Nơi không có tiếng ồn của xe máy
Ngày nhỏ, tôi nhớ mình đọc đâu đó câu chuyện về việc cá lóc mẹ cố nhảy lên bờ, nằm im, giả vờ chết, dụ đàn kiến kéo đến ăn thịt mình, sau đó búng thật mạnh, mang kiến về lại mặt nước để đàn cá lóc con có một bữa no nê. Sau khi đọc xong câu chuyện, cứ rảnh rỗi, tôi lại chạy xuống ao nước cuối vườn, chờ thử có chú cá lóc nào bay lên mặt nước không. Đôi lúc, chờ hoài không được, tôi tìm cách bẻ rồi ném cả ổ kiến xuống ao.
Lớn dần, tôi nhận ra đó là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử. Rồi cứ thế, khi áp lực của công việc, của cuộc sống khiến tôi ngỡ như mình đã quên câu chuyện đó thì một người bạn rủ đi miền Tây xem cá lóc bay. Tôi gật đầu. Đi để xem cá lóc có bay thật không, để trả lời vướng mắc theo tôi suốt thời thơ ấu.
Mất khoảng 15 phút từ bến phà Cô Bắc, chúng tôi đặt chân lên cồn Sơn thuộc H.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Con đường duy nhất trên cồn nhỏ lắm, rộng chỉ non 2m. Lúc ấy, tôi mới hiểu vì sao hầu hết du khách khi đến đây đều được khuyên gửi xe máy lại bến phà, bởi nếu mang qua, đường hẹp, lại uốn lượn và dập dìu du khách, bạn sẽ rất khó di chuyển.
|
Dọc theo con đường nhỏ len lỏi trên cồn, bạn sẽ bắt gặp những chiếc xuồng nhỏ neo gần bờ |
Cồn không rộng, con đường mòn vòng quanh cồn cứ sau mỗi khúc cua, quang cảnh hai bên lại đổi khác. Lúc thì rợp bóng hàng cây cổ thụ hai người ôm, lúc lại thơ mộng bến nước nhỏ với con tàu neo đậu, lúc lại thơm ngát hương hoa nhãn… Thế nên việc chạy xe máy sẽ khiến bạn “thiệt thòi” đấy.
Chị Bé, hướng dẫn viên lâu năm nơi đây, chia sẻ: cồn Sơn bắt đầu phát triển du lịch từ năm 2015. Lúc ấy, chỉ có khoảng 10 nhà làm du lịch và triển khai theo hướng du lịch cộng đồng. Mỗi nhà làm một món ăn hay một dịch vụ du lịch. Chị kể, trên cồn có chị Năm Phước nổi tiếng với món bánh xèo, cơm nồi đồng, cá nấu mặn và lò rượu gạo.
Gia đình chị Bảy Muôn có bảy loại bánh đặc trưng của vùng đất Cửu Long. Nhà vườn Công Minh nấu cơm nồi đất, nhà vườn Sáu Cảnh làm món gà xé bưởi và nhà vườn Song Khánh nổi tiếng với các món từ cá lóc... Khách đến cồn, có thể di chuyển tùy ý đến từng nhà hay tìm hiểu và đặt trước.
“Mèn ơi, mới tới hả, ăn gì chưa?”
Là câu nói chúng tôi nghe được khi vừa đặt chân vào nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Bé (còn gọi là dì Bảy Muôn). Câu hỏi, chất giọng, ngữ điệu của dì, khiến chúng tôi có cảm giác như mình vừa trở về nhà sau một chuyến đi xa, được nghe người thân quan tâm hơn là một người khách đang bước vào căn nhà lạ.
Mà dù không đói trên quãng đường từ Sài Gòn đến đây, bụng chúng tôi cũng không yên trước mâm bánh bảy món đầy màu sắc, hương vị. Này là món bánh xôi vị gấc có màu đỏ nhẹ, bánh lưỡi heo tím nhạt màu lá cẩm, bánh mì nướng khoe sắc vàng nhờ được nướng vừa lửa, bánh bột lọc với phần nhân tôm đỏ ẩn trong lớp vỏ bánh mỏng tang...
Mâm bánh được dọn kèm chén nước cốt dừa và chén mắm chua ngọt. Ai thích loại nước chấm nào có thể tùy ý dùng nhưng cũng có những loại bánh như bánh bèo, bánh bột lọc, bạn nên chấm nước mắm rồi nhúng vào nước cốt dừa. Vị mằn mặn chua chua ngòn ngọt của nước mắm, kết hợp với vị béo mềm của nước cốt dừa trong cách ăn đậm chất miền Tây Nam bộ sẽ giúp bạn cảm nhận trọn vẹn hương vị của món bánh.
|
Dì bảy Muôn đang làm bánh kẹp cuốn để phục vụ du khách |
Nghệ nhân Bảy Muôn kể, lúc dì và một số người dân ở cồn được chính quyền địa phương vận động làm du lịch, dì lúng túng lắm, “mang bánh ra cho khách mà đặt cái “rổn” rồi bỏ chạy”. Song, cái lọng cọng ban đầu cũng đi qua. Giờ, dì có thể bình tĩnh ngồi đổ bánh để du khách chụp hình, quay phim, có thể vừa nắm tay chỉ khách cách đổ bánh kẹp cuốn hay trét bột lên bánh lá vừa tỉ tê kể những câu chuyện liên quan các loại bánh. “Cái gì cũng làm dần dần rồi mới thành thói quen”, dì bộc bạch.
Đặc sản cá lóc bay
Rời nhà dì Bảy Muôn, chúng tôi tiếp tục men theo con đường nhỏ nép mình dưới những bụi chuối mát rượi đến vườn ổi Nữ hoàng Thành Tâm của gia đình anh Nguyễn Thành Tâm, một trong những nhà vườn sở hữu đàn “cá lóc bay” và vườn ổi Nữ hoàng ở cồn. Thấy chúng tôi đến, anh đon đả mời vào bàn uống nước, rồi nhanh tay bưng đĩa ổi, chén muối mời khách. Ổi vừa được hái trong vườn nên tươi, thơm, ngọt đậm. Tôi không có thói quen nhấm nháp ổi với muối nên hương vị của loại trái cây này như nguyên vẹn và tinh sơ hơn.
Sau khi ăn đã “nư” món trái cây thanh ngọt ấy, anh Tâm mời chúng tôi di chuyển ra khu vực biểu diễn cá lóc bay. Anh gõ vài tiếng kẻng rồi vứt thức ăn xuống. Ngay lập tức, mặt nước phẳng lặng, không gian yên tĩnh bị khuấy động, tiếng nước lao xao rồi hàng trăm chú cá lóc vọt lên khỏi mặt nước từ 40-50cm tranh nhau đớp mồi. Một hai chú cá bay khỏi mặt nước có thể không ấn tượng nhưng hàng trăm chú cá thì lại khác. Quang cảnh ấy khiến không ai trong chúng tôi có thể rời mắt. Sau một đợt thức ăn, anh Tâm dừng lại khoảng 10-15 giây, như để mọi người chuẩn bị tốt hơn rồi tung tiếp lần thứ hai. Sau đợt tung thứ ba, màn biểu diễn cá lóc bay kết thúc.
|
Cá lóc bay |
Theo lời kể của anh Tâm, để đàn cá có thể nhảy lên khỏi mặt nước theo nhịp điệu, anh tốn khá nhiều công sức và thời gian. Ngay khi cá còn nhỏ, anh Tâm đã tách đàn, tập cho chúng quen phản xạ âm thanh bằng cách gõ kẻng; tập cho cá nhảy lên tranh mồi bằng cách bỏ đói chúng. Mỗi lần, khi cho cá ăn, anh gõ kẻng, rồi mới ném thức ăn. Hành động này lặp đi lặp lại mỗi ngày đến khi thành phản xạ có điều kiện. Giờ, nghe tiếng kẻng, cá sẽ hiểu sắp được ăn và tung mình khỏi nước để tranh nhau.
Anh kể, nhờ có chương trình biểu diễn của đàn cá lóc mà khách ghé tham quan vườn khá đông. Vào khoảng từ tháng Năm đến tháng Chín hằng năm, có ngày anh tiếp đến 200-300 lượt khách (chủ yếu là khách đi theo đoàn). Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh cải thiện rõ rệt.
Mâm cơm mỗi nhà một món
Thực đơn trưa hôm ấy của chúng tôi có bốn món gồm gà kho, cá tai tượng hấp mắm, lẩu cá lóc nấu bần, lẩu ốc ở nhà vườn Song Khánh. Trong đó, thú vị nhất phải kể đến vị chua lạ miệng của bần kết hợp gần như trọn vị với thịt của cá lóc bay - loại cá được cho vận động thường xuyên nên thịt săn chắc và thơm hơn các loại cá khác.
Tiếp đó, là nước của lẩu ốc. Nước của món ăn không được nấu từ xương heo hay được hầm từ bất kỳ loại động thực vật nào mà đơn giản chỉ là nước dừa xiêm non. Người nấu chặt dừa, cho vào nồi, nêm vừa miệng rồi dọn cùng ốc bươu, rau xanh. Khách trút ốc, cho rau vào nồi và thưởng thức. Không cần bất kỳ gia vị mạnh nào, vị ngon của nước dừa tươi đủ sức khắc chế vị tanh đặc trưng của ốc bươu.
|
Đặc sản cá tai tượng hấp nước mắm |
Theo lời chị Bé, mỗi món ăn trên mâm cơm đến từ một nhà trên cồn. Từ khi hình thành, phát triển đến nay, không hộ nào trên cồn có ý định “cơi nới” hay thêm thắt món, dịch vụ để hút khách. Có thể nhờ cách làm du lịch cộng đồng này mà từ 10 hộ dân tham gia ban đầu, con số ấy đã tăng lên 36 hộ và sắp tới, theo dì Bảy Muôn, một trong những người sáng lập dịch vụ du lịch cộng đồng trên cồn, sẽ còn nhiều hộ đăng ký tham gia.
Bởi như dì Bảy Muôn nói: “Cái vốn quý của du lịch cồn Sơn không nằm ở thiên nhiên mà ở con người, ở nghĩa tình. Nó như sợi dây vô hình, níu chân những ai một lần đặt chân đến đây”.
Một số lưu ý trước khi đến Cồn Sơn
- Nên liên hệ trước để có được sự hỗ trợ và kết nối với cộng đồng.
- Để thăm cồn Sơn, bạn đến bến phà Cô Bắc ở hẻm 13, Lê Hồng Phong, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Khách sẽ được đón và trả tại điểm này.
Những dịch vụ trên cồn hiện có:
- Bè cá Bảy Bon giới thiệu mô hình nuôi cá trên sông Hậu.
- Nhà vườn Thành Đạt có nhãn.
- Nhà vườn Phương My có bưởi ngon và các món ăn địa phương đặc trưng như lẩu mắm, gà xé bưởi.
- Nhà vườn 9 nhỏ chuyên phục vụ các món ăn ở địa phương với gà nướng muối ớt và các món về ếch.
- Nhà vườn Song Khánh có vườn chôm chôm và lẩu cua đồng cùng các món chế biến từ cá tai tượng.
- Nhà vườn dì Bảy Muôn chuyên các món bánh.
- Vườn ổi Nữ hoàng Thành Tâm có biểu diễn cá lóc bay và vườn ổi lớn, trồng xen với nhãn. |
|
Du khách thích thú chinh phục cầu khỉ |
|
Du khách thích thú mua và thưởng thức món ngon dân dã ở cồn |
|
Các món bánh dân dã miền Tây thường đi kèm nước cốt dừa |
|
Những “quầy hàng dã chiến” bày bán nông sản trước nhà khiến không gian nơi đây thêm gần gũi, dễ chịu |
An Huỳnh