Chỉ đến khi được ngồi trên thuyền lướt qua hồ Ba Bể, tôi mới cảm nhận được trọn vẹn bài thơ từng được học trong sách giáo khoa thuở nào: “Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể/ Núi dựng cheo leo hồ lặng im/ Lá rừng với gió ngâm se sẽ/ Họa tiếng lòng ta với tiếng chim…”.
Bài thơ Trên hồ Ba Bể được nhà thơ Hoàng Trung Thông sáng tác năm 1961. Gần nửa thế kỷ sau, hồ Ba Bể vẫn vẹn nguyên những hình ảnh ấy trong cảm nhận của khách phương xa.
|
Những thiếu nữ trong trang phục truyền thống dân tộc Tày chèo thuyền độc mộc làm đẹp hồ Ba Bể |
Đường lên hồ Ba Bể với những cung đèo khúc khuỷu, liên tục góc cua tay áo có thể khiến người dễ say xe “nhừ tử như tương”. Nhưng đổi lại là những phút giây tận hưởng thư thái. Trời nước mênh mang biêng biếc vỗ về. Xa xa mờ chân mây bàng bạc một màu như sương như khói. Nước hồ trong vắt, lòng hồ được bao bọc bởi những khối núi đá vôi vừa hùng vĩ tuyệt diệu, vừa bảng lảng trữ tình.
Hồ Ba Bể (nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể) được hình thành từ cuộc kiến tạo lục địa tự nhiên cách đây hơn 200 triệu năm. Nhưng dân gian vẫn lưu truyền một sự tích thú vị khác. Tương truyền trong ngày hội làng Nam Mẫu (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) xưa, có một bà cụ bị hủi đến làng xin ăn nhưng ai cũng xua đuổi. Chỉ riêng hai mẹ con người đàn bà góa rủ lòng thương cho bà ăn uống, cho chỗ ngủ.
Nửa đêm nghe trong nhà có tiếng động lạ, hai mẹ con thức dậy thì thấy nơi bà lão ăn xin nằm là con giao long khổng lồ. Giao long lên tiếng, nói mình chính là bà lão ăn xin, xuống trần chỉ vì muốn thử lòng người. Thần giao long ban cho hai mẹ con một nắm tro và đôi vỏ trấu, dặn rằng khi xảy ra đại hồng thủy, hai mẹ con cứ rắc tro quanh nhà là sẽ sống sót. Còn đôi vỏ trấu khi thả xuống nước sẽ trở thành thuyền độc mộc.
|
Miền nước trong Ba Bể |
Quả nhiên, nửa đêm đất ầm sóng dậy, trời nổi cơn rung chuyển dữ dội rồi cả làng Nam Mẫu chìm trong biển nước. Chỉ riêng nhà hai mẹ con người đàn bà góa phụ bình an. Đến nay, giữa lòng hồ vẫn còn mỏm đất cao ấy, dân gian gọi là đảo bà Góa.
Đây cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi thưởng ngoạn cảnh trên hồ. Cảnh đẹp “không góc chết” của đảo bà Góa cũng thu hút những cô dâu chú rể đến chụp hình. Giữa non xanh nước biếc này, khách thích tắm hồ cũng có thể mặc sức thả mình xuống làn nước trong. Nước mơn man tình tự.
Phương tiện tham quan trên hồ chủ yếu là xuồng máy. Nếu mạo hiểm hơn, khách cũng có thể trải nghiệm bằng cách tự chèo thuyền (nhiều du khách nước ngoài chọn khám phá hồ bằng cách này). Những mường tượng của tôi về hồ Ba Bể từ ngày còn cắp sách là hình ảnh những thiếu nữ dân tộc Tày chèo thuyền độc mộc giữa hồ nước xanh. Đẹp như tranh thủy mặc.
|
Đảo bà Góa trở thành nơi chụp ảnh cưới lý tưởng cho đôi lứa |
Ngày tận mắt nhìn ngắm lòng hồ đã đi vào thơ ca một thuở, tôi thoáng chút thất vọng khi suốt hành trình tham quan chỉ thấy du khách vẫy tay chào nhau trên xuồng máy. Khoảnh khắc duy nhất được nhìn thấy “hình dung xưa” là khi có đôi thiếu nữ mặc trang phục dân tộc Tày chèo thuyền độc mộc ở đảo bà Góa. Nhưng đó là do họ có buổi chụp ảnh ngoài trời. Âu cũng là được nhìn ngắm cho thỏa lòng ký ức bé thơ xưa.
Có hai lựa chọn cho khách nghỉ lại hồ Ba Bể: homestay tại bản Pắc Ngòi (hơn 10 hộ gia đình ở đây làm du lịch) hoặc ngủ khách sạn ngoài phố. Nếu không ngại những bất tiện (phòng diện tích nhỏ, nhà vệ sinh dùng chung, thiếu khăn tắm, bàn chải…) thì bạn cũng nên trải nghiệm một đêm ở ngôi làng thanh bình này.
Buổi sáng thức giấc sẽ thấy sương giăng mờ núi, tản bộ dọc lối mòn nhìn ngắm hoa cỏ dại, những mái nhà sàn xinh xinh, nghe tiếng chim hót ríu ran, gà mẹ dắt gà con đi kiếm mồi… Thanh bình, dịu ngọt này sẽ chẳng bao giờ có được với những buổi sáng trong lòng thành phố.
|
Bản Pắc Ngòi trong sương sớm |
Tôi về lại nhịp sống tất bật thường ngày, vẫn còn nghe thương nhớ lắm buổi sớm mai đi trên lối mòn còn đẫm sương, hít hà mùi thơm của lúa trổ đòng đòng và nhìn mãi về chân núi. Nghe da diết trong tâm khảm là câu hát mênh mang: “Đừng đi em ơi, bên kia núi đâu có trời xanh hơn/ Bên kia gió đâu có gì xôn xao/ Bên kia trời đâu có nhiều trăng sao…”.
Về miền nước trong, được ngắm nhìn dòng nước thiên thai xanh biếc, được thưởng thức những đặc sản cá suối, rau rừng, nếp nương… Đến cả những món rau quen thuộc nhưng có lẽ “thấm hương núi rừng” nên vị cũng ngọt thơm, thanh mát hơn. Những bữa ăn ở hồ Ba Bể giản dị mà vẫn khiến người phố muốn được trở lại thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Về miền nước trong, tự nhiên thấy lòng mình trong veo. Tâm hồn con người luôn được thiên nhiên lấp đầy bằng những tính từ: yên bình, khoáng đạt, đẹp đẽ, hạnh phúc ngập tràn, thong dong, tự do tự tại... Mới thấy dòng nước xanh trong giữa đất trời có sức mạnh xoa dịu lớn đến chừng nào. Nước ngàn năm chảy xuôi, đá im lặng vĩnh cửu nhưng lại âm thầm trao đi những lời vỗ về, thanh thản.
Hồ Ba Bể ngày tôi đến, không có nhiều du khách. Là hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam, nằm trong top 10 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nhưng hồ Ba Bể chưa thuộc về danh sách kiểu như “những nơi phải đến khi chúng ta còn trẻ”…
Tôi cũng đã mất quá lâu trong cuộc đời mới có thể một lần đến, để được thấy “Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba Bể/ Trên cả mây trời trên núi xanh…” (thơ Hoàng Trung Thông). Bắc Kạn không phát triển du lịch bằng nhiều tỉnh thành phía Bắc khác. Nếu chọn những cung đường chiêm ngắm mùa thu phương Bắc, du khách thường ưu tiên những điểm đến nổi bật như Hà Giang, Sapa, Mộc Châu - Mai Châu, Mù Căng Chải…
Nhưng nếu còn chưa đến, thì bạn hãy sắp xếp một lần “vác ba-lô lên và đi” nhé. Để được tự mình trải nghiệm cảm giác “Thuyền ta vòng mãi trên Ba Bể/ Cây chạy theo truyền thuyết vẫy tay/ Phải ta vượt khỏi nơi trần thế/ Tới giữa mông lung, giữa diệu kỳ…”.
Bùi Tiểu Quyên