Về Long Đất, nghe âm thanh từ đôi bàn tay khuyết

01/08/2017 - 17:56

PNO - Ngày 26/7, Hội LHPN TP.HCM tổ chức chuyến thăm, giao lưu với thương bệnh binh (TBB) tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Ve Long Dat, nghe am thanh tu doi ban tay khuyet
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - hỏi thăm sức khỏe, động viên từng thương bệnh binh

Tuổi mười tám, đôi mươi nơi chiến trường

Khuôn viên trung tâm rộng 3,8ha được chia thành ba khu: khu nuôi dưỡng TBB liệt và tổng hợp, khu nuôi dưỡng TBB tâm thần và khu điều dưỡng luân phiên cho người có công; phần diện tích rộng lớn còn lại là vườn rau, ao sen và sân rộng cho những chiếc xe lăn dễ dàng lăn bánh. Ánh nắng xuyên qua những tán cây, chiếu từng vệt xuống sân, lấp lóa.

Cô Huỳnh Thị Mai (SN 1950) chậm rãi xoay vòng bánh xe ra khoảng sân lát xi-măng bằng phẳng, kể lại đời mình. Rời Sài Gòn vào năm 1968, cô theo đoàn quân y đến chiến trường Tây Ninh để chăm sóc thương binh. Một ngày tháng 8/1969, tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, cô bị một mảnh đạn găm vào cột sống, bị liệt từ phần lưng trở xuống. Khi đó, cô mới 19 tuổi, chưa kịp lập gia đình. 

Liệt nửa người bên phải, bác Phan Thị Hồng Vân (SN 1948, quê tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đưa bàn tay trái lên, vạch một đường tóc trắng chỉ cho chúng tôi vết thương lõm sâu thành rãnh nơi đỉnh đầu trong trận máy bay B52 ném bom rải thảm tại chiến khu D năm 1966. Học hết năm đệ lục, theo phong trào thanh niên, cô xin ba đi tòng quân. Cha cô đã dẫn cô lên chiến khu D và gửi lại ban tuyên huấn T1 làm thư ký đánh máy. “Năm đó là năm 1964, tôi vừa tròn 18 tuổi”.

Buổi trưa, chúng tôi đến phòng ăn của các TBB tâm thần. Mỗi TBB nhận lấy phần ăn và kết thúc bữa ăn một cách nhanh chóng, trật tự. Đứng đợi xem ai cần thêm cơm hoặc thức ăn, chị Lê Thị Hạnh (SN 1973, quê tỉnh Phú Thọ) chăm lo họ như thể đó là những người thân của mình. Mỗi ngày, chị thức dậy từ lúc 5g15 để gọi tất cả các cô chú TBB dậy và kết thúc một ngày khi mọi người đã yên giấc. Đến nay, chị đã gắn bó với trung tâm 25 năm.

“Vì ba tôi cũng từng là thương binh từ thời chống Pháp, tôi muốn san sẻ những mất mát của họ”. Chị nói thêm về những khó khăn đã trải qua: “Mới đầu rất khó tiếp xúc vì các cô chú cứ theo cảm xúc mà làm, hành động có khi bộc phát, nhiều khi mình bị tấn công bất ngờ. Họ không biết bệnh tật, vì vậy, phải theo dõi những bất thường trong ăn uống, sinh hoạt, giấc ngủ để có hướng chẩn đoán, điều trị”. 

Ước mơ được ra phố, đi biển

“Trương Thị Mong. Tôi tên Mong, là mong muốn ấy” - với chất giọng Huế đặt sệt, người đàn bà vừa kết thúc bữa ăn từ phía sau bước lên giành lấy phần kể cho tôi nghe về cuộc sống của 18 TBB tâm thần đang được điều trị tại trung tâm. Cô là một trong số hai nữ TBB đang điều dưỡng tại khu vực này. “Năm 1968, trong một cuộc chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, tôi bị thương rồi bị bắt làm tù binh, áp giải qua bao nhiêu vùng đất, đến Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định) rồi Cần Thơ, bao nhiêu nơi trên chiến trường Đông Nam bộ. Đến khi trao trả tù binh ở Lộc Ninh, tôi mới được trả tự do. Thương tật khiến tôi là người sướng nhất cũng là người khổ nhất. Quên đi nhiều chuyện, những vui buồn sướng khổ của cuộc đời, tôi chẳng nhớ mô”. 

“Sao lạ quá? Cô vừa kể cho cháu nghe, vẫn nhớ rõ mà?” - tôi bật ra câu hỏi, rồi chợt nhận ra, dường như, ký ức về cuộc chiến in sâu đến nỗi dù lúc nhớ lúc quên, những con người nơi đây vẫn không thể nào quên được có những tháng ngày như thế đã trải qua trong đời mình. 

“Tôi có mẹ già ở Huế, để đứa em gái chăm sóc. Hồi đó, mình chỉ có một ước mơ duy nhất: giải phóng quê hương để đem lại độc lập tự do cho người dân mình. Ngày 5/5/1968 âm lịch, tôi không trúng đạn nhưng trong tầm bắn phá, lựu đạn nổ, đầu tôi như vỡ tung, máu từ hai tai chảy xuống từng dòng”. “Ờ, lúc nhớ lúc quên. Đau đầu lắm rồi” - cô dừng lại, ôm đầu rồi quay lưng bước vào phòng khi người điều dưỡng đưa cho điếu thuốc. Trước khi bước qua cánh cửa, cô Mong vẫn kịp ngoảnh lại cười với tôi: “Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là được ra phố, đi biển…”.

Hơn 40 năm đã trôi qua, những cơn đau vẫn còn hành hạ cơ thể của những TBB mà chúng tôi gặp hôm nay. Nhưng chúng tôi nhìn thấy, khi tiếng hát đồng đội họ cất lên, quên đi đau đớn, có những cánh tay vẫn đưa cao vỗ đều đặn theo nhịp, mặc dù không nghe âm thanh “tiếng vỗ” bởi đó chỉ là những cánh tay tròn lẳn đã khuyết mất hai bàn. 

Trong chuyến thăm, đoàn cán bộ Hội LHPN TP.HCM đã tặng quà cho 60 thương binh và những người có công đang được chăm sóc và điều dưỡng tại Trung tâm (mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng); đồng thời, gởi 51 phần quà đến 51 cán bộ, công nhân viên trung tâm.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI