Bộ phim Về nhà đi con của đạo diễn Danh Dũng, phát trên kênh VTV1, đã đi đến tập 31 trong tổng số 82 tập dự kiến. Phim không có quá nhiều bi kịch, xung đột cao trào, chỉ có những lát cắt xoay quanh đời sống gia đình hết sức nhẹ nhàng, nhưng lại khiến khán giả cay mắt, dõi theo.
Nhân vật nào cũng được yêu thích
Hiếm có bộ phim nào mà cả vai chính lẫn phụ đều được khán giả yêu mến như Về nhà đi con. Ấn tượng mạnh ngay từ tập đầu là nhân vật Ánh Dương (vai diễn của Bảo Hân) - một cô gái cá tính, lúc nào cũng sẵn sàng “xù lông nhím”, cãi lại bố. Từ Dương, quá khứ của nhân vật bố Sơn (NSƯT Trung Anh) dần mở ra. Bi kịch gia đình bắt đầu từ tư tưởng trọng nam khinh nữ của ông.
|
Chuyện “bố Sơn” và các con đang gây sốt màn ảnh nhỏ |
Ánh Dương là kiểu nhân vật lạ, hiếm khi được khai thác trên màn ảnh. Bảo Hân thể hiện rất tốt vai này. Hai người chị: Huệ (Thu Quỳnh) và Anh Thư (Bảo Thanh) thì mỗi người một tính cách, một câu chuyện, dẫn dắt khán giả theo cách riêng. Nội dung phim Về nhà đi con, đến giờ, cũng chỉ xoay quanh 4 bố con, nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ, nhờ cách khai thác chuyện gia đình gần gũi, có thể chạm cảm xúc nhiều người. Các diễn viên nhập vai tốt. Niềm vui, nỗi buồn, nước mắt hay nụ cười của các nhân vật trên phim đều chân thật. Rất nhiều phân cảnh, NSƯT Trung Anh lẫn Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân khiến khán giả rưng rưng. Cả những vai thuộc tuyến phản diện, “khó ưa” như Liễu (Thủy Tiên), Khải (Trọng Hùng), Anh Vũ (Dũng)… cũng đều ghi điểm.
Cái hay của kịch bản là khai thác các nhân vật ở đủ độ tuổi, hấp dẫn được nhiều đối tượng khán giả. Ánh Dương ở độ tuổi nổi loạn. Thư bắt đầu rắc rối chuyện yêu đương. Huệ có đủ vấn đề trong hôn nhân. Ngoài những chuyện gia đình, phim đôi lúc hài hước nhờ cách cài cắm tình huống, nhân vật gây cười khá có duyên. Như cô Xuyến (Hoàng Yến) hàng xóm hay “dụ dỗ mồi chài” ông Sơn hết sức lộ liễu, mà dễ thương.
Mạch phim hiện đang phát triển chủ yếu dành cho nhân vật Anh Thư, song song với số phận của Huệ. Tình tiết hợp lý và gây thú vị, hồi hộp, vì phim vừa quay vừa phát sóng, kết thúc thế nào các diễn viên cũng… chưa biết; khán giả tha hồ bình luận, suy đoán…
"Về nhà đi con, có bố đây rồi!"
Xuất sắc nhất phim hẳn là NSƯT Trung Anh. Ông diễn mà cứ như không. Từng khoảnh khắc của bố Sơn trong phim đều làm đầy cảm xúc người xem. Một ông bố có lúc khắt khe, đánh mắng con, nhưng yêu con vô bờ. Mỗi lần đánh đứa con gái ngang ngạnh, ương bướng, ông lại lầm lũi vào bếp nấu cháo, chờ con về. Cái dáng ngồi lặng lẽ, cô đơn trong đêm của “bố Sơn” cứ làm cay mắt khán giả. Ông sống bằng sự giày vò bản thân, cho rằng, vì sự vô tâm của mình mà vợ mất. Vì mong mỏi một đứa con trai, ông vô tình làm tổn thương con gái nhỏ. Vì ông chỉ là người “lái xe rồi làm nghề sửa chữa lặt vặt” mà khi các con có chuyện, ông không quen biết ai để nhờ giúp đỡ. Nỗi lòng của người bố được chọn lọc, thể hiện qua những tình huống rất đắt. NSƯT Trung Anh hợp vai đến nỗi, chỉ cần nhìn ông, đã thấy trọn vẹn một “bố Sơn” chân thực, như ngoài đời.
|
“Bố Sơn” và con gái Anh Thư trong một phân cảnh lấy nước mắt khán giả
|
Phần thoại trong phim cũng là điểm cộng. Như cách bố an ủi các con, không lên gân không sáo rỗng, nghe như lời chia sẻ, dỗ dành từ đáy lòng của người làm cha mẹ. Như phân đoạn an ủi con gái Anh Thư (trong tập 20), ông Sơn nói: “Trong cuộc sống, gặp những điều phiền muộn, gặp những khó khăn trở ngại, cũng là chuyện bình thường thôi. Ngày xưa, khi còn sống với mẹ con, có những lúc khó khăn, khổ cực kinh khủng, con biết mẹ con thường nói gì với bố không? Mẹ nói, con đường dễ là con đường xuống dốc. Khi nào thấy khó khăn, thậm chí là thấy đang kiệt sức, cũng có nghĩa là ta đang đi đến con đường tốt đẹp đấy con ạ”. Tin rằng khán giả, dù trong độ tuổi, vai trò nào, cũng ít nhiều ngấm, ngẫm, thấu được các thông điệp từ những lời thoại tự nhiên, ý nghĩa này. Phim đã thoát khỏi ám ảnh của kiểu thoại “thô, sáo, chát, chán” trong nhiều phim truyền hình Việt.
“Về nhà đi con, có bố đây rồi!”. Chỉ bằng câu nói này, nhân vật bố Sơn đủ khiến người xem rơi nước mắt. Mỗi khi các con có chuyện buồn, làm sai điều gì, bố ân cần, bao bọc, dạy bảo nhẹ nhàng, không một lời trách mắng. Về nhà đi con - tựa phim - trở thành câu nói gây xúc động nhất trong nhiều phân cảnh của bố con nhà Huệ - Thư - Dương. Giá trị gia đình gói gọn trong câu nói này, để bất kỳ ai xem cũng cảm nhận có hình ảnh mình, gia đình mình trong ấy; cả những lỗi lầm và yêu thương, để biết trở về…
Phim Việt chỉ cần thế thôi. Nhẹ nhàng, gần gũi, chân thực, lắng đọng. Đâu cần phải nhờ đến kịch bản Việt hóa, dựa vào những thành công của phim truyền hình nước ngoài mới hấp dẫn khán giả.
Lục Diệp