Về hưu: 'ra rìa' hay cơ hội?

19/05/2015 - 13:27

PNO - PN - ''Vậy là rõ rồi nhé, ta sắp sửa bước vào một giai đoạn mới, với tâm thế của một người đã xong nhiệm vụ với xã hội''

edf40wrjww2tblPage:Content

Ve huu: 'ra ria' hay co hoi?

Ngày... tháng... năm 2013

Hôm nay, lần đầu hai chữ "về hưu" xuất hiện trong tâm trí mình. Ừ, cũng phải thôi, chỉ còn hai năm nữa... Nghĩ đến từ bây giờ, để sẵn sàng chuẩn bị cho ngày ấy, đâu phải là quá sớm, đúng không?

Cảm giác đầu tiên là gì nhỉ? Thoáng giật mình thảng thốt! Thế là gió heo may đã về; thời gian thấm thoát thoi đưa... Chẳng ai có thể cưỡng lại được quy luật của thời gian. Có những thời điểm cố định sẽ đến, mặc cho ta có muốn hay không. Vậy thì, hãy hít thở một hơi thật sâu nhé, rồi từ từ... suy nghĩ, sắp xếp và chọn lựa để chuẩn bị một tinh thần, thái độ sao cho thích nghi tốt nhất với hoàn cảnh mới.

Ngày... tháng... năm 2014

Có những người bạn của mình chép miệng: "Ôi, chị còn trẻ quá, tràn đầy năng lượng thế này, mà đã sắp về hưu rồi sao, uổng quá...". Nghe vậy, lúc đầu mình thấy vui và rồi cũng thấy... uổng thiệt chứ! Với lối suy nghĩ tích cực, luôn lạc quan năng động, luôn tìm tòi học hỏi, mình thường được khen trẻ hơn tuổi rất nhiều. Vầy mà... sắp phải "bỏ cuộc chơi", trở thành người "ra rìa", đứng ngoài cỗ máy vận hành quen thuộc...

Chẳng thể ngăn nổi tiếng thở dài... Thế nhưng... Lại hít thở một hơi thật sâu nữa và thấy sáng vấn đề: mình sắp sửa hoàn thành nhiệm vụ đối với xã hội, chứ có phải bị phủ nhận, bị gạt ra ngoài đâu! Và hoàn thành nhiệm vụ, khi vẫn còn tươi trẻ, vẫn tràn đầy năng lượng, điều ấy chẳng phải là một hạnh phúc quá lớn hay sao?

Ngày... tháng... năm 2014

Lương hưu chẳng bao nhiêu, thu nhập bị giảm sút dĩ nhiên... không vui. May là mình đã có ý thức chuẩn bị từ khá lâu để có một nguồn lợi tức cố định cùng khoản lãi suất tiết kiệm trong ngân hàng, giúp mình không phải căng thẳng chuyện tiền nong. Bên cạnh đó, mình vẫn có thể tiếp tục làm thêm những công việc thuận tay, và... nếu còn sung sức, sao không thử một số lĩnh vực mới? Tất nhiên, điều hết sức quan trọng nữa là trong chi tiêu hàng ngày cần tiết kiệm hơn, đừng phung phí cho những việc mua sắm không cần thiết…

Ngày... tháng... năm 2014

Hầu như mọi người khi đứng trước cái mốc "sự kiện của đời người" này đều có chung một lo lắng sẽ rơi vào cảm giác trống trải, hụt hẫng... "Nhàn cư vi bất thiện" - thời gian rảnh rỗi nhiều sẽ dễ tạo cơ hội cho những ý nghĩ tiêu cực xuất hiện và nhấn chìm ta trong một mớ bòng bong suy nghĩ lộn xộn... Vậy thì đừng để điều ấy xảy ra nhé! Quá rảnh rỗi ư? Đấy chính là cơ hội để ta tự chăm sóc bản thân: tập yoga, khiêu vũ đều đặn.

Ta sẽ có điều kiện thực hiện những dự tính, mong muốn chưa làm được: thường xuyên tham gia những chuyến công tác từ thiện, trồng rau sạch trên sân thượng, học đàn, học vẽ, đi du lịch xuyên Việt... Sẽ tham dự thường xuyên các lớp chuyên đề về sức khoẻ, về nữ công gia chánh. Sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, ngồi hàng giờ đọc sách trong công viên bên thảm cỏ xanh mướt... Và thật nhiều điều khác nữa...

Ngày... tháng... năm 2015

Còn một điều “lăn tăn” cuối cùng, những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thì sao nhỉ? Mình tin rằng tình cảm thực sự sẽ chẳng mất đi, nếu ta biết giữ gìn, vun đắp. Mình sẽ vẫn giữ liên hệ thân tình với đồng nghiệp cũ, sẽ tha hồ tung tăng cà phê cùng những người bạn tâm giao. Ngoài ra, sẽ có nhiều dịp để tiếp xúc, quen thêm những người bạn mới trong các lớp học, các hoạt động mới; sẽ có nhiều thời gian qua lại, gần gũi hơn với bà con lối xóm...

Vậy là rõ rồi nhé, ta sắp sửa bước vào một giai đoạn mới, với tâm thế của một người đã xong nhiệm vụ với xã hội. Cái viễn cảnh "tỷ phú thời gian" có vẻ rất rộn ràng, chứ đâu có gì đáng sợ! Hãy tiếp tục hít thở nhẹ nhàng và an nhiên, ung dung bước tới nhé, tôi ơi!...

 YẾN NGA

Chị Hồng Mai (Q.3. TP.HCM):

Bà Nguyễn Kim Anh là cô họ của tôi, năm nay 73 tuổi, sống ở KP.2 , P.16, Q.4, TP.HCM về hưu đã lâu, nhưng tôi thấy bà chưa nghỉ hoạt động ngày nào. Bà luôn không đủ thời gian để làm việc nhà, việc tổ dân phố, việc giúp đỡ người quen, và cả việc người dưng.

Ngoài thời gian lo cho ba bữa ăn gia đình, đưa đón và chăm sóc cháu ngoại, bà tham gia hoạt động ở tổ dân phố, ở phường, gặp gỡ nhiều phụ nữ đơn thân khó khăn và hỗ trợ người này, người kia... Tết vừa rồi, có ai đó gửi tặng bà một bó hoa đẹp mà cả nhà đoán già đoán non không ra tác giả. "Mẹ giúp đỡ nhiều người, có ai đó muốn lặng lẽ bày tỏ lòng cảm ơn chăng", chị Kim Ngân, con gái bà nói.

Chị Minh Lê (54 Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, TP.HCM):

Lễ, tết, hè tôi mời cha mẹ từ quê vào chơi với cháu, nhưng thật ngạc nhiên là ông bà luôn than thở “muốn đi mà không thể thu xếp”. Nào là hội đồng hương, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, tổ dân phố... chỗ nào ông bà cũng nói “không vắng tau được”. Thấy ông bà cao tuổi mà bận rộn với quyên góp từ thiện, tổ chức văn nghệ, giao lưu, tham quan, hành hương... con cái nhắc cha mẹ nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng ông lại lo ngồi không sẽ ”buồn chân buồn tay” mà đổ bệnh. Bà hay tâm tình: quyết định “về hưu non" từ 20 năm trước của bà vừa giảm biên chế cho nhà nước, nhường việc làm cho lớp trẻ, vừa mở ra một cuộc sống mới, sôi động hơn hẳn.

Anh Việt Hùng (đường Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Mẹ vợ tôi năm nay gần thất thập, nhưng chúng tôi còn phải theo dài dài. Bà tập dưỡng sinh, học khiêu vũ để cải thiện sức khỏe và tinh thần. Bà cùng những người bạn thời xưa lập hội đan len, làm con thú dễ thương, nhờ chúng tôi vừa bán vừa tặng trên facebook. Tết rồi tôi giúp bà đi giao cả chục bộ đồ cho bé sơ sinh. Bây giờ bà cũng vào internet, tự mày mò quản lý trang facebook của mình. Tôi thấy bà chẳng có thời gian để buồn.

Cha vợ tôi cũng không kém cạnh, ở tuổi 70 ông vẫn là cây vợt bóng bàn siêu đẳng, con cháu chưa “hạ” nổi. Cách đây hai năm, ông khiến nhiều người bật cười khi cắp sách tới lò Anh văn học cùng bọn “trẻ trâu”, giờ thì ông đã giao tiếp rất tốt khi đưa bà du lịch nước ngoài.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI