm phim truyền hình ở các nước tiến bộ, các nhà làm phim Việt còn rất chú ý đến hình thức quảng bá phim, tạo sự thu hút với khán giả.
Khác với trước đây, nhà đài giữ bản quyền phim, nếu muốn xem lại, khán giả chỉ còn cách chờ phát lại thì hiện tại, sau khi vừa phát sóng trên VTV, tập phim đã nhanh chóng xuất hiện trên kênh YouTube.
Những trích đoạn gay cấn, những hình ảnh, câu thoại ấn tượng trong phim được sử dụng trên khắp mạng xã hội như fanpage phim ảnh, Facebook cá nhân diễn viên… tạo thành làn sóng viral (độ phủ) rộng khắp. Người người, nhà nhà bàn tán sôi nổi về phim, cùng ăn cùng ngủ với nhân vật. Mỗi clip này thu hút hơn chục ngàn lượt thích sau vài giờ chia sẻ.
Clip preview tập 81, Về nhà đi con, Thư dùng 3 tỷ để cứu Vũ:
Sự thay đổi này đã mang đến nguồn lợi không nhỏ, cụ thể là quảng cáo, cho chính nhà sản xuất. Theo thống kê từ VFC, trong hơn ba tháng lên sóng (21g thứ 2 - thứ 6 hàng tuần trên VTV1), Về nhà đi con (85 tập) luôn nằm trong top 1, top 2 những chương trình yêu thích nhất của VTV.
Chỉ số rating trung bình của phim chỉ đứng sau Người phán xử (14,28% ở Hà Nội), phát sóng 30 phút/tập nhưng có 8 phút quảng cáo, giá từ 37,5 triệu- 60 triệu đồng/ 10s và 75 triệu - 140 triệu đồng/30s…
|
Người phán xử hiện đang giữ kỷ lục về số lượng người xem |
Cùng thời điểm, Mê cung (21g30 thứ 4 và 5 trên VTV3) tuy hiệu ứng xã hội không quá sôi nổi nhưng vẫn đạt mốc rating tới 13%, và quảng cáo là 90 triệu đồng/10s, 180 triệu đồng/30s. Kém hơn Về nhà đi con về độ “hot”, Nàng dâu order (21g30 thứ 2, 3 trên VTV3) cũng duy trì mức quảng cáo 75 triệu đồng/10s và 150 triệu đồng/30s.
Một hình thức quảng cáo khác là để cho sản phẩm xuất hiện trong phim, dù không tiết lộ chi phí cụ thể nhưng rõ ràng, cách làm thông minh và mới mẻ từ hai hình thức quảng cáo này đã tạo thêm kinh phí để nhà sản xuất chăm chút cho chất lượng phim. Vì vậy, việc phim thu hút khán giả cũng là điều vô cùng dễ hiểu.
Đại Ngọc