Về Hầm Hô nghe tiếng nghĩa quân Tây Sơn

30/04/2016 - 06:45

PNO - Dịp 30/4 năm trước, tôi đưa con tham quan Hầm Hô (H.Tây Sơn, Bình Định), nơi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh để cháu hiểu thêm về lịch sử.

Kết quả hơn cả mong đợi, sau chuyến đi, cháu và các bạn đã tự tìm rất nhiều sách báo để đọc về vua Quang Trung Nguyễn Huệ và dựng cả vở kịch nhỏ về nghĩa quân Tây Sơn.

Ba cặp mẹ con chúng tôi lên tàu ở ga Sài Gòn lúc 20g tối hôm trước và có mặt ở thành phố biển Quy Nhơn lúc 11g trưa hôm sau. Ngay cửa ga đã có những người mời chào thuê xe máy. Chúng tôi bàn nhau rồi thuê ngay ba chiếc xe, chất đồ và lên đường đi về hướng Tây.

Ve Ham Ho nghe tieng nghia quan Tay Son
Nước suối Hầm Hô mát rượi dù trời nắng cỡ nào - Ảnh: T.M.

Trời tháng Tư nắng lớn, chúng tôi bon bon trên quốc lộ rộng và đẹp, băng qua những hồ sen, những khu dân cư mới, rồi tới những ngôi làng xanh mướt bóng tre, trắng phau cánh cò. Vượt qua hai cụm tháp Chàm nổi tiếng, khi chúng tôi cách Quy Nhơn chừng 40km thì có chiếc bảng báo rẽ trái để đi Hầm Hô. Qua ngôi chợ quê, cả nhóm dừng ăn trưa để thử những đặc sản xứ Tây Sơn như nem, bánh tráng, bún cá...

Tiếp tục lên đường, tôi nói với con trai ngồi sau về những gì đã biết: Hầm Hô là hầm nước lớn, nơi ngày xưa nghĩa quân Tây Sơn nếm mật nằm gai, luyện binh để chờ ngày khởi nghĩa. Do địa lý đặc biệt của các khe núi và suối, người quanh vùng nói họ vẫn nghe trong tiếng gió, tiếng nước reo có tiếng hô vang dậy của nghĩa quân năm nào. Từ đó tên Hầm Hô hình thành.

Câu chuyện của tôi khiến những đứa bé trong đoàn sốt ruột. Những bụi cỏ lau nở bông trắng trời, những mỏm đá mang hình thù kỳ dị trên đường đi cũng khiến chúng gợi lại chuyện cờ lau áo vải thời cha ông dựng nước. Đường dài như ngắn lại và trước mắt chúng tôi sớm hiện ra cổng khu du lịch, trên bãi đậu có cả biển số xe các tỉnh thành phía Nam.

Sau khi mua vé đi đò cùng 10.000đ phí bảo vệ môi trường, chúng tôi chia cặp để xuống những chiếc độc mộc tiến vào sâu trong rừng. Chiếc thuyền nhỏ được chống đẩy bằng sào trôi nhẹ giữa lạch nước êm ái, dưới những tán cây mát Về Hầm Hô nghe tiếng nghĩa quân Tây Sơn rượi ken dày trên đầu, những bụi hoa rù rì trắng muốt hai bên cùng tiếng nước ì oạp mạn thuyền. Lùa tay xuống nước, nhiều người kêu lên: “Nước mát như ướp đá”. Anh lái đò giải thích, chúng tôi đang đi lên thượng nguồn, nước từ lòng núi chảy ra nên mát lạnh, dù trời có nắng cỡ nào.

Hết đoạn lạch râm mát, trời nước mênh mông mở ra và thuyền chúng tôi như rơi tõm vào khung cảnh hùng vĩ. Nhiều người gọi nơi này là công viên đá, bởi đá lổn nhổn khắp nơi với vô số hình thù như con rồng, con voi, con cá, ngôi nhà, đóa hoa, cổng chào... Gió lồng lộng thổi, những đứa trẻ nhắm mắt lại để hình dung trong tiếng suối đổ ầm vang là tiếng hô tập trận của nghĩa quân Tây Sơn rồi tranh nhau kể chúng nghe thấy gì. Có đứa còn cho biết nghe thấy cả tiếng voi rầm rập.

Vượt qua thuyền chúng tôi còn có những du khách ưa mạo hiểm, họ chọn thuyền kayak để chèo dưới sự “kèm cặp” của hướng dẫn viên bản xứ. Nhìn sang hai bờ suối đá, tôi có cảm giác nhỏ bé giữa rừng núi ngút ngàn. Dọc chân núi, những ngôi nhà làm bằng cây được dựng hai-ba tầng cho khách thuê nghỉ ngơi, ăn uống.

Ve Ham Ho nghe tieng nghia quan Tay Son

Đích của hành trình chỉ là bãi đá mênh mông, nơi con suối luồn ra từ đỉnh núi. Nước suối phẳng lặng điểm vài bãi cát nho nhỏ trắng phau. Do đi cùng trẻ nhỏ, chúng tôi không trèo lên cao hơn để tìm ra những cái hang mà nghĩa quân Tây Sơn náu mình. Nhưng đứng giữa bề mặt bằng phẳng của những tảng đá khổng lồ, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều phấn khích biểu diễn vài đường quyền tự chế, thấy lịch sử như chảy cuồn cuộn trong huyết quản.

Hoàng Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI