Nơi ấy cất giữ câu nói ân cần của mẹ: “Ăn gì không mẹ nấu?”, nơi ấy cất giữ cuộc gọi cuối ngày của cha: “Về ăn cơm đi con”... Để bất cứ lúc nào, khi trái tim ngân lên, chúng ta lại tất tả quay về. Về nhà ăn bữa cơm có cha có mẹ, để cùng nhau tạo thành một gia đình.
1. Hai mươi mốt tuổi, lần đầu biết yêu và nếm mùi phụ bạc, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Nằm đâu cũng thấy cô đơn ập đến bủa vây mình. Tôi giam mình trong phòng, cắt đứt mọi liên hệ, những tưởng thế gian này đóng sập cửa với mình. Đến lúc chịu không nổi nữa, tôi bấm dãy số quen thuộc và òa khóc: “Mẹ ơi…”.
Chỉ cần thế thôi mà tung cửa, mua vé xe, ngồi mấy trăm cây số để về với mẹ, ngồi ăn bữa cơm quê, hít hà mùi ớt trong nồi cá kho keo, vị nhân nhẫn của bông so đũa. Chợt thấy, thôi buồn làm gì, đời còn dành cho mình quá nhiều ân huệ.
|
Ảnh: internet |
Những khi đi làm rồi thất bại, nản lòng... mỗi một đoạn trong đời khó nhọc, việc tôi hay làm nhất là bỏ hết mọi thứ chạy về nhà ăn cơm. Khoảng cách 200 cây số ngày đi học, giờ chỉ còn chừng 18 cây số mà thôi. Về ăn bữa cơm mẹ nấu, ba hí hửng vừa phụ vừa “chỉ đạo”. Tôi luôn có cảm giác chỉ cần về nhà sẽ luôn có cơm canh của mẹ chờ mình.
Thi thoảng ngồi trong nhà, tôi lặng lẽ nhìn ba lui cui nhen than nướng thịt, thấy lưng ba không còn thẳng như xưa. Lâu lâu ngồi bâng quơ nhặt rau phụ mẹ, tôi nhìn thật lâu vào đôi tay mẹ lấm tấm đồi mồi, ở đó dấu thời gian trôi qua. Chẳng mấy chốc người xa người, chẳng mấy chốc những bữa cơm sẽ vắng ai đó. Thu xếp thật nhiều buổi để về nhà ăn cơm thôi, tôi nhủ lòng.
2. Là người nổi tiếng nhưng điều chị chia sẻ trên trang cá nhân để lại cho bạn bè nhiều cảm xúc nhất chính là những chiều cuối tuần chạy về Bến Tre để cả nhà được ngồi với nhau ăn bánh xèo nhân thịt vịt của mẹ, được mẹ kho cho nồi cá bống dừa thơm nức. Là hàng hiên trước nhà, bếp núc đơn sơ nấu bằng củi với hình ảnh cha mẹ và cả nhà hì hục ăn uống, rạng rỡ nói cười. Với chị, dù có xa quê bao nhiêu năm, dù thị thành có thể đã cho chị nhiều thứ, thì căn bếp nhỏ rặt nhà quê của mẹ vẫn là nơi chị mong muốn được về nhiều nhất.
|
Ảnh minh họa |
Đôi khi giữa Sài Gòn gọi một món ngon, lòng lại thầm so sánh, sao chẳng như mẹ làm, rồi bật cười bởi sự ngô nghê của mình. Có lẽ nhà hàng nấu để bán, còn cơm nhà được đong đầy bởi tình yêu thương của mẹ, được nấu bởi sự cân bằng cho phù hợp sở thích của cả nhà.
Chị bảo, chỉ có mẹ mới có thể ngồi làm từng con tép bạc thật sạch. Chỉ có mẹ mới tỉ mẩn lóc thịt vịt ra làm nhân bánh “để tụi nhỏ ăn có xương thấy khó chịu”. Chỉ có mẹ mới đi tới đi lui trong chợ, lựa được món tươi ngon, biết chị ăn gì, biết cháu ngoại không thích gì để mà chuẩn bị.
Mấy trăm lần đi về trên chặng đường Sài Gòn - Bến Tre quen thuộc, là ngần ấy lần chị biết, chỉ cần mở nhẹ cánh cổng nhỏ, trong kia, cơm nước tươm tất đang chờ, có sẵn nước chanh pha chua nhẹ cho hai đứa cháu, vài trái dừa, vài trái ổi sẻ mới hái ngoài vườn. Và đôi khi mẹ đã gói ghém sẵn nhiều thứ chuẩn bị cho chị mang về thành phố vào cuối ngày.
Chị hay đùa “đã gần ngồi sui được rồi mà vẫn cứ thích chạy về nhà vòi cơm của mẹ, thích ăn đồ ăn mẹ nấu sẵn gửi lên...”. Chị hiểu dù đi đó đi đây, dù có thành công rực rỡ thì mãi mãi trong lòng chị, cơm nhà mẹ nấu vẫn là hương vị yêu chiều cảm xúc của chị nhất. Vì ở đó, đâu chỉ có sẵn cơm, mà còn có sẵn những yêu thương gọi tên gia đình.
3. Tôi ngồi với Khoa - giám đốc một phòng giao dịch của ngân hàng ACB, nói với nhau những chuyện ngoài chủ đề tài chính hằng ngày. Chúng tôi nói về những đứa con, về gia đình mình và về những bữa cơm. Vợ Khoa cũng công tác trong ngành ngân hàng và thường về muộn. Điều ngạc nhiên là Khoa, dẫu công việc của vợ chồng anh đều bận rộn, nhưng cuối ngày vẫn luôn dành sự quan tâm cho bữa cơm gia đình.
Tôi hỏi Khoa: “Như thế có vất vả không, đã mệt mỏi lại phải nấu nướng, dọn dẹp?”. Khoa bảo phải cố duy trì những bữa cơm để được ngồi với nhau. Đừng quá câu nệ chuyện ăn uống như thế nào, chỉ cần mỗi người một tay, cùng nhau.
|
Ảnh minh họa |
Khoa kể chuyện nhà anh mỗi tối khi về nhà, bé lớn lăng xăng nhặt rau hoặc chơi với em, còn Khoa rửa rau, rã đông thức ăn hoặc nấu cơm. Chỉ cần ba món canh, mặn, xào hoặc thậm chí có hôm chỉ kịp chiên sườn, ăn với kim chi là cả nhà đã được rôm rả với nhau rồi.
Đừng quá căng thẳng việc ăn gì, mà hãy quan tâm đến chất lượng của thời khắc ấy. Con bé vừa ăn vừa kể chuyện, có sao đâu! Khoa có khi vừa ăn vừa uống lon bia, cũng vui mà. Có lúc cãi nhau, giận nhau nhưng nhờ nấu cơm chung, ăn cùng mà giải quyết được hết.
Mai này con lớn, đi học xa, chẳng phải đây sẽ là những hình ảnh khiến con nhớ về nhà mình nhất sao. “Thế đi nhậu, tiếp khách thì sao?”, tôi hỏi. “Thì báo cho vợ biết, tùy vợ định hôm ấy thế nào. Nấu cũng được, mà không cũng chẳng sao. Vợ có thể cho tụi nhỏ ăn gì đó tùy thích hoặc nấu đơn giản ba mẹ con ăn với nhau. Đâu có gì ràng buộc, bắt người phụ nữ phải có trách nhiệm nấu cơm chiều. Tôi tiếp khách xong về cũng không cần ráng ăn thêm cơm cho… vợ vui”.
Vợ chồng Khoa vận hành cuộc sống của họ theo một cách nhẹ nhàng nhất, không tạo áp lực cho nhau và luôn tôn trọng những bữa cơm nhà mình. Họ chưa khi nào cố gắng nấu một bữa cơm vì phải nấu, mà những buổi chiều lăng xăng đó chính là cùng nhau tận hưởng tình yêu thương.
Chỉ có yêu thương mới giữ gìn được nếp nhà. Chỉ có yêu thương mới làm nên sum vầy để ngồi lại với nhau. Nên thực sự, cơm ở nhà mỗi ngày vẫn đỏ lửa nhưng lửa ấy phải được mồi từ những cảm xúc tốt đẹp. Khoa cùng vợ con vẫn cùng nhau đỏ lửa không chỉ để chiêu đãi mình bữa cơm nhà ngon lành, mà còn để những đứa con lớn lên tin rằng, dù đi bất cứ nơi nào, chỉ cần về nhà, là có cơm, có gia đình. Chỉ cần quay về...
Lan Khôi