Sáng cuối tuần, trong căn nhà nhỏ, chị Trần Nguyệt Kiều (SN 1969, ngụ tại P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM) và mẹ, tỉ mẩn chọn trứng muối, rây bột, chuẩn bị làm bánh bông lan. Nhìn nụ cười rạng rỡ lẫn cách nói chuyện tự tin, thân tình của chị Kiều, thật khó hình dung chị đã đi qua một quãng đời dài đầy mất mát. Di chứng cơn sốt bại liệt năm lên sáu tuổi khiến cô bé Kiều liệt nửa người bên phải.
Chị chia sẻ: “Tôi đã trải qua hai đợt phẫu thuật vào năm 1978, 2004, đến tận bây giờ, cứ xỏ dép vô bàn chân phải là nó lại tuột ra mất. Hồi trước, cánh tay phải co quắp vào vai, sau này mổ mới duỗi ra được nhưng cũng không hoạt động bình thường”.
Học hết lớp 9, chị ở nhà bán quán tạp hóa. Đến năm 2004, tình cờ nghe bản tin giới thiệu về Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (215 Võ Thị Sáu, Q.3), chị quyết định đi học lại dẫu đã ngấp nghé tứ tuần. Suốt tám năm, chị vừa học chữ, vừa học nghề kết cườm, tin học.
“Tôi nghĩ đơn giản lắm. Mình có một tay, nhưng kiên trì thì làm gì cũng được. Cái chính nằm ở ý chí, quyết tâm thôi. Tôi dặn lòng, khuyết cơ thể chớ nhất quyết không để khuyết trí óc” - chị Kiều nói.
|
Mẹ con chị Trần Nguyệt Kiểu cùng làm bánh bông lan cho khách |
Năm 2012, chị Kiều theo học khóa khởi nghiệp của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). Ít lâu sau, đề án xây dựng tiệm tạp hóa đa năng tại nhà của chị được DRD trao giải nhì cuộc thi ý tưởng kinh doanh. Chị Kiều còn học thêm nghề làm bánh bông lan và cắm hoa. Nhờ nguồn vốn Hội PN phường hỗ trợ, cộng với kinh nghiệm marketing qua mạng do Đội UEH SISE Trường đại học Kinh tế TP.HCM (tổ chức sinh viên hỗ trợ các dự án kinh doanh cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn) hướng dẫn, tiệm bánh chị Kiều ra đời.
Cuộc sống ngỡ đã “xuôi chèo mát mái” thì chị đột ngột bị tai biến nhẹ, bàn tay trái không còn cầm nắm được. Mẹ chị thì ngày nào cũng phải uống thuốc vì thoái hóa khớp gối, vẹo cột sống. Kiên trì điều trị, tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Quận 2, cuối cùng, tay trái chị Kiều đã khá hơn, dù vẫn còn yếu. Chị lại hăm hở làm bánh, bán tạp hóa, cắm hoa, kết cườm với ước mơ sau này có điều kiện sẽ mở rộng quán, hướng dẫn cách làm bánh bông lan, kết cườm cho những người cùng cảnh ngộ.
2. Cô gái khiếm thị Lê Minh Thúy Khuyên (SN 1983, ngụ tại P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) luôn khiến người đối diện có cảm giác được tiếp “lửa” vui sống. Đang sở hữu bộ sưu tập gần 20 tấm huy chương các loại sau nhiều năm thi đấu bơi lội, cờ vua tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, Thúy Khuyên cũng tự kiếm sống bằng nghề mát-xa, bấm huyệt. Chị phấn khởi: “Thu nhập chừng 4-5 triệu đồng/tháng đủ cho tôi trang trải và phụ thêm cha mẹ một ít”.
Quê Thúy Khuyên ở Kiên Giang, nhà có sáu anh em thì ba người bị khiếm thị. Sống giữa mênh mông sông nước, Khuyên được cha dạy bơi từ khi còn rất nhỏ. Khuyên ham học, thích trường lớp, mong trở thành cô giáo dạy toán. Thế nhưng, mấy công ruộng và nghề chạy xe ôm của cha không đủ nuôi cả sáu anh em Khuyên theo đuổi con chữ. Hết lớp 5, Khuyên nghỉ học. Mãi đến năm 21 tuổi, Khuyên quyết định lên TP.HCM học lại.
Chị thổ lộ: “Khi lên TP.HCM, mắt tôi vẫn còn thấy được mờ mờ. Hai năm học ở trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu là những ngày vui không thể tả. Đùng một cái, bệnh viêm não tái phát, tôi phải về quê và hai mắt cũng mù hẳn”.
|
Dù bị khiếm thị, chị Thúy Khuyên vẫn luôn yêu đời, ham học |
Điều trị bệnh hơn một năm, Khuyên lại rời nhà. Chị nói, hình ảnh bảng đen, phấn trắng chưa một giây nào lu mờ trong tim mình. Chứng viêm não luôn hành hạ khiến Khuyên đau đầu liên tục, song chị vẫn say sưa học chữ nổi, học kết cườm. Năm 2008, Khuyên bén duyên với đường đua xanh và gặt hái nhiều thành quả ở nội dung bơi ếch 150, 100, 200m.
Học xong chương trình ở trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Khuyên về Q.Thủ Đức làm nghề bấm huyệt kiếm sống. Cha mẹ chị cũng rời Kiên Giang lên Đồng Nai lập nghiệp. Khuyên quả quyết: “Ước mơ trở thành cô giáo dạy toán vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Công việc hiện tại giúp tôi sống ổn định, vui khỏe; khi có cơ hội, tôi sẽ lại học”.
3. Buổi tối, em Phạm Ngọc Tú Uyên (học lớp 9) chăm chú ngồi vẽ những nhân vật trong mấy bộ truyện. Uyên nói, mai mốt lớn lên, em muốn làm ở một công ty sản xuất truyện tranh, còn em gái Phạm Ngọc Uyên Nhi (học lớp 7) thì thích nấu ăn, làm bánh.
Uyên tâm sự: “Em và Nhi hay dặn nhau phải ráng học để báo đáp ơn nghĩa của cô Thủy. Cô vì tụi em mà khổ lắm”. Từ nhà dưới chống nạng đi lên, chị Vũ Thị Kim Thủy (SN 1974, ngụ P.10, Q.8, TP.HCM) góp chuyện: “Ngoài 40 tuổi, nhiều người hỏi sao chưa có người yêu, chưa lấy chồng, tôi cười hoài. Có hai tình yêu “to bự” này rồi, tôi không mong gì nữa”.
|
Từ một người tự ti, mặc cảm với khiếm khuyết bản thân, giờ đây, chị Kim Thủy đã hòa vào cuộc sống bằng lời ca tiếng hát và tinh thần lạc quan |
Bị sốt bại liệt dẫn đến teo chân trái, Kim Thủy từng co mình trong vỏ ốc mặc cảm, tự ti. Học hết lớp 9, chị được cha cho học may. Lúc đầu, chỉ biết may áo dài, áo bà ba, về sau, chị học thêm khóa may thời trang bên Trung tâm Bảo trợ và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM nên ngày càng lên tay. Được Hội PN giới thiệu vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Thủy đầu tư mua máy, mở tiệm may tại nhà. Chòm xóm, người quen rỉ tai nhau, dần dần khách đặt may quần áo nhiều, cuộc sống của chị bớt túng quẫn.
Mẹ mất vì ung thư máu chưa lâu thì cha chị Thủy cũng qua đời. Vợ bỏ đi, sau thời gian dài lao tâm lao lực, cha của Tú Uyên, Uyên Nhi bị xuất huyết não rồi ra đi khi mới 39 tuổi. Từ đó, chị Thủy vừa là cô, vừa là mẹ, là cha của hai cháu gái. Hai bàn máy may trở thành “cần câu cơm” của ba cô cháu. Chị Thủy tâm sự: “Tú Uyên, Uyên Nhi mang họ mẹ, ngoan, học giỏi và không đòi hỏi gì, từ ăn uống đến quần áo mới. Tôi đi lại khó, chẳng cần sai bảo, hai đứa lẳng lặng thay nhau phụ cô vắt sổ, chạy mua nguyên liệu, chợ búa, cơm nước. Cứ như vậy, chúng tôi dựa vào nhau mà sống, thấy bình an”.
Chị Thủy nói, trước đây chị yêu thích nghệ thuật, nhưng đụng vào cái gì cũng sợ, muốn hát mà cầm micrô lại run. Nhưng giờ chị đã là thành viên nhóm Hát cho đời thêm đẹp, tháng nào cũng có suất diễn tại các quán cà phê. Hỏi cơ duyên, chị cười: “Báo Phụ Nữ TP.HCM làm nhịp cầu cho tôi đó”.
Đọc báo, thấy giới thiệu tấm gương chị Đinh Thị Tuyết Đào - ngụ Q.7, TP.HCM, chủ cơ sở móc len Phước Đào, một PN khuyết tật vượt khó, có gia đình êm ấm, hạnh phúc - chị Thủy lặn lội sang Q.7 thăm hỏi, xin học móc len. Thông qua những bài viết trên báo, chị dần mở lòng, tìm gặp và giao lưu nhiều hơn với bạn đồng cảnh. Chị cũng là “cây” văn nghệ của Hội. “Có gì đó khó cắt nghĩa đã thôi thúc tôi hòa vào cuộc sống này bằng cách nhìn thoáng hơn. Dần dần, tôi nghiệm rà rằng, còn cuộc đời thì mình cứ vui” - chị Thủy đúc kết.
4. Sáng cuối tuần, trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong (P.1, Q.10, TP.HCM), bà Viên ngồi thong dong cho chị Nguyễn Thị Ngọc Minh (SN 1979) “tút” lại móng tay, móng chân. Thấy tôi đến, bà Viên gợi chuyện: “Tôi khó tánh lắm à, nhưng cũng phải “chịu” cô Minh thôi. Cổ kiên trì, kỹ tính, lại sôi nổi nên bà con hẻm này thương. Từ dạo Minh mở tiệm tại nhà, chúng tôi thường rủ nhau qua làm móng để ủng hộ”.
Ngọc Minh sinh ra tại TP.HCM, là chị lớn trong nhà. Sáu tuổi, Minh bị sốt bại liệt. Sau khi phẫu thuật tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, Minh được nẹp cố định hai chân và tập đi nạng; nếu không dùng nạng, Minh chỉ có thể bò trên mặt đất.
Cha mẹ Minh mấy chục năm theo nghề phụ hồ, cảnh nhà cứ thiếu thốn triền miên. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Minh vào Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM học chữ, học nghề làm móng. Hơn 20 tuổi, Minh xin được một chân làm móng tay, móng chân thuê trong tiệm cắt tóc. Ngày qua ngày ki cóp từng đồng, đến tháng 7/2016, Minh ra riêng. Chị chia sẻ: “Gọi bà chủ nghe to tát quá. Mở tiệm tại nhà, tiền đầu tư không nhiều, lại tiện việc di chuyển. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại”.
|
Chị Ngọc Minh tỉ mẩn làm móng chân cho khách |
Sau nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cha mẹ chị Minh gánh trên người đủ thứ bệnh, từ thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống đến gai đốt sống cổ. Không làm được việc nặng nữa, bà Liên (mẹ chị Minh) lo nội trợ, còn ông Tứ (cha chị Minh) nhận sửa điện, nước cho hàng xóm, thu nhập chính của cả nhà phụ thuộc vào tiệm làm móng.
Vào những ngày cuối tuần, Minh làm luôn tay từ sáng đến tối. Chị nói, với 40.000 đồng/bộ móng, tuy thu nhập hàng ngày không nhiều, nhưng cũng sống được. Ngồi nhìn con gái, bà Liên khẽ mỉm cười: “Tôi rất mừng vì Minh chẳng bao giờ than thân trách phận mà luôn sống vui vẻ, lạc quan. Đời ai cũng có thăng trầm, mất mát, miễn sao đừng tuyệt vọng thì sẽ tìm thấy con đường để đi thôi”.
MẪN NHI
Sáng nay 12/4, Hội LHPN TP.HCM tổ chức Ngày hội PN khuyết tật, chủ đề “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” với nhiều hoạt động như: trao tặng 100 phần quà; triển khai hội thi và thực hiện gian hàng giới thiệu sản phẩm do 20 PN khuyết tật làm; giao lưu với ba gương nữ thanh niên khuyết tật vượt khó. Dịp này, Hội LHPN TP.HCM biểu dương 28 gương nữ thanh niên khuyết tật vượt khó, vươn lên trong học tập, lao động; báo Phụ Nữ TP.HCM cũng trao 120 triệu đồng hỗ trợ 22 PN khuyết tật làm kinh tế, cải thiện đời sống.