|
Một chaiwalla đường phố ở Amritsar - Ảnh: Hồng My |
“Nghỉ chân, làm một cốc chai nhé!” - Debash - anh bạn người Ấn tôi mới quen - vừa đề nghị vừa tấp vào vỉa hè, nơi một cụ ông ngồi chồm hổm dưới đất đang chậm rãi rót chai vào cái chén đất mộc mạc. Anh thanh niên mặc quần áo văn phòng ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ đưa 2 tay đón lấy cốc chai nóng, xuýt xoa.
Ngồi co ro ở cái góc nhỏ ven đường, dưới tiết trời se lạnh, nhấm nháp từng ngụm chai thơm, ấm, nhìn những chiếc xe kéo chầm chậm ngược xuôi trước mặt quả là một khởi đầu tuyệt vời cho chuyến phượt xuyên Ấn của tôi.
Học cách nấu chai từ một người mẹ Ấn trong căn bếp gia vị của thế giới là một trong những ước nguyện của tôi. May mắn thay, ngay trong ngày đầu tiên tôi ở Ấn, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Cô Mitra - mẹ Debash, một phụ nữ nông thôn - đã vui vẻ đồng ý dạy tôi nấu chai.
Cô Mitra lôi ra một chiếc nồi nhỏ, bốc một nắm trà đen bỏ vào nồi rồi đổ nước lạnh xăm xắp. Cô giải thích: “Bí quyết để trà đậm đà đấy cháu ạ! Nếu có thời gian thì ngâm trà lâu một chút, còn không thì năm, mười phút cũng được”.
Trong thời gian chờ đợi, cô xắt gừng thành lát mỏng, đập dập vài hạt bạch đậu khấu cho vào nồi trà đang ủ. Sau đó, cô nhắc nồi trà lên bếp đun sôi khoảng 10 phút, cuối cùng cho sữa trâu tươi vào đun lửa liu riu thêm 5 phút. Mãi sau này tôi mới biết sữa trâu với độ béo đậm đặc gấp đôi sữa bò chính là bí quyết khiến chai ở Ấn Độ khác hẳn chai ở bất cứ đâu.
|
Các chaiwalla ở Kolkata đang chuẩn bị cho những cốc chai đầu tiên vào buổi sáng sớm - Ảnh: Yên Thảo |
Trước khi tắt bếp, cô cho vào một muỗng đường rồi khuấy lên. Cô lắc đều cái nồi mấy lượt rồi chậm rãi rót hỗn hợp nâu đậm sóng sánh nghi ngút khói ấy vào những chiếc cốc. Nghiêng mặt qua nhìn tôi, cô khẽ nói: “Đừng quên lắc đều nồi trước khi rót trà vào cốc cháu nhé! Chai ngon hay không là ở khâu này đấy!”.
Tôi nhìn cô với ánh mắt đầy biết ơn rồi đưa 2 tay đón cốc chai, nghe làn hơi ấm len lỏi trong lòng bàn tay mình. Mùi hương dịu nhẹ của bạch đậu khấu quấn quýt lẫn vị gừng tươi tỏa ra từ cốc chai quyến rũ đến mức tôi không thể ngăn mình hít hà một hơi thật sâu trước khi sung sướng nhấp lấy ngụm chai đầu tiên. Tôi thấy đôi môi mình run run, tê dại như vừa trải qua nụ hôn đầu đời… Trời ơi, tôi phải lòng chai mất rồi! Vị béo ngậy của sữa tươi quyện với vị chát của trà cùng vị ngọt nhẹ của đường và vị cay the the của gừng trong mùi thơm dìu dịu của bạch đậu khấu tạo thành một bữa tiệc vị giác thượng hạng.
Liệu pháp của trái tim
|
Những chiếc killad chờ ôm ấp những dòng trà sữa ấm nóng chảy vào lòng - Ảnh: Dương Tấn Hồng Loan |
Kolkata - thành phố đầu tiên tôi đặt chân đến ở Ấn Độ - chính là thủ phủ của chai. Giống như cà phê sữa của Việt Nam, chai là món uống bình dân phổ biến nhất ở Ấn Độ. Bạn có thể tìm thấy chai ở bất kỳ hang cùng ngõ hẻm trên mọi miền đất nước nhưng Kolkata đã được Tạp chí Guardian bầu chọn là nơi có những quán chai vỉa hè ngon nhất xứ Ấn. Danh hiệu này đem lại vinh dự lớn lao cho người dân Kolkata nhưng lại gây ra một cuộc tranh cãi tưng bừng từ các tín đồ chai ở những vùng khác của đất nước.
Người Kolkata uống chai một cách tinh tế và đầy trân trọng. Họ tuyệt đối không dùng ly nhựa hay ly giấy để uống trà. Killad - những chiếc cốc đất nung màu hồng đậm mộc mạc - chính là đặc trưng của chai Kolkata. Debash nói: “Có nhà văn từng mô tả rằng chai và cốc uống killad như những người bạn thân thiết lâu ngày gặp mặt. Killad ôm ấp, hấp thụ chai vào trong mình. Đất sét hòa quyện với chai nóng mang lại hương vị của đất và khói. Tinh hoa đất trời hội tụ trong một chiếc killad nhỏ xíu”.
Khi ngấp ngụm chai đầu tiên từ killad tại quán của ông cụ ở vỉa hè, tôi đã mơ hồ cảm nhận một điều gì đó thật đặc biệt nhưng không thể lý giải nó một cách vừa chính xác vừa thơ như nhà văn nọ. Những chiếc killad hồng sẫm phớt bụi nằm ở các quán chai ven đường chính là biểu trưng của một cố đô hoài cổ mà mỗi khi đi xa ai cũng xốn xang nhớ về.
|
Chai hiện diện ở khắp mọi ngõ ngách đường phố trên xứ Ấn - Ảnh: YT |
Nếu chai là một nghệ thuật ẩm thực của người Ấn thì người nấu chai - chaiwalla - đích thực là những nghệ sĩ đường phố. Một lần, đang đi dạo chợ đêm ở Kolkata, ánh mắt tôi lập tức dừng lại trước hình ảnh một dòng chảy của chai đang đổ từ trên cao xuống như dòng thác. Vị chaiwalla già cứ nhấc cái xoong chai kéo dần lên mỗi lúc một cao hơn đến gần cằm thì bắt đầu đổ chai xuống cái nồi ở phía dưới, lặp lại vài lần như thế. Tôi say mê ngắm các chaiwalla kéo chai thành thục như những nghệ sĩ xiếc.
Theo lời kể của Debash, cách chai được người Ấn biến tấu từ trà đen của Anh giống hệt cách người Việt biến baguette của người Pháp thành chiếc bánh mì vang danh thế giới. Đầu tiên vì trà đen nhập khẩu từ Anh rất đắt đỏ nên người Ấn xưa châm thêm sữa trâu “nhà trồng” vào để tăng thể tích cốc trà. Dần dà, họ thêm các gia vị nấu ăn quen thuộc như gừng, vỏ quế, tiêu đen, thảo quả... vào tạo thành masala chai (trà thảo mộc). Debash cho biết: “Từ lâu người Ấn vốn quen uống thuốc sắc thảo mộc và trà cũng là một vị thuốc quý nên họ kết hợp lại và tạo thành một món giải khát vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe”.
|
Quán chai vỉa hè ưa thích của tác giả ở Dharamshala - Ảnh: YT |
Công thức chung là như vậy nhưng tùy theo thói quen, thổ nhưỡng, khẩu vị từng người mà trong hàng tỉ cốc chai được tạo ra mỗi ngày ở Ấn, không cốc nào giống cốc nào. Chỉ cần thay đổi sự kết hợp của các loại gia vị; gia giảm liều lượng đường, sữa, trà là ra một cốc chai mới. Ở một số vùng, người ta rót trà vào cốc rồi mới đổ sữa lên trên. Ở Kashmir, người dân lại thích thêm muối và baking soda thay vì các gia vị truyền thống khiến chai ở đây có màu hồng lạ mắt. Người Lucknow vì yêu thích màu hồng này nên bắt chước người Kashmir cho baking soda vào trà nhưng lại không hảo mặn nên loại muối ra khỏi công thức. Riêng tôi thì cốc chai đầu tiên tôi được thưởng thức trong căn bếp giản dị nhà cô Mitra vẫn là cốc chai ngon nhất trần đời.
Tôi chợt nhận ra, chai đâu chỉ đơn thuần là một thức uống mà còn là sợi dây vô hình kết nối con người với nhau. Cô Mitra và tôi gần nhau hơn chỉ sau một cốc chai. Tất cả câu chuyện thú vị về đất nước, con người Ấn Độ mà Debash kể cho tôi trong mấy ngày qua cũng được kể qua những cốc chai phủ đầy bụi đường. Dù để ý hay không, chai vẫn đang có mặt trong tất cả các cuộc trò chuyện, hội hè; len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống và hiện diện trong từng hơi thở của người Ấn. Chai xuất hiện trong cả những nốt lặng của cuộc sống, khi người ta ở một mình, chỉ một mình với cốc chai, suy ngẫm về cuộc đời. Tôi đã dành nhiều giờ liền trên các chuyến tàu dài ngày ở Ấn, chỉ có tôi với chai, để chiêm nghiệm về những bài học cuộc đời mà tôi đang trải qua ở đây.
Nhà văn Dominique Lapierre trong tiểu thuyết City of joy (tạm dịch: Thành phố của niềm vui) đã gọi Kolkata - cố đô của Ấn Độ - là thành phố của niềm vui. Tôi hỏi Debash: “Liệu chai của mình có đóng góp chút nào vào cái thành tựu này không nhỉ?”. Debash đáp ngay: “Muốn biết, thử mai không cho toàn dân Kolkata uống một cốc chai nào, xem họ có còn vui vẻ nổi không”. Cậu nói thêm: “Với bọn tớ, chai còn là một liệu pháp cho trái tim. Có những lúc tớ như bị cuộc đời này đánh gục nhưng chỉ sau những ngụm chai, tớ trở nên bình tĩnh, sáng suốt hơn”.
Yên Thảo