Cách thị xã Mèo Vạc hơn 20km, ở cuối con đường ngoằn ngoèo quanh vách núi, Khau Vai nằm lọt ở thung lũng, xung quanh là những dãy núi cao, đẹp như một bức tranh. Dù được người dẫn đường giới thiệu trước, rằng Khau Vai là xã nghèo của huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) nhưng cảm giác xã nghèo không “vấn vương” trong tâm trí những người khách lạ lần đầu tiên đến Khau Vai, chỉ thấy ở đó những nụ cười rất hồn nhiên của những người dân địa phương như lan truyền năng lượng tích cực cho người lạ đến thăm.
Cuộc tình hóa giải hận thù
Nhắc đến địa danh Khau Vai, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến phiên chợ tình nổi tiếng ngày 27/3 (âm lịch) hằng năm, thời điểm được ví như ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Huyền thoại được kể từ một trăm năm trước, có nàng Út, con gái cưng của tộc trưởng người Giáy, đem lòng yêu chàng Ba, con một bà mẹ người Nùng nghèo khó. Không chỉ không môn đăng hộ đối, tình yêu của đôi trai gái còn bị ngăn cấm quyết liệt vì tục lệ bao đời con cái người Giáy không được phép lấy người Nùng. Quyết định cùng nhau bỏ trốn lên núi Khau Vai để được sống bên nhau, cuộc trốn chạy của họ đã châm ngòi cho xung đột giữa người Nùng và người Giáy. Không cam tâm nhìn cảnh tang thương, đôi trai gái gạt nước mắt chia tay, hẹn sẽ trở lại tìm nhau hằng năm… Rồi một lần, khi gặp nhau, họ đã chết cùng nhau để được ở cạnh nhau mãi mãi.
|
Học sinh trường nội trú phải đi khoảng 800m để xách nước vệ sinh cá nhân vào buổi sáng.
|
Dường như cái chết của đôi trai gái đã thức tỉnh những người còn sống để người Giáy và người Nùng xích lại gần nhau hơn. Thôn Khau Vai ngày xưa vốn chỉ có người Nùng, giờ có cả người Giáy, người Mông, người Dao... sống hòa thuận.
Với người dân Khau Vai, nàng Út, chàng Ba giờ đã là những huyền thoại, được tôn thờ bởi sự thủy chung son sắt. Nằm cách nhau khoảng 400m, đền thờ họ được những hàng cây cổ thụ che chở, quanh năm rì rào tiếng gió thổi như tiếng sáo của chàng Ba năm xưa.
Dù cuộc gây hấn giữa người Giáy và người Nùng được kể rõ trong huyền thoại nhưng đứng giữa thôn Khau Vai, nhìn nụ cười hiền hòa của những con người nơi đây, khó ai có thể hình dung giữa họ từng có cuộc chiến một mất một còn. Người Nùng, người Giáy giờ yêu thương nhau hệt như những người trong cùng dòng tộc.
Cô giáo người Nùng có thể thức từ 5 giờ sáng, vào tận trong thôn kịp đón trẻ con đồng bào Giáy, Mông… ra trường mẫu giáo xã trước khi cha mẹ đi làm. Và cô giáo người Giáy yêu thương, chăm sóc những đứa trẻ là con các đồng bào dân tộc khác như chính con cháu mình.
|
Sân chơi chung của trẻ thơ. |
Hình ảnh ba chị em quấn chân cô giáo trẻ, chờ cô đùm túm thức ăn, rồi ân cần dặn dò chị lớn chăm sóc, chia bữa ăn cho các em… ngỡ họ là những người thân trong một gia đình. Hỏi ra mới biết, cô chỉ là cô giáo, thương ba chị em mẹ mất sớm, cha đi làm xa nên mỗi ngày cô vào tận nhà chở chị đi học, chở theo cả hai em bé đến trường để chị yên tâm ngồi học. Cô vận động nhà trường nuôi cơm cả ba chị em. Bữa trưa ăn tại trường, bữa chiều cô gói ghém cho các con mang về nhà. Cô kể chuyện lo cho học trò nghe nhẹ tênh, như đó là chuyện tất yếu cô phải làm.
Tìm về chốn hồn nhiên nguyên sơ
Tôi đến Khau Vai không lâu sau phiên chợ tình, không khí lễ hội như vẫn vương vấn núi rừng nơi đây. Những người vợ vừa thoăn thoắt lượm lúa, sàng gạo, lặt rau, chuẩn bị bữa trưa cho chồng con, vừa hồn nhiên kể về chợ tình, về đêm hát giao duyên… Hỏi họ: “Có sợ chồng (vợ) ghen?”, câu trả lời của số đông rất giản dị: “Không ghen, vì chợ tình là lễ hội truyền thống hằng năm ở đây rồi”. Gác lại nhộn nhịp, mỗi người lại trở về với nếp sống thường nhật đơn sơ, giản dị bên gia đình, người thân.
|
Hai chị em |
Khoảng không gian rộng nằm ở cuối trục đường bê tông chính của thôn Khau Vai giờ trở thành sân chơi chung của những đứa trẻ các dân tộc là người của thôn hoặc đang học ở ngôi trường nội trú trên đồi cao. Trẻ thơ ở Khau Vai vẫn giữ được sự hồn nhiên “nguyên sơ”, không hề chịu tác động bởi làn sóng du khách như trẻ ở những địa phương đang phát triển du lịch khu vực đông bắc, tây bắc.
Những đứa trẻ ở Khau Vai đứng “bên ngoài” sự phát triển của internet, trò chơi điện tử, thiết bị di động… Trò chơi của trẻ là đuổi bắt hoặc dung dăng dung dẻ khoác vai nhau đi quanh thôn. Những bé gái túm tụm trò chuyện, thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Trẻ của các gia đình “có điều kiện” hơn thì đạp xe, phía sau xe cột thêm chiếc xe bé xíu hình những con thú cưng… Sân chung của thôn giờ tan học rộn rã tiếng cười đùa.
Nơi bình yên ở lại
Một cậu bé chừng 8 tuổi dựng chiếc xe đạp cũng bé tẹo như cậu trước sân ngôi nhà gỗ đẹp nhất thôn. Cậu vào nhà mở ti vi màn hình phẳng, có lẽ cũng “xịn” nhất thôn rồi mở toang cửa. Năm sáu đứa trẻ khác, lớn hơn “cậu chủ nhà” vài tuổi tiến đến bậc thềm phía trước sân ngồi xem ti vi ké. Những đứa trẻ ngồi hàng giờ như thế, cậu bé chủ nhà có ngồi ngay cửa hay đi đâu khỏi nơi ấy thì cánh cửa vẫn cứ mở toang và màn hình ti vi vẫn nhảy nhót. Tất cả yên bình, mộc mạc đến lạ - những hình ảnh ngỡ như chỉ còn trong tiềm thức của người dân đô thị, thậm chí rất nhiều vùng nông thôn từ hai mươi, ba mươi năm trước.
Nghe người lạ xin được chụp ảnh cùng, các cậu bé “lẻn trốn” thật nhanh, chỉ còn các cô bé dẫu rất ngượng ngập nhưng vẫn đứng lại. Các bé nép vào nhau làm người mẫu bất đắc dĩ. Những chiếc máy ảnh vừa hạ xuống, bọn trẻ liền chạy vụt đi, không hề có ý nghĩ phải vòi vĩnh xin tiền, xin quà. Một bé gái chừng 6 tuổi địu em trai đang tung tăng trước sân, thấy ống kính đưa về phía mình liền nở nụ cười thật tươi. Đáng yêu hơn, bé còn vừa lắc em, vừa nhắc em cười…
Bạn không cần chờ những phiên chợ tình nhộn nhịp mới tìm đến Khau Vai để trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của vùng cao nguyên đá tuyệt đẹp mà luôn có thể đến vùng đất này vào những ngày bình lặng nhất để nghe lòng mình yên bình đến lạ, để thấy nể phục hơn những người dân dẫu còn nhiều khó khăn nhưng sống lạc quan, nhân hậu và để được nghe tiếng cười trẻ thơ trong veo giữa tiếng lá rừng xào xạc.
|
Một góc thôn Khau Vai nhìn từ trên cao. |
- Bạn có thể đi xe ôm hoặc taxi từ Mèo Vạc đến Khau Vai hoặc tự đi bằng xe máy thuê ở Mèo Vạc.
- Chợ phiên Khau Vai họp vào Chủ nhật hằng tuần, trong ngày này sẽ có xe khách Mèo Vạc - Khau Vai khởi hành lúc 5 giờ sáng.
- Ở Khau Vai hiện có 4 homestay khá sạch sẽ với mức giá rất bình dân: 80.000 - 100.000 đồng/người/đêm. Có thể đặt các bữa ăn ở homestay với nhiều món được chế biến từ vật nuôi, cây trồng ngay tại thôn. Giá một phần ăn từ 150.000 - 200.000 đồng (gồm các món được chế biến từ lợn bản, gà đen, bò, rau rừng...).
Một số homestay phổ biến tại Khau Vai: Homestay Lương Văn Hùng - ĐT: 0982 125 802, Homestay Lý Hồng Páo - ĐT: 0856 716 173, Homestay Linh Thị Khuầy - ĐT: 0837 564 413...
Thảo Vân