Vẽ graffiti tùy tiện: Không phải sáng tạo mà là bôi bẩn, phá hoại

15/06/2022 - 07:00

PNO - Dư luận đang chỉ trích mạnh việc hai toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) bị xịt sơn, vẽ bậy. Điều này ảnh hưởng lớn đến những nghệ sĩ graffiti thực sự, luôn tìm cách để graffiti có được thiện cảm của mọi người.

Chưa bao giờ ngừng tranh cãi 

Hiện nay, người dân TP.HCM đi ngang tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (thuộc P.Đa Kao, Q.1) đoạn chung cư 1A - 1B và số 48 sẽ thấy hai tác phẩm graffiti lớn được vẽ một cách chỉn chu, sinh động. Hai bức tranh lấy ý tưởng từ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc về xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hòa bình… do các nghệ sĩ graffiti trong nước và quốc tế cùng nhau thực hiện. 

Hai toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM)  bị xịt sơn - ẢNH: A.K
Hai toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) bị xịt sơn - ẢNH: A.K

Ông Văn Kiên - gần 60 tuổi, một người dân sống trong chung cư 1A - 1B - cho biết: Từ ngày mảng tường được vẽ, trẻ em ở đây thích lắm vì được nhìn ngắm những bức tranh lớn trên tường. Với ông, việc gieo vào trẻ em những hình ảnh dễ thương, nhiều màu sắc giúp tạo ký ức đẹp. Graffiti hay nghệ thuật vẽ tranh tường là những khái niệm mà ông Văn Kiên chưa tìm hiểu. Nhưng với ông, nếu nghệ thuật này xưa nay bị cho là bôi bẩn, vẽ bậy, thì “nên chăng, mọi người cần xem lại”, vì ông thấy bức tường mới được vẽ đem lại hiệu quả mỹ thuật.

Hai bức tranh kể trên thuộc dự án Saigon Urban Arts 2021 do Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TP.HCM phối hợp với Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia tổ chức. Đây là hoạt động nhằm tạo ra sân chơi đúng nghĩa cho graffiti, giúp người dân có cái nhìn thiện cảm hơn với nghệ thuật đường phố (street-art). Hai tác phẩm graffiti này thuộc hàng hiếm hoi được thực hiện đúng nghĩa, tức có sự cho phép từ chủ sở hữu, có ý tưởng và do những nghệ sĩ graffiti thực hiện. Tại TP.HCM, không nhiều những tác phẩm hợp lệ và đẹp đẽ như vậy.

Trên thế giới, graffiti được vẽ phần lớn tại các khu vực tàu điện ngầm, trạm điện thoại, mảng tường các khu trung tâm mua sắm… Ở Việt Nam cũng vậy. Những khu vực càng đông người chú ý càng là địa điểm được giới graffiti để mắt đến. Và chỉ sau một đêm, đã thấy xuất hiện những nét vẽ nguệch ngoạc, những mảng tường pha trộn màu sắc một cách lộn xộn.

Nghệ sĩ Daos501 (tên thật là Đào, 31 tuổi) - một người có hơn 17 năm theo đuổi nghệ thuật graffiti - cho biết, trong quá khứ, anh từng vẽ bậy tại một công trình thuộc sở hữu của cơ quan ngoại giao và bị lực lượng an ninh giữ lại. Khi đó, Daos501 còn ở độ tuổi thiếu niên.

Hai tác phẩm graffiti tại một góc chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1 - ẢNH: LÊ NAM
Hai tác phẩm graffiti tại một góc chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1 - ẢNH: Lê Nam

Mẹ anh phải đến bảo lãnh và cam kết không tái phạm. Với nghệ thuật graffiti, việc sáng tạo trong áp lực, căng thẳng tột độ khiến người nghệ sĩ hào hứng hơn, họ dễ bộc phát những ý tưởng táo bạo, nổi loạn. Daos501 từng bị cuốn vào tâm lý ấy. Nhưng rồi anh ý thức được vẽ graffiti một cách tùy tiện là bôi bẩn, phá hoại, vi phạm pháp luật chứ không phải sáng tạo nghệ thuật. Nhất là sau lần mẹ khóc nghẹn khi bảo lãnh anh, Daos501 nghiêm túc nhìn nhận lại đam mê, chuyển hướng hoạt động.

Graffiti tồn tại giữa sự yêu ghét, tranh cãi liên tục suốt nhiều năm qua. Nhưng nếu bộ phận những nghệ sĩ hoạt động đàng hoàng, có mục đích khá ít, chỉ độ vài chục người - theo chia sẻ của Daos501 - thì nhóm vẽ vô tội vạ, cố ý bôi bẩn lại rất đông đảo. Chính sự đối nghịch này càng đẩy graffiti vào thế khó, rất khó để có thể lấy được thiện cảm của mọi người.

Tuỳ tiện hay thiếu sân chơi 

Việc hai toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) bị xịt sơn, vẽ bậy là vấn đề gây tổn hại nghiêm trọng. Nhưng cũng từ đây, cần nhìn nhận lại sân chơi dành cho những nghệ sĩ yêu thích graffiti chân chính. Họ thiếu nơi để sáng tạo, thiếu một cộng đồng có chung tiếng nói, dẫn đến sự xuất hiện của những tác phẩm lệch lạc.

Cần phải xem lại những hoạt động sáng tác mỹ thuật trên đường phố. Những bức tường do các quận đoàn, phường đoàn thực hiện có những tác phẩm đẹp, phù hợp không gian nội đô, nhưng có bức chưa đạt đến yêu cầu thẩm mỹ cần có, do trình độ thẩm mỹ của người vẽ không cao. Tôi thấy lâu nay, hoạt động vẽ tranh tường hầu như tự phát, ai có khả năng vẽ thì tham gia. Nhưng nếu những bức vẽ được giám tuyển, được làm theo một chuẩn nhất định về thẩm mỹ, thì có lẽ hiệu quả cao hơn. Với graffiti cũng vậy, kể cả đã có sự cho phép từ chủ nhà, thì việc sáng tạo cũng cần cẩn trọng, vì dễ tạo ra những xáo trộn về thẩm mỹ đô thị.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho biết: “Nếu Hà Nội có một số hội nhóm kết hợp với các nhà tài trợ, nhà giám tuyển thực hiện các công trình nghệ thuật đường phố thì tại TP.HCM, tôi chưa thấy. Cách đây một thời gian, tôi có nghe nhắc đến dự án graffiti của các bạn trẻ tại thành phố làm, nhưng có vẻ chúng chưa được truyền thông mạnh, chưa tiếp cận được nhiều người”. Theo ông, nghệ thuật graffiti hầu như tự phát, vì vậy nên không hiệu quả. Ông có theo dõi vụ hai toa tàu metro bị vẽ bậy. Với ông, đây không phải là lần đầu tiên những người vẽ graffiti gây ra hậu quả lớn, khiến người dân có cái nhìn không đúng, thậm chí định kiến về graffiti.

“Nếu những người yêu thích graffiti nói rằng họ không có sân chơi đúng nghĩa, buộc phải lén lút thực hiện các bức tranh tường, thì những người quản lý hoạt động nghệ thuật cũng cần lưu tâm. Đương nhiên, câu nói ấy có vẻ bao biện, nhưng chúng cũng phản ánh đúng tình hình hiện tại. Chúng ta đang quá thiếu sân chơi cho graffiti đúng nghĩa. Và giải pháp là gì? Đây là câu chuyện cần nhiều bên cùng ngồi lại, bàn bạc. Trong nhiều tham luận, tôi có đề cập đến sân chơi dành cho graffiti và tổng thể về mỹ thuật đô thị”, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên nói thêm.

Một nghệ sĩ graffiti (giấu tên) hoạt động gần 10 năm cho biết, tại TP.HCM, những khu vực tường lớn, cho phép vẽ graffiti gần như không còn. Nhiều người không tìm được nơi sáng tạo. Nếu muốn có không gian để vẽ, các nghệ sĩ phải tìm mặt bằng, sau đó xem chúng thuộc sở hữu của ai để xin phép. Nhưng trước khi liên hệ, họ phải lên ý tưởng tác phẩm định thực hiện để thuyết phục chủ nhà. Đa phần, họ nhận về những cái lắc đầu, hoặc nếu cho phép, nghệ sĩ cũng phải tự bỏ tiền túi để thực hiện dự án. Vì khá tốn kém nên dự án gần như không thành. Chỉ có cách kết hợp với các nhãn hàng, nhà tài trợ, nhưng nếu làm thế, nghệ sĩ graffiti bị chi phối khá nhiều về ý tưởng. Tuy nhiên, anh khẳng định, việc thiếu sân chơi không đồng nghĩa với việc được phép sáng tạo bất chấp, vô tội vạ. 

Cần xử lý nghiêm 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM - hành vi vẽ trên hai toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là biểu hiện xem thường luật pháp, thiếu hiểu biết của cá nhân nào đó. Hành vi cố tình vẽ bậy này làm hư hại tài sản, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết nếu hành vi vi phạm làm hư hại tài sản, khiến chủ sở hữu phải sửa chữa, khôi phục thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hại tài sản - theo điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. 

Nghệ sĩ graffiti Daos501 đang thực hiện bức vẽ khi tham gia dự án Saigon Urban Arts 2021 (Ảnh: Diễm Mi)
Nghệ sĩ graffiti Daos501 đang thực hiện bức vẽ khi tham gia dự án Saigon Urban Arts 2021 (Ảnh: Diễm Mi)

Thậm chí, trường hợp nếu thiệt hại dưới 2 triệu đồng, người vi phạm đã bị kết án nhưng chưa đến hạn xóa án tích, hoặc đã bị xử phạt hành chính, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người vi phạm trong trường hợp này có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
Trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể xử phạt theo điều 15, Nghị định 144/2021. Cụ thể, với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, sẽ bị xử phạt đến 5 triệu đồng. 

Từ sự vụ này, luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu kiến nghị, tại các công trình quan trọng của thành phố, quốc gia nên lắp đặt camera để thuận tiện cho việc giám sát, bảo vệ các công trình. Tránh trường hợp khi xảy ra sự việc gây thiệt hại lớn, các cá nhân, đơn vị gặp khó khăn trong việc truy tìm người vi phạm. 

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI