Về Hải Hậu, nôn nao nhớ nan tre một thuở

28/08/2020 - 15:36

PNO - Khi nhịp sống hiện đại dần chen chân vào những làng quê yên bình của huyện Hải Hậu, tre dần trở nên vắng vẻ hơn.

Với người dân vùng chân sóng huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), cây tre bao đời nay là công cụ trong lao động sản xuất và gắn bó thân thiết với đời sống sinh hoạt của con người. Họ dùng tre để làm nhà ở, cối xay tre, rổ rá, thúng mủng dần sàng.... Chính vì thế cây tre thật thân thương với người nông dân khuya sớm của vùng đất này.

Hai mươi, ba mươi năm về trước, nhắc tới Hải Hậu, ngoài những cánh đồng lúa màu mỡ phù sa và sản vật nông nghiệp trù phú, khắp làng trên xóm dưới đâu đâu cũng thấp thoáng hình bóng của lũy tre làng. Thậm chí, ven các xã như Hải Quang, Hải Hà, Hải Phúc, người ta đi học, đi làm, đều ven những con đường rợp bóng tre xanh, mọc lên cạnh những cầu ao, những bờ sông. Người và tre gắn chặt nhau như hình với bóng, trong cuộc sống làm ăn mỗi ngày.

Tất nhiên, khi nhịp sống hiện đại dần chen chân vào những làng quê yên bình của huyện Hải Hậu, tre dần trở nên vắng vẻ hơn. Khi nhiều sản phẩm được đan ra từ cây tre như rổ, rá, dần, sàng… dần được thay thế bằng sự mới mẻ, đa sắc của đồ nhựa. Không kịp níu giữ, những đồ dùng trong việc nấu nướng mỗi ngày như cái rổ, cái rá cũng vì thế dần nhạt đi. Hay những cái giỏ bắt cua được đan khéo léo giờ đây chỉ là ký ức.

Nhưng điều ấy không làm chùn chân những người con Hải Hậu được sinh ra và lớn lên bên chõng tre, bên mái hiên nhà rợp bóng tre, bên đôi bàn tay chằng chịt vết cắt của tre của nứa mà cha ông bao đời cần mẫn bên trái bếp để đan ra chiếc rổ, chiếc rá nuôi họ lớn khôn.

Nói tới nghề này, sao có thể không nhắc tới làng nghề đan lát thủ công Hai Giáp ở Hải Hậu – Nam Định.

Cũng tại làng Hai Giáp, nhiều đứa trẻ lớn lên trước khi học cái chữ của nhà trường thì chúng đã được mẹ dạy cho thế nào là nong mốt, nong hai, lựa nan nào cho dẻo để buộc cạp cái rá cái rổ. Nhiều em bé mới bảy, tám tuổi còn biết chẻ lạt nhặt nan gài lại cái dậm cái giỏ tre cũ gãy nan.Nhờ có tre mà làng nghề đan lát thủ công Hai Giáp ở xứ biển Hải Hậu có thời kì đã từng phát triển mạnh mẽ giúp đời sống của người dân nơi đây được nâng cao. Đó là xứ đạo Hai Giáp - một xứ đạo hiền hòa với con đường um tùm bóng tre xanh râm mát. Nơi này, xưa kia khắp làng là những lò hun khói xông rổ rá tỏa khói trắng mờ ngai ngái mùi tre tươi. Đêm khuya bên ánh đèn dầu người dân vẫn cần mẫn với những nan rổ nan rá, cạp thúng cạp nia để ngày mai quẩy gánh đi phiên chợ sớm.

Nơi này, bàn tay đảm khéo mềm mại của con gái làng Hai Giáp đã đem nghề đan lát tre nứa truyền thống của làng mình về quê chồng. Chiếc mâm tre tinh xảo, chiếc hom gió, cái đó, cái lờ đánh bắt cá cũng lần lượt ra đời và phát triển thêm ở vùng quê khác. Có những chiếc làn mây xinh xắn được nâng niu ở xứ người hàng mấy chục năm vẫn chưa hỏng.

Trở lại Hai Giáp sau hơn 30 năm, “làng tôi xanh bóng tre” giờ không còn nữa. Nông thôn mới phát triển đường đã được bê tông hóa sạch đẹp khang trang. Hai bên lề đường trồng hoa mười giờ đỏ rực.

Tôi bần thần đi đến cuối làng chợt mừng rỡ khi vẫn còn một bụi tre xanh tốt. Bụi tre cô đơn nhưng vẫn hiên ngang như thách thức với với thời gian và cuộc sống công nghiệp hóa hiện đại. Con ngõ nhỏ đưa tôi vào nhà chị Ngô Thị Mến người phụ nữ hơn năm mươi tuổi vẫn miệt mài cần mẫn với nghề đan tre mây mà ông cha để lại. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của chị đang cạp rổ tôi ướm hỏi và được chị chia sẻ.

 Chị Ngô Thị Mến gắn bó với nghề đan suốt từ tấm bé đến nay
Chị Ngô Thị Mến gắn bó với nghề đan tre suốt từ tấm bé đến nay

Cầm chiếc rổ tre xinh xắn trên tay, tôi hỏi giá tiền và được chị Mến chia sẻ tiếp: chiếc rổ này giá chỉ có 15 ngàn, chiếc rá kia cũng 15 ngàn, còn cái giỏ đi bắt cua là mười ngàn đồng. Một cái giá rất rẻ đối với sản phẩm thủ công truyền thống. Chỉ Mến thở dài tâm sự: “Thời buổi bây giờ người khôn của khó, hàng nhựa sản xuất ra không bền như đồ tre mây rất rẻ và đẹp lại tiện dụng cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng thường đổ xô đi mua đồ nhựa vì hợp túi tiền hơn nên chúng tôi sản xuất đồ mây tre đan cũng chẳng dám nâng giá bán cao hơn. Nếu bán đắt thì cũng chỉ gánh về nhà mà dùng thôi. Nhiều khi cũng nản nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ cái nghề của cha ông khỏi thất truyền.

Làng Hai Giáp giờ đây chỉ còn có 8 hộ theo nghề đan tre mà thôi. Đó là những hộ có người già, vì yêu nhớ nghề cha ông mà họ không thể nào để nghề làng mình thất truyền được. Đan có miệt mài cả ngày cũng chỉ được 35 ngàn tiền công mà thôi. Nhưng nếu không nhìn thấy những chiếc rổ rá, thúng múng, sản phẩm mình làm ra thì những người già sẽ buồn lắm. Có người con cái đi làm ăn xa gửi tiền về biếu cha mẹ thừa ăn, nhưng họ vẫn cặm cụi chẻ tre vót lạt đan cái rổ cái thúng đi chợ bán cho vui. Cảm giác muốn hòa quyện vào văn hóa cộng đồng, bảo tồn di sản văn hóa làng nghề vẫn đau đáu trong lòng người dân làng Hai Giáp

Những phiên chợ Cầu, chợ Quán, chợ Đông Biên tấp nập người bán kẻ mua vẫn óng ả những rổ tre, rá tre xinh xắn. Chiếc rổ làm từ làng nghề Hai Giáp xưa vẫn bền bỉ neo đậu lưu giữ hồn cốt của văn hóa xứ biển. Hồn tre hiện lên trong tiếng sáo diều vi vút giữa trời xanh, thảo thơm trong giỏ đựng quả mùa thu của con dâu về quê nội. Chiếc rổ tre, thúng tre, rá tre... là tiếng gọi của một làng nghề cần lưu giữ hồn dân tộc văn hóa quê hương.

Nhìn bụi tre tắm mình trong nắng thu vàng óng, tôi lại ướm hỏi chị Khuyên nhà bên mang rổ sang nhờ chị Mến bán hộ và được biết thêm: làng Hai Giáp bây giờ người ta đổ đi làm công ty, làm thuê và phụ hồ ở các nơi thu nhập đời sống cũng ổn định. Những lũy tre ngày xưa đã được đốn đi để trồng cây ăn quả, cây cảnh. Cả làng bây giờ chỉ còn lại hai ba bụi tre mà thôi. Chính vì thế những người làm nghề đan nơi đây toàn phải mua tre nứa và nan chẻ sẵn từ trên miền ngược chở về. Tuy thế nhưng người dân Hai Giáp yêu nghề đan thủ công của ông cha không nản chí. Gia đình chị Mến còn có ý tưởng là mùa xuân năm nay sẽ trồng thêm những khóm tre mới quanh bờ ao, để nan tre được vót từ chính tre làng mình sẽ làm chiếc rổ tre thêm óng đẹp.

Từ Hà Nội, đi 90 cây số về tới TP Nam Định. Từ đây bạn lại đi 30 cây số nữa là tới Hải Hậu. Khi chiều buông, ngắm màu hoa muống biển tím dịu dàng, ngắm những con thuyền căng buồm lộng gió ra khơi, bạn hãy đến với làng nghề Hai Giáp để mua những chiếc rổ tre, mâm tre, giỏ tre xinh xắn về làm vật dụng sinh hoạt thật gần gụi mang đậm hồn Việt nhé!

Lê Hà Ngân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI