Vẻ đẹp kết nối xúc cảm của trang sức

27/03/2022 - 10:06

PNO - Trong lúc ngành kim hoàn toàn cầu dần khôi phục sức phát triển hậu đại dịch, đang có một thế hệ những thương hiệu trẻ lựa chọn lối đi riêng. Sức hút khác biệt của họ xuất phát từ nỗ lực thấu hiểu khách hàng cũng như chủ trương trân trọng các giá trị tự nhiên, gần gũi.

Ý tưởng làm ra những mẫu trang sức pha trộn nét nghệ thuật hiện đại lẫn cổ điển, chất lượng cao nhưng có giá thành dễ chịu đến với Laurel Lee và Sarah Spada trong một buổi trò chuyện quanh bàn cà phê tại Los Angeles. Thành quả tâm huyết của hai nữ doanh nhân người Mỹ là Leeada - thương hiệu vừa chính thức đi vào hoạt động từ mùa hè năm 2021.

Một thiết kế khuyên tai cá tính của Soft Mountains - ẢNH: SOFT MOUNTAINS
Một thiết kế khuyên tai cá tính của Soft Mountains - Ảnh: Soft Mountains

Dồi dào kinh nghiệm làm việc trong thị trường kim hoàn, Lee và Spada đã luôn ấp ủ ước mơ xây dựng nhãn hàng cá nhân. Thế nhưng, mãi đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khi kinh tế thế giới trải qua một khoảng nghỉ tạm thời, cả hai mới có cơ hội chung tay biến mong ước thành hiện thực. Câu chuyện của họ góp phần phác họa làn sóng chuyển đổi mới mẻ nơi ngành kinh doanh trang sức, dẫn đầu bởi đông đảo doanh nghiệp trẻ mang tầm nhìn nhạy bén.

Đồng cảm từ dấu ấn cá nhân

“Gần 15 năm gắn bó với ngành thời trang nói chung và thị trường trang sức nói riêng, phần lớn thời gian tôi tham gia khâu kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Khi gặp Laurel, một đồng nghiệp yêu thích và am tường hoạt động thiết kế nữ trang, chúng tôi bắt đầu nảy sinh ý tưởng bắt tay cộng tác. Tôi hy vọng có thể dùng kinh nghiệm tích lũy được cùng Laurel để tạo ra điều gì đó thú vị” - Spada chia sẻ.

Dẫu được xem như mặt hàng tiêu dùng mang đậm màu sắc cá nhân, ngành kinh doanh trang sức lâu nay vẫn là mảnh đất chật chội. Để tìm được chỗ đứng vững chắc, Leeada đã chọn hướng tiếp cận khách hàng một cách gần gũi, chân thật. “Nữ trang quả là loại sản phẩm đặc biệt. Trong nhiều trường hợp, chúng ẩn chứa một ý nghĩa riêng tư nào đó với người mua. Càng quý giá về mặt tinh thần, trang sức càng dễ gợi lên sự đồng cảm” - Lee nhận định. 

Bộ đôi doanh nhân tập trung tạo tác những mẫu trang sức lôi cuốn theo cách riêng biệt, có điểm nhấn, làm từ các loại đá quý tự nhiên chất lượng cao nhưng vẫn ở mức giá phù hợp với đa dạng tầng lớp khách hàng. “Vẫn tồn tại suy nghĩ cho rằng dòng nữ trang phổ thông ngày nay thường được gắn mác “chạy theo mốt”, nhanh mất giá hay chỉ hút hàng ở một thời điểm nhất định. Đây là điều luôn khiến tôi trăn trở. Chúng tôi muốn ra mắt các thiết kế trang sức có giá trị sử dụng đa năng, lâu bền mà vẫn mang nét đẹp hiện đại” - Lee nhấn mạnh. 

Bộ nữ trang từ đá mặt trăng với kiểu dáng nền nã của Leeada - Ảnh: Leeada
Bộ nữ trang từ đá mặt trăng với kiểu dáng nền nã của Leeada - Ảnh: Leeada

Hoạt động dựa vào tiêu chí nuôi dưỡng sự gắn kết giữa khách hàng và nhà sản xuất, Leeada sớm gây ấn tượng tại thị trường Bắc Mỹ như lời Spada bày tỏ: “Trang sức vốn là vật phẩm lưu giữ kỷ niệm, giúp chúng ta sẻ chia những khoảnh khắc đẹp, hồi tưởng những câu chuyện đáng nhớ. Chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng kinh doanh thân thiện từ nền tảng như thế”.   

Đối thoại và thấu hiểu

Tương tự, tại thị trường kim hoàn châu Á, tinh thần kết nối để thấu hiểu người tiêu dùng được các thương hiệu trẻ phản ánh qua định hướng quảng bá năng động và nỗ lực vinh danh nghệ thuật thủ công.  

Tiêu biểu ở Trung Quốc hiện có hàng loạt công ty trang sức độc lập dù khiêm tốn về quy mô sản xuất vẫn tạo dấu ấn nhờ chủng loại sản phẩm độc đáo, đậm chất cá nhân. Cough in Vain, do nhà thiết kế Liu Shuyu sáng lập, là cái tên nổi bật trong số này. Đi vào hoạt động từ năm 2016, thương hiệu thu hút người tiêu dùng trẻ với phong cách thiết kế cá tính, tiên phong. Trang sức Cough in Vain từng xuất hiện trên nhiều tạp chí danh tiếng quốc tế như Vogue, Nylon, Dazed... Các mẫu nữ trang, phụ kiện trẻ trung cho cả hai giới hút khách tại nhiều kênh bán lẻ hàng đầu của quốc gia này, từ mạng điện tử đến cửa hàng trực tiếp.  

Nhẫn bạc mạ vàng đính pha lê trắng của Cough in Vain - Ảnh: Cough in Vain
Nhẫn bạc mạ vàng đính pha lê trắng của Cough in Vain - Ảnh: Cough in Vain

“Tôi nghĩ những doanh nghiệp trẻ trong ngành trang sức cần thiết lập sự đối thoại thường xuyên cùng khách hàng thay vì giữ tư duy người bán nương theo thị hiếu người mua hay người mua lệ thuộc vào những sản phẩm sẵn có từ người bán. Việc hiểu rõ bạn và khách hàng của bạn là ai để chủ động thích nghi ở thị trường đầy sức ép cạnh tranh như ngành kim hoàn sẽ giúp thương hiệu của bạn tìm thấy vị thế riêng” - Liu Shuyu bày tỏ.   

Mặt khác, vẻ đẹp mang giá trị cổ điển có thể giàu tính kết nối không kém. Được truyền cảm hứng lẫn cố vấn chuyên môn từ những nghệ nhân người Yi, cộng đồng dân tộc thiểu số nổi tiếng với nghề làm trang sức thủ công ở Trung Quốc, Ziwei Longhong xây dựng thương hiệu Soft Mountains nhằm khám phá và truyền bá nét đặc sắc trong một làng nghề truyền thống đậm chất Á Đông. Nhà thiết kế nữ cho biết: “Khách hàng giờ đây không chỉ đơn thuần coi trọng chức năng cơ bản của hàng tiêu dùng mà đặc biệt đối với trang sức, họ đang chú tâm hơn đến trải nghiệm cảm xúc có được thông qua một sản phẩm. Đây cũng là lý do tôi muốn tạo dựng thương hiệu riêng, xuất phát từ định hướng thấu hiểu người tiêu dùng bằng tâm lý của người tiêu dùng”.

Bước tiến số hóa 

Dấu ấn kết nối tích cực cùng khách hàng và năng động chuyển mình để thích nghi nơi các doanh nghiệp trang sức trẻ còn được thể hiện qua mức độ phát triển của họ trên không gian số hóa. Giữa mùa dịch bệnh, đối với không ít đơn vị kinh doanh độc lập, thương mại điện tử thậm chí đã trở thành nền tảng hỗ trợ không thể thay thế. 

Vòng cổ đá Larimar tự nhiên thiết kế thủ công của thương hiệu trang sức Việt Crystals Macrame - Ảnh: Crystals Macrame
Vòng cổ đá Larimar tự nhiên thiết kế thủ công của thương hiệu trang sức Việt Crystals Macrame - Ảnh: Crystals Macrame

“Trang sức vốn được xem là mặt hàng tương đối kén khách trên mạng điện tử. Nhiều khách hàng vẫn muốn sờ tận tay một món nữ trang trước khi quyết định mua. Tuy nhiên, tôi nghĩ đại dịch đã tác động không nhỏ đến tư duy mua sắm hàng hóa trực tuyến của công chúng. Với những thương hiệu trẻ, không gian mạng đem đến cơ hội tuyệt vời để xây dựng hình ảnh và chỗ đứng. Tôi nghĩ giờ đây nhiều người tiêu dùng đã có tâm lý thoải mái hơn trước trải nghiệm mua sắm sản phẩm thời trang, bao gồm cả trang sức, qua các website. Đương nhiên, để duy trì sự tín nhiệm từ khách hàng, chúng tôi cần đảm bảo một môi trường kinh doanh trực tuyến tiện ích, thân thiện” - giám đốc Laurel Lee của Leeada nhận định. 

Dẫu hình thức bán lẻ trực tiếp vẫn chiếm vị trí hàng đầu ở ngành kim hoàn nói chung, tại các thị trường trang sức sôi động bậc nhất châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc, thương mại điện tử đang giúp hàng loạt thương hiệu mới quảng bá hình ảnh lẫn tạo nguồn thu ổn định thời đại dịch.  

“Tương tác cùng khách hàng, phổ biến như qua môi trường mạng điện tử, là cách hữu hiệu để hiểu họ đang mong muốn điều gì. Thế nhưng, dù có thể chịu ảnh hưởng từ đa dạng làn sóng tiêu dùng lan tỏa trên thế giới mạng, tôi không nghĩ nữ trang nên mang nặng yếu tố xu hướng. Tôi tin vẻ đẹp nội tại của trang sức, cũng là thứ nhiều khách hàng ngày nay tìm kiếm, nằm ở những câu chuyện, cảm xúc chúng khơi gợi cho chúng ta” - Mindy Chow, nhà sáng lập SOAMI - thương hiệu trang sức thủ công theo yêu cầu có trụ sở tại Singapore, chia sẻ. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI