Về kịp giỗ không con?

04/08/2024 - 06:49

PNO - Cái họ cần thấy và luôn ghi nhớ để một mai có khép mắt theo ông theo bà, thành khói sương tan biến đi, chính là trông thấy, tin tưởng con cháu họ luôn yêu thương, sum vầy, nâng đỡ nhau, hết lứa này đến lứa khác, mãi mãi như con sóng ngoài khơi không bao giờ đứt đoạn lưng chừng.

Đám giỗ dượng, dì dậy từ rất sớm, ngồi trên bộ đi văng, mặc bộ đồ lụa kem trắng, đeo bộ nữ trang ngọc trai màu vàng mỡ gà thật đẹp, mặt rạng rỡ.

Đám giỗ, tính theo ngày âm lịch, có năm rơi vào giữa tuần, có năm rơi vào cuối tuần. Năm nào dì cũng săm soi, lật đi lật về tìm đến ngày giỗ ngay khi quyển lịch được treo lên tường ngày đầu năm mới. Năm nào đám giỗ không rơi vào cuối tuần là dì tặc lưỡi, xuýt xoa tiếc rẻ từ cả tháng trước, rằng thì sẽ vắng những ai, bọn trẻ nhà nào không đến được. Và tất nhiên trong tất cả những lần nói chuyện điện thoại với dì, tôi luôn được nghe đi nghe lại điều đó.

Hơn 1 lần tôi tự hỏi, lẽ nào suốt 1 năm trời, trong những năm tháng ít ỏi còn lại của đời mình, điều mong đợi, quan tâm và vui nhất của dì là đến ngày giỗ dượng.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

***

Dượng mất sớm, năm tôi còn là con bé mới học được vài chữ vỡ lòng, chân đất chạy khắp xóm chơi u, búng dây thun, nhảy dây, nhà chòi. Khi đó, anh Hai - con lớn nhất của dì - cũng mới chỉ học lớp Năm, chị Ba, chị Tư lớn hơn tôi 1-2 tuổi, chị Năm bằng tuổi tôi, riêng anh Út mới biết bò.

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ, bữa đó, mấy chị em nằm trong nhà chòi lợp bằng những tàu lá chuối, nhìn lên kẽ hở bằng nắm tay, ngắm vệt nắng rọi xuống như miếng lá mía vắt ngang lên tay chân, nói cho nhau nghe rằng lớn lên mình mong trở thành gì.

Khi nghe ngoại gọi, chúng tôi hết hồn chạy về nhà, trong nỗi thấp thỏm chắc ngoại đã phát hiện ra mấy đứa cháu lấy trộm mền gối, chén dĩa, cả cái radio ngoại cưng như trứng mỏng đem đi chơi nhà chòi. Cho đến khi nghe nhiều tiếng khóc, thấy người lớn mặt mũi rầu rầu nói nhỏ với nhau rằng dượng tôi đã mất…

Bằng tuổi đó, tôi và cả bầy con của dì có hiểu thế nào là nỗi mất cha, là mồ côi. Suốt mấy ngày dượng nằm đó, người ta cứ nhìn tụi nhỏ chúng tôi, có người còn nhầm tôi là con của dì, rồi xoa đầu nói “Tội nghiệp!” hay “Thương quá!”. Tôi không thấy dì khóc, chỉ thấy mẹ, các dì và ngoại rơm rớm nước mắt. Tôi còn nhớ dì ngồi im, lưng dựa vào góc tường, tóc cuộn tròn sau ót, xỉa ngang bằng chiếc đũa ăn, xiêu vẹo xộc xệch. Thi thoảng phải nói gì với ai, dì chỉ thều thào thành tiếng rất nhỏ. Có nói gì với tôi hay các anh chị, dì gần như chỉ ra dấu.

Sau này lớn lên, có dịp nhắc lại ngày ấy, dì nói rằng do thức nhiều đêm liền nên dì mất tiếng. Dì nói rằng tự nhiên không ăn được, không ngủ được, cũng không rơi một giọt nước mắt nào ngay cả vào giây phút bốc nắm đất quăng vào huyệt mộ chào dượng lần cuối.

Sau này dì hiểu thấu rằng khi có điều gì việc gì quá lớn, quá đột ngột, quá cay đắng xảy ra với bất kỳ ai thì thông thường, người ta trở nên như vậy. Là tốt hay xấu, dì cũng không biết. Như một cái cầu dao điện quá tải tự động ngắt để bảo vệ mình. Dì hay nói với chị em chúng tôi về sự kỳ diệu của con người. Những điều tốt, sức mạnh, cả những ham muốn hay những điều xấu xa trong mình, chính mỗi chúng ta cũng không thể hình dung và thấu tỏ nếu không rơi vào hoàn cảnh nào đó, chứ đừng nói chi người ngoài!

Năm đó dì tôi vừa tròn 30 - tuổi chín muồi nhất của đời người đàn bà. Bên nách là 5 đứa con, dì tôi vẫn đẹp. Ong bướm ve vãn xung quanh dì không thiếu.
Tôi chưa bao giờ hỏi vì sao trong chừng đó năm, dì vẫn chọn một mình ở vậy nuôi lớn các anh chị tôi - tất nhiên có gia đình ngoại, các cậu, mẹ tôi và các dì luôn bên cạnh.

Sau này lớn lên, làm mẹ, tôi hiểu ra nỗi khó khăn của một người đàn bà một nách 5 con khi chồng mất trong việc đi tìm hạnh phúc cho riêng mình lần nữa.

***

Một khi đàn bà đã qua 1 lần gãy đổ, vì bất cứ lý do gì, để trái tim ngân lên nhịp đập tình yêu với một người đàn ông nữa không khó, chỉ khó là khi bước vào cuộc hôn nhân mới, xây dựng gia đình mới, không đơn giản chút nào! Ngày thanh xuân lần đầu bước chân lên thuyền theo chồng cũng chông chênh, ít nhiều mờ mịt. Nhưng chân bước lên thuyền lần hai, lần ba là cầm chắc ngoài kia nhiều bão tố…

Rốt cuộc, dì chọn cuộc sống một mình với các anh chị tôi. Nửa thế kỷ trôi qua, những đứa trẻ ngày nào bây giờ đã có cháu ngoại. Người đàn bà xuân sắc ngày nào giờ đầu tóc trắng tinh, ngồi mong, lẩm nhẩm đếm từng đứa con đứa cháu coi có ai vắng không, vì sao vắng, nó có khỏe không, anh em có gặp nhau thường không, có bảo ban giúp đỡ nhau không…

Anh Út tôi hài hước nhất! Anh ở với dì, lâu lâu rờ tay dì hỏi: “Má nhớ ba à?”. Tôi cũng bắt chước anh chọc dì: “Hồi đó dượng thích ăn xoài nhất phải không dì? Mẹ con nói đám giỗ dượng là phải mang xoài qua để dì cúng”. Không lần nào dì trả lời chúng tôi, chỉ tủm tỉm cười, đẩy cái kính lão lên cao hơn, ngắm chúng tôi và bầy cháu lao nhao nhỏ xíu. Dù trí nhớ lúc tỏ lúc mờ nhưng chưa lần nào dì quên tên chúng tôi.

Năm nay, giỗ dượng rơi vào giữa tuần. Anh Hai báo bận công tác không biết về lúc nào, dặn cả nhà đừng đợi; chị Tư cũng bận họp. Con cháu vẫn đông đủ như mọi năm, dì vẫn cười bắt đứa này ăn bánh ít, đứa kia ăn bánh bò nhưng lâu lâu lại hỏi: “Thằng Hai về kịp không bây? Con Tư mắc họp à?”. Anh Út tôi nháy mắt lại gần nói thật to: “Chiều ghé phạt tiền gấp đôi hén má!”.

Tiếng cười của anh lẫn trong giọng run run già yếu của dì: “Thằng cha mày! Anh em gặp gỡ đông đủ ngày giỗ ba chứ. Sau này, ngày giỗ má cũng nhớ về đông đủ. Năm có 1 ngày, tiền bạc chi… Má quánh à!”.

Chúng tôi ai nấy lặng im. Chợt hiểu ra nỗi lòng của ông bà nội ngoại khi xưa, của dì của mẹ của các cậu tôi bây giờ. Chợt hiểu ra vì sao họ cứ nhắc đi nhắc lại ngày giỗ ông bà cha mẹ. Cũng chỉ bấy nhiêu món ăn đơn giản, nhiều khi đã trở nên ngán ngẩm tầm thường với đám con cháu đủ đầy bây giờ.

Có đứa nào còn háo hức như thời chúng tôi hồi nhỏ, đợi đến giỗ tết mới được ăn bánh trái thịt thà? Có đứa nào ngây thơ đến nỗi nghĩ những món dọn lên trên bàn thờ kia là ông bà mình sẽ ăn được? Ai trong chúng tôi cũng biết rằng cha mẹ còn kia, hãy quan tâm chăm sóc họ mỗi ngày, bên cạnh họ, về thăm họ nhiều nhất có thể. Chứ mai này, ngày họ thành mây trắng bay đi, mâm cao cỗ đầy để làm gì nữa?

***

Thế nhưng, chị em chúng tôi dường như chưa hiểu thấu ý nghĩ sâu như biển của những người lớn, những người cha người mẹ trong nhà. Còn những tháng năm ít ỏi sống trên đời, họ mong ngóng, đếm từng ngày chờ ngày giỗ ông bà cha mẹ là vì sao? Phải chăng họ muốn nhìn thấy bằng chính đôi mắt mệt mỏi mờ đục của mình ngày con cháu tụ về, kết nối, thắt chặt tình thân?

Cái họ cần thấy và luôn ghi nhớ để một mai có khép mắt theo ông theo bà, thành khói sương tan biến đi, chính là trông thấy, tin tưởng con cháu họ luôn yêu thương, sum vầy, nâng đỡ nhau, hết lứa này đến lứa khác, mãi mãi như con sóng ngoài khơi không bao giờ đứt đoạn lưng chừng.

Tôi chợt nhận ra, ai cũng yêu thương cha mẹ mình nhưng để thấu tỏ nỗi lòng cha mẹ thì không dễ chút nào. Chị Ba tôi tự nhiên nói: “Bé gọi cậu, nói với cậu giỗ ngoại tuần sau chị em mình về hén!”.

Tiếng cậu tôi lạo xạo, lúc được lúc mất. Không rõ ngồi trong góc đi văng mải nói chuyện gì đó với đám cháu nhỏ xúm xít xung quanh, dì tôi có nghe không. Chỉ nghe dì hỏi với: “Anh Hai, chị Tư về kịp giỗ không con?”.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI