Mẹ tôi gọi người phụ nữ hiền khô này là chị, tôi gọi là dì nhưng thực tế chúng tôi không hề có máu mủ gì với nhau.
Dì là vợ sau của dượng tôi. Sau khi người dì ruột của tôi mất, thì dì được ông ngoại tôi cưới về cho con rể. Cưới một cô gái nhu mì có nghề và có của ở chợ huyện về làm vợ một người đàn ông góa vợ cùng hai đứa con.
Cũng từ đó, dì vừa may, vừa làm vợ làm mẹ làm dâu cho một gia đình truyền thống thuần nông theo cách mạng. Cái chức lớn nhất mà dượng tôi có được là chủ tịch ấp và chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã.
Không lo đói ăn, cảm giác bền bỉ thường trực đời dì là phụng sự ba má chồng xong thì tới lượt chồng. Bà là cái bóng nhẫn nại hiền lành, thương con chồng như con ruột. Dì nuôi nấng và thương yêu bằng cảm giác bỡ ngỡ của một người đàn bà chưa từng sinh con. Vài người tấm tắc nói anh chị của tôi may, vì dì không sinh con, anh chị tôi không phải lo chuyện thiên lệch cảm tình của má ghẻ.
Với gia đình bên chồng và cả bên người vợ đã mất của chồng, dì không khác gì một người ruột thịt. Mẹ tôi coi dì không khác gì người chị đã mất của mình…
Dì ngồi bên bộ ván gõ đối diện giường mẹ tôi đang ngồi, vuốt tới vuốt lui mấy ngón chân, cười cười nói ừ, chị sẽ nghe lời út mày, chứ chị không về trên đó nữa đâu.
Trên đó, là nhà của vợ chồng anh con trai.
Sau khi dượng mất, chưa đầy 49 ngày sau, anh con trai này đã bán tống bán tháo đất đai ruộng vườn và ngôi nhà mà cha anh đã ở trọn đời. Phải máu lạnh, phải đủ nhẫn tâm lắm mới bán được ngôi nhà và khu đất ấy. Mồ mả cha anh cỏ còn chưa kịp bén. Người ta ai cũng hỏi nhau tại sao phải gấp gáp đến như vậy. Giang hồ có kề dao tới cổ chưa mà lại đi bán nhà cửa của cha mẹ khi ông chỉ vừa mới mất.
Cô em gái của anh cũng khóc nức nở mấy bận, vì thương cha mình chỉ vừa nhắm mắt đó thôi, anh trai đã toan tính đến chuyện ảo thuật gia sản. Cô em gái ấy nức nở mấy bận, vì một lẽ mà ai biết chuyện cũng nói đó mới là lý do chính yếu: cô không được anh ruột chia cho một đồng trong khối tài sản của cha mẹ để lại ấy. Ngay cả cái cặp xách giúp cho hình ảnh của ông dượng tôi ra dáng trưởng ấp ngày trước, hình như là chật ních tiền trong đó.
Cô con gái từng thấy, từng biết là cha mình có của. Nhưng sau đám tang, cô cho rằng anh trai và chị dâu đã nhanh tay hơn…
Như một cơn lốc cuốn qua chỉ để lại những gãy đổ, từ đám tang cha đến khi bán xong nhà, anh con trai chẳng điếm xỉa gì tới sự tồn tại của dì. Ngôi nhà đã bị bán rất nhanh, rồi chuyến đi lên nhà anh con trai cũng như một cú lóe của ánh sáng. Chỉ trong mươi ngày, cuộc đời dì chuyển sang một trang mới quá bi thương…
Dì kể hết mọi nỗi ê chề tệ bạc mà cô con dâu và cả người con trai đã cư xử với mình sau khi “bốc” dì về ở chung. Nhưng dì kể nhiều nhất về nỗi nhớ nhung ngôi nhà cũ, chòm xóm quanh đó, ngọn gió khu xóm đó, tiếng rì rầm hàng tre dẫn lối vào.
Dì kể vài lần chiêm bao, thấy chồng mình báo rằng đang lang thang ngoài đường vắng, lang thang ngoài bờ sông, lang thang trên đồng ruộng. Ông không hề về nhà anh con trai theo di ảnh và bình hương. Ông không muốn về hoặc không thể về. Dì thấy hồn người chết vất va vất vưởng. Hồn dì, hồn người sống cũng vất vưởng đoạn trường không kém từ ngày buộc phải lên đây.
|
Ảnh: Khắc HIếu |
Cuối cùng, dì đã bỏ đi. Chính xác là bỏ về.
Dì quyết về xóm cũ, dù nhà xưa nay chỉ còn lại cái nền gạch và đống đổ nát của người khác. Bà con bên chồng quanh đó ai cũng sẵn lòng đón dì về ở chung. Dì chọn về ở với một người đã thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm lúc dì ra đi. Cứ mỗi xế chiều, dì lại thơ thẩn đi bộ ngang nền nhà cũ. Có bữa thấy cây mai trước sân héo queo, dì xách nước tưới cho nó, nói chuyện với nó vài câu rời rạc.
Thực sự trắng tay. Ngày lấy chồng, dì mang theo mười cây vàng. Cứ lần hồi đào lên cho đứa này cất nhà đứa kia cưới vợ cho con. Cái cặp táp tiền (tưởng là của chung vợ chồng) ai dè cũng đã bị thằng con trai cuỗm mất.
Mẹ tôi hỏi thật dì bây giờ còn bao nhiêu tiền trong người, dì dốc hết cái túi áo ra ngồi đếm. Hỏi dì chứ thực sự vì sao ngày xưa không sinh con, lần đầu tiên trong đời dì mới dám nói ra: vì ổng tự kìm nén, ổng không muốn chị có con, chứ chị cũng thèm.
Đây mới thực là đòn đau với một người phụ nữ. Mẹ tôi chỉ biết kêu trời. Ông ngoại tôi ngày xưa đứng ra cưới dì cho dượng, vì tin rằng dì là người tốt, sẽ thương và nuôi hai đứa con chồng không khác gì con ruột. Ông đâu có ngờ được rằng, sau khi dì đã làm đúng như điều ông mong chờ, thì anh con rể và đám cháu ruột của ông lại cư xử với cuộc đời dì như thế. Tuổi già quạnh hiu đến xót đau, giá mà có một mụn con ruột, hẳn đời dì đã khác.
Không dám nói gì hơn để khoét sâu nỗi buồn của dì, mẹ tôi cứ nhắc lại lần nữa để dì cảm thấy luôn luôn còn một nơi cuối cùng để đến: chị về bển cũng được, ở với em thì em nuôi chị đến trăm tuổi. Vì thâm tâm em đã coi chị là chị ruột rồi. Chỉ cần chị thấy thoải mái thôi!
Mộc Lan