Về hưu rực rỡ: Thiết kế một cuộc đời mới

22/12/2022 - 20:00

PNO - Nghỉ hưu được xem như một phần thưởng sau những tháng năm vất vả phấn đấu. Tuy nhiên, quãng thời gian chuyển giao này có thể gây ra sự xáo trộn về tâm lý.

Nhớ và tiếc thời oanh liệt

Ông Trần Hoàng là thượng tá quân đội vừa nghỉ hưu. Sau bao năm công tác xa nhà, giờ đây ông đã được về gần vợ con. Chế độ hưu trí cho sĩ quan tốt, ai cũng chúc mừng ông vì giờ đã xong xuôi trách nhiệm và có thể yên trí nghỉ ngơi.

Vậy mà ông Hoàng không thấy vui. Mấy chục năm giữ chức chỉ huy “thét ra lửa”, một lời nói của ông khiến hàng chục hàng lính phải theo răm rắp. Giờ đây, ông chỉ là một lão già quanh quẩn trong nhà, hết nằm lại ngồi, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Tưởng rằng cần thời gian để làm quen với cuộc sống mới, nhưng ông Hoàng ngày càng cảm thấy buồn chán, thậm chí gặp chứng mất ngủ và chán ăn. Nhờ sự động viên của vợ con, ông đi khám và biết mình mắc chứng trầm cảm tuổi nghỉ hưu.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Bà Minh Hương - giáo viên tiếng Anh tại một trường cấp III - là người luôn có kế hoạch rõ ràng cho mọi thứ. 5 năm trước khi về hưu, bà đã lên kế hoạch về tài chính. Ngoài đồng lương hưu giáo viên, bà tích cực nhận kèm thêm con cháu người quen tại nhà để tích cóp khoản dự phòng. Với khoản tiền lương hưu từ bảo hiểm xã hội và số tiền kiếm thêm, bà yên tâm bước vào tuổi nghỉ hưu.

Bà phấn khởi chia tay đồng nghiệp học trò và cảm thấy vô cùng trọn vẹn. Vậy là sau bao năm vất vả, giờ là lúc bà được nghỉ ngơi. Không còn phải thức đêm soạn bài, chấm bài. Không còn những đợt kiểm tra của các cấp trên. Chỉ nghĩ đến thôi bà đã thấy nhẹ lòng.

Vài tháng đầu, mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch của bà Hương. Sáng sáng, bà thong thả dậy đi tập yoga rồi đi chợ. Sau đó về nhà, bà dọn dẹp nhà cửa, trồng thêm ít rau trên sân thượng rồi lại nấu cơm trưa. Buổi chiều, bà đi gặp bạn bè hoặc đưa cháu đi chơi, loáng một cái lại tới giờ cơm tối. Bà tưởng như mình đang sống những ngày tháng nhàn nhã nhất đời.

Vậy mà khi bước sang tháng thứ tư, không hiểu sao bà bắt đầu cảm thấy trống vắng. Những việc 3 tháng qua bà vẫn làm vui vẻ, bỗng trở nên nhàm chán. Bà bắt đầu nhớ cảm giác đến trường mỗi ngày, nhớ sự bận rộn của công việc.

Bây giờ bà cũng chẳng thiếu việc để làm, nhưng những việc không tên ở nhà không khiến bà cảm thấy có nhiều giá trị. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Bối rối vì thiếu mục đích sống

Khi nói đến việc chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu, chúng ta thường chỉ quan tâm tới tài chính. Nhiều người không hề biết, sự chuẩn bị về mặt tâm lý vô cùng quan trọng. 

Tuy rằng nghỉ hưu được xem như một phần thưởng cho những năm dài vất vả phấn đấu, quãng thời gian chuyển đổi này có thể gây xáo trộn về tâm lý mà nhiều nhất là do thiếu mục đích sống. Nếu như trước đây, công việc là lý do khiến họ thức dậy mỗi ngày, thì nay họ không biết mình sẽ tiếp tục sống với mục đích gì. 

Những tưởng có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, đồng nghĩa với ít áp lực hơn, nhưng hóa ra ngược lại. Mỗi ngày mở mắt ra, họ phải quyết định xem hôm nay mình sẽ làm gì và việc đó có nhiều ý nghĩa hay không. Về lâu dài nếu không tìm được mục đích sống mới, họ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.

Iris Waichler - một chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi tại Chicago (Mỹ) - cho biết: “Với nhiều người, công việc chính là điều tạo ra ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống. Khi không còn công việc, họ có thể gặp khó khăn khi tìm một việc gì khác để thay thế”. Cũng theo bà Waichler, công việc mang lại cho con người những lợi ích: cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành, cơ hội giao lưu với người khác và vận dụng kỹ năng, trí tuệ của bản thân. Khi môi trường này không còn nữa, chán nản và thậm chí trầm cảm có thể xuất hiện. 

5 bước chuẩn bị cho tuổi về hưu 

Dù đang ở giai đoạn chuẩn bị hay đã thực sự bước vào tuổi nghỉ hưu, những gợi ý dưới đây có thể giúp chúng ta đối mặt với giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn này. 

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

 

1. Tìm mục đích sống mới

Đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất để tránh trầm cảm tuổi nghỉ hưu. Có một lý do rõ ràng để thức dậy mỗi ngày, ta sẽ dễ cảm thấy hạnh phúc hơn trong mỗi việc mình làm. 1 nghiên cứu của 2 nhà khoa học người Canada Patrick Hill và Nicholas Turiano đã cho thấy, những người sống có mục đích rõ ràng có tuổi thọ cao hơn. 

Làm sao để tìm được mục đích sống mới khi không còn phải phấn đấu trong sự nghiệp? Hãy dành thời gian quan sát bản thân và lựa chọn cho mình một mục đích sống phù hợp nhất bên ngoài công việc. Ông Hoàng trong câu chuyện đầu bài, sau một thời gian rơi vào trầm cảm và nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh này tới sức khỏe, ông quyết định trước hết phải tìm lại trạng thái khỏe mạnh về thể chất. 

Bắt đầu từ những bước nhỏ, như đăng ký tập thể dục tại một trung tâm thể thao, rồi tới chế độ ăn uống cũng được ông nghiên cứu và thay đổi. Các chỉ số mỡ trong máu, đường trong máu dần cải thiện, giấc ngủ cũng ngon hơn - những kết quả khả quan này khiến ông cảm thấy mình đã thành công chút ít.

2. Thiết kế một lịch trình mới và duy trì giao tiếp

Việc tìm mục đích sống tuy quan trọng, nhưng không phải tìm là thấy ngay lập tức. Vì vậy, trong lúc chờ đợi, trước hết hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ hơn. Ta nên tránh việc thả trôi mình trong cảm giác uể oải, mặc kệ cho một ngày của mình diễn ra tùy hứng. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch rõ ràng cho mỗi ngày với khung giờ cụ thể. Ví dụ như thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, tập thể dục và ăn sáng tới 7 giờ, sau đó sẽ đi ra ngoài gặp ai, làm gì…

Đừng loanh quanh trong nhà cả ngày, dù không có công việc gì phải ra ngoài. Một trong những sự mất mát lớn nhất khi nghỉ hưu chính là mất đi môi trường giao tiếp xã hội với đồng nghiệp. Ta hãy chủ động hẹn gặp bạn bè, đến chơi nhà người thân để tiếp tục duy trì giao tiếp xã hội. Một số người hướng nội có thể thấy ngại đi ra ngoài và chủ động tạo cơ hội giao tiếp với mọi người. Nhưng nếu vượt qua cảm giác ngại ngùng ban đầu này, ta sẽ nhận thấy mình vui vẻ và tích cực hơn khi thường xuyên gặp gỡ và giao lưu với mọi người.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

3. Tham gia hoạt động xã hội

Người Việt thường có thành kiến rằng người đứng ra chịu trách nhiệm cho các hoạt động chung của cộng đồng là người “vác tù và hàng tổng”. Nhưng nếu là một người hướng ngoại hoặc yêu thích các hoạt động xã hội, đây có thể là một công việc nghiêm túc rất có lợi cho sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Các hội nhóm phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh hay tổ dân phố, phường, xã... đều rất cần những người “xung phong” nhận trách nhiệm tổ chức. Có vị trí có thù lao, có vị trí làm không công, nhưng dù có hay không thì đây cũng là cơ hội tốt để ta thể hiện khả năng tổ chức, giao tiếp với nhiều người và tạo thêm nhiều mối quan hệ mới. Sự bận rộn và vui vẻ khi tham gia công tác xã hội sẽ giúp chúng ta “đánh bay” cảm giác buồn chán quẩn quanh và thấy mình còn nhiều giá trị cho cộng đồng.

4. Tiếp tục làm việc nếu có thể 

Ngay cả khi đã tích lũy nguồn tài chính ổn định cho giai đoạn nghỉ hưu, bạn hãy cứ tiếp tục công việc của mình nếu có thể. Tại sao lại không, trong khi ta có thời gian, đủ sức khỏe và kinh nghiệm? Lúc này, ta hoàn toàn có quyền chọn làm việc ở mức độ vừa phải theo ý muốn mà không bị ràng buộc vào thu nhập hay chức vị.

Bà giáo Hương đã nảy ra ý tưởng tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong khu phố. Ý tưởng của bà được hàng xóm hoan nghênh tới mức người thì cho mượn phòng học, người cho bộ bàn ghế cũ, người tặng tấm bảng đen mới tinh. Vậy là 3 buổi tối mỗi tuần, bà Hương được trở lại làm cô giáo trên bục giảng. Chưa bao giờ bà thấy mình dạy học trò hăng say đến vậy. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

5. Đừng quên vận động hằng ngày

Vận động có lẽ là cách nhanh nhất để đẩy lùi trầm cảm. Khi chúng ta vận động, cơ thể sản sinh ra hoóc-môn dopamine và endorphin có tác dụng giảm đau, đem lại cảm giác sảng khoái, phấn chấn. Việc tập thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp làm chậm quá trình lão hóa, tăng tuổi thọ và cải thiện trí nhớ. 

Bạn có thể bắt đầu từ những bộ môn nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe cho đến những bộ môn “thử thách” hơn như leo núi, bơi lội, cử tạ... Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu chăm lo cơ thể mình. Chỉ cần bạn tìm ra “món” phù hợp với sở thích và tập ở mức độ vừa sức để không nản chí. 

Nguyễn Thu Thủy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI