Vẻ đẹp sâu thẳm của Má Mè

12/03/2014 - 11:43

PNO - PN - Bà Bùi Thị Mè (ảnh) mà chúng tôi quen gọi gần gũi là dì Năm, khi ở tuổi 70, gương mặt dì vẫn còn in dấu một thời xuân sắc. Tôi không ngăn được câu hỏi: “Hồi còn trẻ chắc dì Năm đẹp lắm?”. Dì Năm cười hiền...

Vẻ dẹp sau thảm của Má Mè

Cô nữ sinh với mái tóc dài óng ả, chiếc mũi dọc dừa, nước da trắng mịn, gương mặt trái xoan với đôi mắt sáng long lanh năm nào giờ đã trở thành một bà mẹ mang đầy dấu ấn đau khổ của một kiếp người. Vuốt mái tóc bạc màu sương khói, dì Năm cười buồn: “Thời trẻ, ai mà chẳng đẹp hả cháu”. Và ký ức tuôn chảy trong lòng dì…

Vào những năm cuối của thập niên 30, thế kỷ XX, một thiếu nữ sinh ra trong một làng quê ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được tuyển vào “Nữ học đường” ở Sài Gòn quả là chuyện hiếm. Được cắp sách đến trường, những câu hỏi về thân phận phụ nữ và tự do của Tổ quốc càng vò xé lòng dì Năm. Được giáo dục để trở thành một cô giáo nhưng không thể cưỡng lại được duyên phận, dì Năm sớm lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ, về làm dâu một gia đình hào phú ở Bến Tre. Làn gió Cách mạng Tháng Tám đã thổi vào lòng dì Năm nỗi khát vọng từ lâu bị chôn chặt. Dù trở thành con dâu một gia đình điền chủ giàu có, nhưng dì Năm không ngần ngại đối mặt với quan Pháp, bênh vực cho quyền lợi đồng bào. Bằng những lý lẽ xác đáng, giỏi tiếng Pháp, với vẻ đẹp đằm thắm, kín đáo, người phụ nữ ấy không khỏi làm cho bọn quan Tây kinh ngạc. Chúng buộc phải giải quyết thỏa đáng những yêu sách của bà con địa phương.

Giặc Pháp quay trở lại, dì Năm một mặt quán xuyến chuyện gia đình cho chồng tham gia chống Pháp, một mặt đóng vai một thương gia hợp pháp để làm kinh tế cho Tỉnh ủy Bến Tre. Rồi dì lại nhận nhiệm vụ lập trường Trung học tư thục Long Đức với danh nghĩa là hiệu trưởng và Tổng thư ký Hội Phụ nữ tỉnh Trà Vinh. Trong thế hợp pháp, dì Năm trở thành một cán bộ dân vận xuất sắc. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã ra lệnh đóng cửa trường Long Đức với lý do: “Hiệu trưởng là một người có khuynh hướng cộng sản, đã tuyên truyền, giáo dục phụ huynh học sinh chống lại chính phủ đương thời”. Trong ba năm liền, từ 1957-1960, dì Năm kiên trì đấu tranh để mở lại trường học, vừa đối đầu với bao gian nan, thử thách khác…

Vẻ dẹp sau thảm của Má Mè

Dì Năm lại nhận nhiệm vụ về Sài Gòn hoạt động, móc nối với bộ phận trí vận do đồng chí Trần Bửu Kiếm phụ trách, một mặt dì Năm tìm cách liên hệ với Tỉnh ủy Trà Vinh. Để có thể hoạt động hợp pháp và che mắt địch, dì Năm đã từng trở thành gia sư trong những gia đình quyền thế chính phủ đương nhiệm, trở thành chỗ dựa, niềm tôn kính của bao nhiêu lớp học sinh đã được dì đào tạo. Năm 1960, dì Năm được lệnh rút vào bí mật. Dì kể trong nước mắt: “Con thì sáu đứa, đứa nhỏ nhất mới ba tuổi, làm sao đây? Chúng tôi đành đưa bốn cháu trai lớn cùng đi vào chiến khu, hai cháu gái gửi lại Sài Gòn. Cháu nhỏ rất thích dương cầm. Tôi dỗ: “Ở nhà với cô ngoan, ba má đi làm ăn xa kiếm tiền mua đàn cho con”.

Đêm ấy, hình như linh cảm sự chia ly, cháu khóc thút thít nói: “Thôi, con không muốn dương cầm nữa, con chỉ muốn về với má”. Đó là một đêm tràn nước mắt, nhìn con mà đứt từng đoạn ruột!”. Dì Năm trở thành ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ từ 1961-1964. Cũng trong năm 1961, dì được Trung ương Cục điều về R công tác. Đầu năm 1965, dì trở thành cán bộ nghiên cứu ở cơ quan tuyên truyền đối ngoại của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Từ 1965-1969, dì lại tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội. Với cương vị này, dì Năm được vinh dự nhận lãnh chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế, Thương binh và xã hội của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nhưng điều đáng tôn vinh hơn cả những chức vụ, sự thành đạt của một người phụ nữ đầy nghị lực và trách nhiệm đối với đất nước là nỗi đau mà dì Năm phải gánh chịu. Dì đã sớm thổi vào tâm hồn những đứa con lòng nhân ái, tình yêu đất nước. Hình như không phải chỉ riêng chúng tôi, mà bất cứ ai khi đến nhà dì Năm đều lặng người trước những bức di ảnh trên bàn thờ liệt sĩ. Những người con trai đều giống nhau ở gương mặt chữ điền, đôi mắt sáng, đã ra đi ở độ tuổi còn rất trẻ.

Người con trai đầu của dì là anh Nguyễn Huỳnh Sanh, sinh năm 1942. Anh tham gia cách mạng năm 1961, công tác tại Ban Tuyên huấn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ. Đến năm 1964, anh về Ban Tuyên huấn R, phụ trách báo chí, văn nghệ. Trong đợt tổng tấn công mùa xuân 1968, anh tham gia đội quân tiên phong đưa đoàn kỹ thuật đài phát thanh về thành phố. Anh đã ngã xuống tại cửa ngõ Sài Gòn ngày 12 tháng 12 năm 1968. Người con thứ hai của dì là anh Nguyễn Huỳnh Tài, sinh năm 1944, từng là cán bộ giáo dục miền Tây Nam bộ. Anh đã thoát ly gia đình từ 1961, tham gia Quân giải phóng tiểu đoàn 303, Trung đoàn 1, Quân khu 9. Trong một trận chiến đấu ác liệt, anh đã anh dũng hy sinh năm 1967 tại xã Vĩnh Hòa Hưng, Kiên Giang. Người con thứ ba của dì là anh Nguyễn Huỳnh Đại, gia nhập bộ đội vào năm 1967 cũng đã ngã xuống tại Vĩnh Long vào tháng 3/1968…

Vẻ dẹp sau thảm của Má Mè

Cái giá của ngày hòa bình được đổi bằng xương máu của hàng triệu người con ưu tú như thế. Nỗi đau mất con đã được những đồng đội của dì Năm chân thành chia sẻ. Ông Trần Bạch Đằng trong Bộ Chỉ huy tiền phương đóng ở Bình Chánh đã chứng kiến những ngày chiến đấu cuối cùng rất anh dũng của anh Sanh. Ông gửi cho mẹ lá thư chia buồn vào ngày 14/2/1969: “…Trong sự nghiệp rộng lớn của dân tộc, Sanh đã có một cống hiến xứng đáng. Tôi biết các anh chị đau đớn trước cái mất của đứa con yêu - cũng như tôi và các đồng chí đã mất một chiến sĩ tốt - nhưng đồng thời tôi cũng tin là các anh chị tự hào về Sanh, một chiến sĩ cách mạng ngoan cường, hy sinh trong tuyến đầu và trong tư thế chiến đấu, sau khi đã diệt được địch, Sanh được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng II và lúc hy sinh là trung đội phó...”.

Cho mãi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, dì Năm mới quy tập được đầy đủ ba người con trai về nghĩa trang liệt sĩ, cho dù đó chỉ là những mộ gió.

Trong sự dịu dàng, kín đáo, nụ cười hiền dịu của dì Năm ẩn giấu một nỗi đau, tiềm tàng niềm kiêu hãnh về những đứa con mẹ đã sinh ra, nuôi dạy và sẵn sàng lao vào tuyến lửa khi Tổ quốc cần. Mẹ Bùi Thị Mè, một trong những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến cho Tổ quốc cả những phần máu thịt thiêng liêng nhất đời mình. Và tôi hiểu, khi vĩnh viễn ra đi, dì Năm còn chưa kịp viết thêm nhiều điều muốn kể, muốn nhắn gửi để bổ sung hồi ký Kể chuyện đời mình. Chiều nay, đang công tác ở Hà Tĩnh, nghe tin dì Năm mất, chợt rưng rưng nhớ câu chuyện dì kể năm ấy trên đường Trường Sơn ra Bắc, nhìn những đoàn quân trùng điệp về Nam, dì Năm tự an ủi rằng đâu chỉ riêng mình mất con mà đất nước này có hàng triệu bà mẹ đã cắt ruột mình gửi đến mọi miền đất nước.

 Trầm Hương 

Chiều 11/3, đoàn Hội LHPN TP và Báo Phụ Nữ do bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP dẫn đầu đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè vừa qua đời, hưởng thọ 93 tuổi.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, sinh năm 1921, tại xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nguyên Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế, thương binh và Xã hội, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng 2, Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng nhất, Huân chương giải phóng hạng 2. Sau một thời gian lâm bệnh, Mẹ đã từ trần lúc 20g15 ngày 10/3/2014.

Vẻ dẹp sau thảm của Má Mè

Ảnh: Phùng Huy

Linh cữu quàn tại số 3 Phùng Khắc Khoan, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM.

Lễ viếng bắt đầu lúc 15 giờ ngày 11/3/2014. Lễ truy điệu lúc 6g30 ngày 13/3/2014. Sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân.

Báo Phụ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI